Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cơn thiếu máu cục bộ não thoáng qua: Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Cơn thiếu máu cục bộ não thoáng qua (TIA) giống như một cơn đột quỵ, có các triệu chứng tương tự đột quỵ, nhưng thường chỉ kéo dài vài phút và không gây tổn thương vĩnh viễn.

Cơn thiếu máu cục bộ não thoáng qua (TIA) giống như một cơn đột quỵ, có các triệu chứng tương tự đột quỵ, nhưng thường chỉ kéo dài vài phút và không gây tổn thương vĩnh viễn. Khoảng 1 trong 3 người có một TIA cuối cùng sẽ có một cơn đột quỵ, với khoảng một nửa xảy ra trong vòng một năm sau khi có cơn thiếu máu não thoáng qua. Một TIA có thể xem như là một cảnh báo và một cơ hội - cảnh báo về một cơn đột quỵ sắp xảy ra và cơ hội để thực hiện các bước để ngăn chặn đột quỵ.

Triệu chứng của TIA

Cơn thiếu máu não thoáng qua thường kéo dài một vài phút. Hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng biến mất trong vòng một giờ. Các dấu hiệu và triệu chứng của TIA giống với những phát hiện sớm trong một cơn đột quỵ và có thể bao gồm khởi phát đột ngột với các dấu chứng, triệu chứng sau: yếu, tê hoặc liệt ở mặt, tay hay chân, thường ở một bên của cơ thể; líu lưỡi hoặc lời nói bị cắt bớt hoặc người khác khó hiểu; mù lòa ở một hoặc cả hai mắt hoặc nhìn đôi; chóng mặt hoặc mất thăng bằng hoặc phối hợp cả hai; mỗi người có thể có nhiều hơn một cơn TIA, các dấu hiệu và triệu chứng tái phát có thể giống hoặc khác nhau tùy thuộc vào khu vực của não bộ liên quan.

Khi nghi ngờ có một TIA, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức. Đánh giá kịp thời và xác định các rối loạn để điều trị có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ.

Mảng vữa xơ trong lòng động mạch là thủ phạm gây TIA.

Mảng vữa xơ trong lòng động mạch - thủ phạm gây TIA

 

Một TIA có nguồn gốc tương tự như một cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ, là thể phổ biến nhất của đột quỵ. Trong một cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ, cục máu đông làm nghẽn cung cấp máu cho một phần của bộ não. Trong TIA, không giống như một cơn đột quỵ, tắc nghẽn là tạm thời và không có tổn thương vĩnh viễn.

Nguyên nhân cơ bản của một TIA thường là một sự tích tụ của các mảng chứa cholesterol gọi là mảng xơ vữa trong lòng động mạch hoặc một trong các nhánh của động mạch, là nguồn cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho não. Mảng xơ vữa có thể làm giảm lưu lượng máu qua động mạch hoặc dẫn đến sự hình thành của một cục máu đông. Một cục máu đông di chuyển đến một động mạch cung cấp cho não từ một phần khác của cơ thể, thường gặp nhất từ tim, cũng có thể gây ra một TIA.

Ai có nguy cơ bị TIA và đột quỵ?

Một số yếu tố nguy cơ của TIA và đột quỵ không thể thay đổi:

Lịch sử gia đình: Người có nguy cơ cao bị TIA và đột quỵ nếu trong gia đình đã có thành viên bị TIA hoặc đột quỵ.

Tuổi tác: Nguy cơ TIA và đột quỵ tăng khi già đi, đặc biệt là sau 55 tuổi.

Giới tính: Đàn ông có nguy cơ cao TIA và đột quỵ cao hơn nữ, nhưng hơn một nửa số ca tử vong do đột quỵ xảy ra ở phụ nữ.

Người đã từng có một hoặc nhiều TIA, nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 10 lần người chưa từng bị TIA.

Người bị thiếu máu hồng cầu hình liềm: Đột quỵ là một biến chứng thường gặp của rối loạn di truyền này.

Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ tử vong do đột quỵ cao hơn các chủng tộc khác, một phần là do họ có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cao hơn.

Chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.       Ảnh: Trần Minh

Một số yếu tố nguy cơ của TIA và đột quỵ có thể thay đổi:

Tăng huyết áp: Nguy cơ đột quỵ bắt đầu với chỉ số huyết áp cao hơn 110/75mmHg. Cần gặp bác sĩ để có được huyết áp mục tiêu dựa vào độ tuổi, các bệnh kèm theo và các yếu tố khác.

Cholesterol cao: Ăn ít cholesterol và chất béo, đặc biệt chất béo bão hòa, có thể làm giảm các mảng xơ vữa trong động mạch.

Bệnh tim mạch: Suy tim, nhịp tim bất thường, hẹp động mạch cảnh...

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD): Các mạch máu tay và chân bị hẹp tắc.

Bệnh đái tháo đường: Nồng độ homocystein cao; thừa cân và béo phì.

Do lối sống: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ huyết khối, tăng huyết áp...;  giảm hoạt động thể chất, kém vận động; ăn quá nhiều chất béo và muối làm tăng nguy cơ TIA và đột quỵ; uống nhiều rượu; sử dụng cocain và ma túy; sử dụng thuốc tránh thai.

Điều trị TIA

Khi bác sĩ đã xác định nguyên nhân của cơn thiếu máu não thoáng qua, mục tiêu của điều trị là để điều chỉnh bất thường và ngăn ngừa đột quỵ. Tùy thuộc vào nguyên nhân của TIA, bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để giảm khả năng bị đột quỵ sau một TIA. Các thuốc được lựa chọn phụ thuộc vào vị trí, nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và loại TIA. Hai loại thuốc hay dùng là: thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel; thuốc chống đông máu bao gồm heparin và warfarin; nếu có rung nhĩ, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc chống đông; phẫu thuật can thiệp động mạch cảnh tắc hẹp như nong mạch, đặt stent...

 

Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa TIA và đột quỵ, cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên; không hút thuốc lá, không uống rượu; hạn chế cholesterol và chất béo; ăn nhiều trái cây và rau quả; hạn chế natri (muối); luyện tập thể dục đều đặn; duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý; không sử dụng cocain và ma túy; kiểm soát bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
BS. Hoài Châu - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

  • 22/04/2024

    Cách giảm lượng đường trong máu ngay lập tức

    Cách nhanh nhất để giảm lượng đường trong máu là dùng insulin tác dụng nhanh. Tập thể dục cũng là một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, bạn nên đến các cơ sở y tế để điều trị.

  • 22/04/2024

    Thực phẩm giàu biotin nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng

    Biotin hay vitamin B7 là dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Cách tốt nhất để bổ sung biotin là nhờ chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu vi chất này.

Xem thêm