Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý tương đối thường gặp ở phụ nữ với độ tuổi trên 30 và thường bị vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung

Hiện nay, ước tính có khoảng 10 - 15% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị lạc nội mạc tử cung và chiếm gần 1/2 trong số đó bị vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung không nằm ở vị trí bình thường trong tử cung, mà nằm ở vị trí bất thường ngoài tử cung trong khung chậu. Các vị trí bất thường của LNMTC là ống dẫn trứng, buồng trứng, âm đạo, bàng quang, niệu quản và trực tràng…

Các mô lạc cũng giống như các mô bình thường của nội mạc tử cung, cũng trải qua chu kỳ kinh nguyệt và gây ra xuất huyết khi hành kinh.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân:

Hiện nay y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra LNMTC. Nhưng có nhiều giả thuyết về nguyên nhận gây ra bệnh lý này:

- Các mô nội mạc tử cung bị bong tróc ra trong chu kỳ kinh nguyệt, trôi ngược trở lại vào buồng trứng và lọt ra ngoài tử cung vào khung chậu.

- Di truyền: bệnh LNMTC có tính di truyền với các thành viên nữ trong gia đình.

- Ảnh hưởng bởi tác động bất thường của estrogen hay progesterone lên nội mạc tử cung.

- Do sự suy yếu của hệ miễn dịch: không ngăn chặn được sự phát triển của các tế bào nội mạc tử cung ở các vị trí bất thường trong khung chậu

- Ảnh hưởng bởi môi trường: sự phơi nhiễm trong một thời gian dài với các hóa chất độc hại như dioxin sẽ gây ra LNMTC.

Đau ở vùng bụng dưới và khung chậu. Ảnh minh họa

Triệu chứng:

Một số phụ nữ bị LNMTC nhưng không xuất hiện các triệu chứng. Trong khi đó, một số khác có các triệu chứng như:

- Đau khi hành kinh hay khi giao hợp.

- Xuất huyết bất thường trong lúc hành kinh.

- Đau ở vùng bụng dưới và khung chậu..

- Rối loạn đường tiêu hóa; tiêu chảy hay táo bón.

- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và có thể gây ra vô sinh.

Thuốc điều trị

Thuốc sử dụng trong điều trị LNMTC được chia làm hai nhóm chính: nhóm điều trị giảm đau và nhóm liệu pháp hoóc-môn. Các nhóm thuốc này được sử dụng với mục đích làm giảm đau, giảm nhẹ các triệu chứng trong giai đoạn hành kinh và cải thiện khả năng sinh sản.

Nhóm điều trị giảm đau:

Nhóm điều trị giảm đau gồm các nhóm thuốc:

Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol, aspirin…).

Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (ibuprofen, diclophenac, meloxicam…).

Nhóm thuốc giảm đau opioid (hydrocodon, fentanyl, tramadol…).

Các nhóm thuốc trên thường được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau để làm giảm các cơn đau do LNMTC gây ra.

Cần lưu ý:

Aspirin và nhóm thuốc kháng viêm non- steroid khi sử dụng lâu dài có thể gây ra viêm loét dạ dày-tá tràng, cao huyết áp…

Nhóm thuốc opioid có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, suy hô hấp…

Nhóm liệu pháp hoóc-môn:

Nhóm liệu pháp hoóc-môn gồm các nhóm thuốc

Nhóm thuốc tránh thai: trong thành phần có sự kết hợp của estrogen và progestin (progesterone tổng hợp) hay đơn thuần chỉ có progestin. Nhóm thuốc này được sử dụng để làm giảm nhẹ các triệu chứng khi hành kinh (đau, xuất huyết bất thường) và thường được sử dụng ở dạng thuốc viên, thuốc tiêm.

Cần lưu ý: nhóm thuốc tránh thai có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, nhức đầu, căng ngực, tăng cân, chảy máu bất thường, thay đổi tâm trạng… Những tác dụng phụ này thường giảm  dần sau một vài tháng sử dụng.

Nhóm thuốc chủ vận GnRH (gonadotrophin releasing hormone) gồm những hoạt chất tương tự như hoóc-môn phóng thích gonadotrophin (buserelin, goserelin, nafarelin, leuprorelin, và triptorelin), có tác dụng ức chế tuyến yên giải phóng gonadotrophin, giảm sản sinh estrogen tại buồng trứng, ngăn chặn sự rụng trứng và sự phát triển của nội mạc tử cung... Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc xịt mũi hay thuốc tiêm.

Cần lưu ý: các thuốc trên làm  giảm lượng estrogen trong cơ thể nên gây ra các tác dụng phụ như: nóng bừng mặt, khô âm đạo, giảm  ham muốn tình dục, giảm mật độ xương, khó ngủ…

Danazol: một androgen có tác dụng ức chế tuyến yên giải phóng gonadotrophin nên làm giảm sản sinh estrogen tại buồng trứng, ngăn chặn sự rụng trứng và sự phát triển của nội mạc tử cung Danazol thường được sử dụng ở dạng thuốc viên.

Cần lưu ý: thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ tăng cân, phù nề, mụn trứng cá, rậm lông, trầm giọng, giảm ham muốn tình dục…

Nhóm thuốc ức chế enzym Aromatase (anastrozole, letrozole…) có tác dụng ức chế sự sản sinh estrogen trong cơ thể. Nhóm thuốc này thường được phối hợp với nhóm thuốc tránh thai trong trường hợp các dạng thuốc khác hoặc với phương pháp phẫu thuật không đáp ứng điều trị như mong muốn.

Cần lưu ý: khi sử dụng trong một thời gian dài, nhóm  thuốc này có thể gây ra loãng xương.

Đối với LNMTC, ngoài việc điều trị nội khoa bằng thuốc còn có thể điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật. Hầu hết các thuốc sử dụng trong điều trị LNMTC đều là những thuốc kê đơn và có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, nên người bệnh cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc, tránh tự ý sử dụng.

DS. MAI XUÂN DŨNG - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm