Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bong (rách) võng mạc: điều trị và khả năng hồi phục thị lực

Bong võng mạc là một tình huống khẩn cấp, trong đó một lớp mô mỏng được gọi là võng mạc nằm ở phía sau của mắt bị tách khỏi vị trí bình thường của nó. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến thị lực và nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn có thể gặp phải.

(tiếp phần 1)

Điều trị tình trạng bong võng mạc như thế nào?

Phẫu thuật là phương pháp thường được áp dụng để điều trị lỗ thủng, vết rách hoặc bong võng mạc. Hiện có nhiều kỹ thuật khác nhau. Hãy trao đổi với bác sĩ về các lợi ích và rủi ro của phương pháp điều trị cho mình. Bệnh nhân có thể phối hợp với bác sĩ để quyết định xem nên thực hiện một thủ thuật hay kết hợp nhiều thủ thuật.

Rách võng mạc

Khi lỗ thủng hoặc vết rách võng mạc chưa tiến triển đến mức bong võng mạc, phẫu thuật mắt có thể đề nghị thực hiện một trong các thủ thuật sau để ngăn ngừa bong võng mạc và bảo tồn thị lực.

  • Phẫu thuật laser (quang đông): phẫu thuật sẽ chiếu chùm tia laser qua đồng tử đi vào mắt. Tia laser gây bỏng quanh vết rách võng mạc, hình thành sẹo giúp “hàn” võng mạc vào lớp mô bên dưới.
  • Đóng băng võng mạc (Cryopexy): sau khi gây tê cục bộ cho mắt, phẫu thuật sẽ đưa đầu dò lạnh đến mặt ngoài của mắt, trực tiếp trên vết rách. Việc đóng băng sẽ tạo thành sẹo giúp gắn võng mạc vào thành mắt.

Cả hai thủ thuật này đều được thực hiện ngoại trú. Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể cần tránh các hoạt động gây chấn động mắt – như chạy bộ – trong vài tuần hoặc lâu hơn.

Bong võng mạc

Nếu bị bong võng mạc, bệnh nhân cần phẫu thuật để điều trị, tốt nhất là trong vài ngày sau khi có chẩn đoán. Đây là hình thức phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng bong võng mạc.

  • Bơm hơi hoặc khí vào trong mắt (gọi là áp võng mạc bằng hơi): trong thủ thuật này, phẫu thuật sẽ bơm bóng khí hoặc hơi vào trung tâm mắt (khoang dịch kính). Nếu bơm đúng vị trí, bóng hơi sẽ đẩy vùng võng mạc có lỗ thủng hoặc lỗ thủng về lại thành mắt, giúp ngăn dịch chảy vào khoang sau võng mạc. Bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp lạnh đông trong quá trình thủ thuật để điều trị rách võng mạc.

Dịch lỏng tích tụ dưới võng mạc sẽ tự hấp thụ và khi đó võng mạc có thể dính lại vào thành mắt. Để bóng hơi được ở đúng vị trí, bệnh nhân cần giữ đầu ở tư thế cố định trong vài ngày. Bóng hơi sẽ tự biến mất sau đó.

Bệnh nhân không được đi máy bay hoặc lái xe nếu đang có bóng hơi trong mắt.

  • Ấn độn bề mặt mắt (gọi là ấn độn củng mạc): trong thủ thuật này, phẫu thuật sẽ khâu một miếng độn bằng silicon vào phần lòng trắng của mắt (củng mạc) trên vùng bị ảnh hưởng. Thủ thuật này giúp đẩy võng mạc vào thành mắt và giảm lực co kéo của dịch kính trên võng mạc.

Nếu bệnh nhân có một vài vết rách, lỗ thủng hoặc bong một mảng lớn trên võng mạc, phẫu thuật có thể tạo miếng độn củng mạc quanh toàn bộ mắt như một cái đai. Đai độn được đặt sao cho không cản trở tầm nhìn, và thường được giữ vĩnh viễn.

  • Dẫn lưu và thay dịch lỏng trong mắt (gọi là cắt dịch kính): trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ dịch kính cùng với các mô đang bị co kéo trên võng mạc. Sau đó thủ thuật sẽ bơm hơi, khí hoặc dầu silicon vào khoang dịch kính để giúp làm phẳng võng mạc. Hơi, khí hoặc dịch lỏng sẽ được hấp thụ và khoang dịch kính sẽ lấp đầy dịch lỏng cơ thể. Nếu dùng dầu silicon, cần phẫu thuật để loại bỏ vài tháng sau đó.

Phương pháp cắt dịch kính có thể được kết hợp với thủ thuật ấn độn củng mạc. Sau mổ thị lực có thể tăng hoặc như cũ hoặc giảm tuỳ theo thời gian bị bong và tình trạng bong nặng hay nhẹ. Nếu bong võng mạc chưa qua hoàng điểm, tức là vùng nhìn trung tâm của bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng thì kết quả thị lực sẽ cao. Nếu đã bong qua hoàng điểm thì phục hồi tùy thuộc vào thời gian bong và các tổn thương phối hợp.

Một số trường hợp do bệnh nặng nên cần phải mổ thêm một hoặc hai lần nữa và có khi phải sử dụng những loại thuốc đặc biệt bơm vào trong mắt để làm cho võng mạc áp trở lại.

Thị lực có trở lại bình thường?

Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ và thời gian bong võng mạc. Sau phẫu thuật, có thể mất vài tháng để cải thiện thị lực. Thị lực ngoại biên có thể trở lại bình thường sau phẫu thuật điều trị bong võng mạc thành công. Thị lực gần có nhiều khả năng phục hồi nếu phần trung tâm của võng mạc (hoàng điểm) không bị ảnh hưởng (bong võng mạc đến hoàng điểm). Kết quả sẽ xấu hơn nếu hoàng điểm đã bị bong ra.

Thời gian bong hoàng điểm trước phẫu thuật càng lâu thì khả năng cải thiện thị giác sau phẫu thuật càng thấp. Do đó, điều quan trọng là phải điều trị bong võng mạc sớm nhất có thể, trước khi xảy ra bong hoàng điểm.

Tổng kết

Bong võng mạc là tình trạng võng mạc bị tách ra khỏi hắc mạc và không thể hoạt động bình thường được nữa. Đây là bệnh lý nặng trong nhãn khoa nói chung và là biến chứng nặng của chấn thương nhãn cầu nói riêng rất cần chú ý khi không may mắc phải. Nếu không được điều trị kịp thời, bong võng mạc sẽ gây mất thị lực vĩnh viễn. Do vậy, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám và xử trí kịp thời.

Tham khảo thêm thông tin tại: Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non – nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em

 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm