Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non – nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em

Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non (retinopathy of prematurity – ROP) là một bệnh lý của mắt có ảnh hưởng tới rất nhiều trẻ sơ sinh thiếu tháng. ROP xuất hiện khi võng mạc của trẻ không được phát triển hoàn chỉnh trong vòng vài tuần đầu sau sinh và thường ảnh hưởng đến cả hai mắt.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non – nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em

Theo ước tính có khoảng 14,000 đến 16,000 trẻ em ở Mỹ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP). Hầu hết trẻ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) đều ở mức nhẹ. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến nặng có thể gây ảnh hưởng đến thị lực hoặc thậm chí gây mù lòa. Khoảng 400 – 600 trẻ bị mù mỗi năm do bệnh lý võng mạc ROP.

Nếu con bạn bị mắc bệnh ROP, việc điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng. Bệnh có thể diễn biến rất nhanh chóng và có thể làm giảm thị lực của trẻ nếu trẻ không được bác sỹ khám và chẩn đoán cẩn thận.

Nguyên nhân gây ROP

Trong vòng 12 tuần cuối thai kỳ, mắt của thai nhi sẽ phát triển rất nhanh. Khi trẻ được sinh ra, hầu hết các mạch máu ở võng mạc đã gần như hoàn thiện. Võng mạc sẽ dần dần phát triển hoàn chỉnh trong vòng vài tuần đầu sau sinh.

Nếu trẻ bị sinh quá sớm, các mạch máu có thể ngừng phát triển hoặc phát triển sai lệch. Các mạch máu mỏng manh có thể vỡ ra, gây xuất huyết trong mắt. Các mô sẹo hình thành, và khi chúng co lại chúng có thể kéo võng mạc rời khỏi phần sau của mắt. Hiện tượng này gọi là bong võng mạc. Bong võng mạc là nguyên nhân chính gây nên các vấn đề về thị giác và thậm chí mù lòa ở trẻ bị mắc ROP.

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ có nguy cơ cao mắc ROP bao gồm:

  • Sinh non – trẻ sinh ra quá sớm, trước tuần 37 thai kỳ.
  • Trẻ gặp hiện tượng ngưng thở - xảy ra khi quá trình hô hấp của trẻ ngừng trong khoảng 15 – 20 giây.
  • Thiếu máu – khi cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu để cung cấp oxy cho cơ thể.
  • Bệnh tim mạch.
  • Bị nhiễm trùng.
  • Các bệnh về hô hấp.
  • Nhịp tim chậm.
  • Mắc các bệnh về máu, buộc phải truyền máu.

Chẩn đoán trẻ mắc ROP

Trẻ sẽ cần phải kiểm tra thị lực nếu trẻ:

  • Sinh trước tuần 30 thai kỳ.
  • Nhẹ dưới 1.12 kg khi sinh.
  • Có các yếu tố nguy cơ mắc ROP.

Trẻ sẽ được kiểm tra nhãn khoa lần đầu tiên vào khoảng 4 – 9 tuần sau sinh. Trong thời gian này, trẻ có thể vẫn phải nằm trong khoa chăm sóc tích cực hoặc đã được xuất viện. Trẻ sinh vào tuần 37 thường được kiểm tra mắt sau khi được 4 tuần tuổi.

Nếu kết quả kiểm tra cho thấy trẻ bị mắc ROP, việc điều trị sẽ được bắt đầu trong vòng 72 giờ. Việc điều trị sớm sẽ giúp thị giác của trẻ có nhiều khả năng trở lại bình thường hơn.

Điều trị ROP

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Bệnh ở những giai đoạn ban đầu có thể diễn biến rất nhanh và tiến đến các giai đoạn nặng hơn chỉ trong một vài tuần. Do vậy, việc đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên là vô cùng quan trọng để các bác sỹ có thể xác định được nên dùng phương pháp điều trị như thế nào.

Giai đoạn 1 – Sự phát triển các mạch máu bất thường mức độ nhẹ: Đôi khi bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị và trẻ vẫn có thể có thị lực bình thường.

Giai đoạn 2 – Sự phát triển các mạch máu bất thường mức độ trung bình: tương tự giai đoạn 1, bệnh có thể được cải thiện mà không cần điều trị.

Giai đoạn 3 – Sự phát triển các mạch máu bất thường mức độ nặng: Trẻ thường bị mắc thêm một bệnh gọi là bệnh kèm (plus disease) khiến các mạch máu ở võng mạc trở nên phình to và xoắn lại. Bệnh kèm là dấu hiệu cho thấy bệnh ROP đang tiến triển nặng hơn và việc điều trị là cần thiết để ngăn ngừa chứng bong võng mạc.

Giai đoạn 4 - Sự phát triển các mạch máu bất thường mức độ nặng và võng mạc bị bong một phần: Trẻ cần phải được điều trị ngay do một phần của võng mạc đã bị bong ra khỏi thành bên trong của nhãn cầu.

Giai đoạn 5 – Võng mạc bị bong hoàn toàn: Võng mạc bị kéo rời hoàn toàn ra khỏi thành trong nhãn cầu. Nếu không được điều trị, trẻ sẽ bị tổn thương thị giác nghiêm trọng và mù lòa.

Việc điều trị ROP có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật laser (còn gọi là ngưng kết quang học – photocoagulation): Bác sỹ sẽ sử dụng chùm tia laser để đốt nhằm ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu bất thường và phòng bong võng mạc.
  • Liệu pháp làm lạnh (cryotherapy): Bác sỹ sử dụng một đầu kim loại để làm lạnh và tạo sẹo bên trong võng mạc. Biện pháp này có thể ngăn chặn được sự lan rộng của các mạch máu bất thường và dự phòng bong võng mạc.
  • Thắt củng mạc: Bác sỹ đặt một dải silicone xung quanh lòng trắng của mắt. Dải này giúp đẩy mắt theo hướng vào trong để võng mạc giữ trên thành trong của mắt lâu hơn. Khóa sẽ được loại bỏ sau khi mắt phát triển hơn. Trường hợp nó không được loại bỏ, trẻ có thể bị cận thị.
  • Thủ thuật loại bỏ dịch thủy tinh (vitrectomy): Bác sỹ sẽ loại bỏ phần dịch thủy tinh trong mắt trẻ và thay vào đó bằng dung dịch saline (nước muối sinh lý). Phương pháp phẫu thuật này thường chỉ định cho trẻ mắc ROP giai đoạn 5.

Nhiều trẻ mắc ROP không cần phải điều trị. Ngay cả khi được điều trị, một số trẻ vẫn có thể bị mất thị giác và ngay cả khi phương pháp điều trị có hiệu quả thì trẻ với bệnh ROP vẫn có khả năng mắc phải một số căn bệnh về mắt về sau như:

  • Cận thị
  • Lác mắt
  • Nhược thị
  • Tăng nhãn áp (bệnh này gây tổn thương các dây  thần kinh thị giác liên kết võng mạc và não bộ, có thể dẫn tới mất thị lực và mù lòa.)

Do vậy, cha mẹ cần phải đưa trẻ đi kiểm tra mắt định kỳ. Ngay cả khi bệnh ROP tự cải thiện thì một số trẻ vẫn cần thiết phải điều trị. Trẻ được khám mắt càng sớm và càng được điều trị kịp thời thì nguy cơ mắc phải các bệnh về thị giác khi trưởng thành càng thấp. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Các vấn đề về tai và mắt ở trẻ sinh non

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Marchofdimes
Bình luận
Tin mới
Xem thêm