Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh về máu ở trẻ em và cách phòng ngừa

Tình trang bệnh về máu ở trẻ em rất nguy hiểm. Tuy nhiên chúng có thể được cải thiện nếu được phát hiện và điều trị sớm. Đồng thời, một kế hoạch phòng ngừa bệnh là không thể thiếu.

Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh về máu ở trẻ em?

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Văn, Phó khoa Ung bướu - Huyết học, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, bệnh lý về máu ở trẻ em thường nguy hiểm. Tuy nhiên, một số bệnh có thể phòng ngừa, hoặc nếu phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi rất cao. BS Văn cho biết, có ba loại bệnh lý về máu trẻ em hay mắc phải nhất, Đó là thiếu máu - thiếu sắt, bạch cầu cấp dòng lympho (ung thư) và xuất huyết dạng tiểu cầu miễn dịch.

Trước tiên là bệnh thiếu máu - thiếu sắt. BV Nhi Đồng 2, TP.HCM mỗi tháng tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi thiếu máu do thiếu sắt phải điều trị nội trú. Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt có biểu hiện da nhợt nhạt, môi tái, móng tay biến dạng, học hành giảm sút, hay bị mệt khi chạy, vận động… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhi chậm phát triển tâm thần vận động, bệnh nặng sẽ suy tim và ngất xỉu. Ngoài ra, bệnh nhi rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi…
 

Nguyên nhân thiếu máu - thiếu sắt ở trẻ nhỏ do chế độ ăn uống chưa hợp lý. Chẳng hạn, khi bé đã đến tuổi ăn dặm, nhiều bà mẹ vẫn chỉ cho trẻ uống sữa. “Sau sáu tháng tuổi, trẻ cần ăn dặm để bổ sung thêm sắt và một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nhiều bà mẹ không hiểu điều này, cho trẻ bú quá nhiều sữa làm bé không có cơ hội ăn thêm món khác”, BS Văn nói.

Với các bé lớn hơn, nguyên nhân gây thiếu máu - thiếu sắt chủ yếu do bị mắc các bệnh lý như: viêm dạ dày, ký sinh trùng, rong kinh (với bé gái tuổi dậy thì) hoặc ruột hấp thu kém.

Phụ huynh hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh thiếu máu - thiếu sắt cho các bé. Với những bé do chế độ ăn uống chưa hợp lý, cha mẹ hãy thêm vào thực đơn của con các thực phẩm giàu sắt như thịt động vật, gan, rau muống… Ở những bé lớn, nếu bé đau bụng ói ra máu, cha mẹ cần đưa đi khám xem con có bị viêm dạ dày không. Các bé gái tuổi dậy thì bị rong kinh phải chữa dứt điểm bệnh này.

Đặc biệt, phụ huynh nên lưu ý cho con uống thuốc tẩy giun định kỳ. Nhiễm ký sinh trùng cũng là nguyên nhân gây thiếu máu - thiếu sắt ở trẻ. Các bé bị thiếu máu - thiếu sắt sẽ được bác sĩ kê toa cho uống bổ sung viên sắt và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Bệnh có thể khỏi hẳn nếu được điều trị sớm

Bệnh máu nguy hiểm hơn cả mà trẻ em hay gặp chính là bạch cầu cấp dòng lympho (ung thư). Cũng là bệnh này nhưng nếu người lớn mắc phải gần như đối mặt với thần chết. Riêng trẻ em lại may mắn hơn, nếu phát hiện, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 70%.

Hiện tại, số trường hợp bị bạch cầu cấp dòng lympho tại khoa Ung bướu - Huyết học BV Nhi Đồng 2 rất đông (30/90 ca nội trú). Đây là bệnh lý chiếm tới 70% các bệnh máu ác tính ở trẻ em.

Các biểu hiện đặc trưng của bệnh bạch cầu cấp dòng lympho là trẻ bỗng dưng bị thiếu máu. Chỉ trong vòng từ hai tuần tới một tháng, trẻ xanh xao nhanh chóng, sốt kéo dài, mảng bầm da ngày một nhiều, nổi hạch, gan - lách to. Một số trẻ không có biểu hiện thiếu máu nhưng lại bị đau nhức xương tới mức không đi được, thậm chí nằm liệt giường. Điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho chủ yếu bằng hóa trị. Phương pháp này không đắt tiền. Một phác đồ điều trị từ hai-ba năm.

Tiếp đến, xuất huyết dạng tiểu cầu miễn dịch cũng là một bệnh hay gặp ở trẻ em. Đây tuy là bệnh máu lành tính nhưng nếu phát hiện, điều trị chậm, trẻ có thể bị xuất huyết ở não, các cơ quan nội tạng dẫn tới tử vong.

Trẻ từ hai-sáu tuổi là đối tượng hay mắc bệnh này nhất. Biểu hiện của bệnh: Bé bị nổi ban, xuất huyết dưới da cấp tính (trong vòng một vài ngày), chảy máu mũi, răng, thậm chí đi tiểu ra máu. Trước khi có các triệu chứng trên khoảng một tuần, bệnh nhi hay bị nhiễm siêu vi hoặc có đi chích ngừa. Nếu tiểu cầu của trẻ giảm quá mức cho phép, sẽ được điều trị bằng cách dùng thuốc giúp tăng tiểu cầu.

Trâm Anh - Theo PNO
Bình luận
Tin mới
Xem thêm