Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm nhiễm bờ mi mắt, điều trị thế nào?

Viêm nhiễm bờ mi gồm nhiều tổn thương cấp tính và mạn tính. Đây là một bệnh thường gặp,

Viêm nhiễm bờ mi gồm nhiều tổn thương cấp tính và mạn tính. Đây là một bệnh thường gặp, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, việc điều trị có khi rất dai dẳng vì xác định nguyên nhân khó hoặc viêm do nhiều nguyên nhân phối hợp.

Viêm mi do tụ cầu: Đây là loại viêm bờ mi hay gặp nhất, nhiễm Staphylococcus aureus ở mi mắt gây viêm mi, kết mạc và giác mạc. Gặp ở nữ giới (80%) và những người trẻ. Bệnh nhân thấy cảm giác nóng, ngứa và rát da, đặc biệt vào buổi sáng, hai mi mắt dính vào nhau.

Viêm ở phần trước mi, viêm bờ mi vùng góc mắt (angular blepharitis) với đặc điểm đỏ, ướt, nứt nẻ và đóng vảy ở góc ngoài, góc trong hoặc cả hai góc mắt (toét mắt) thường kèm viêm kết mạc nhú gai, đôi khi có tiết tố nhày mủ và tiết tố dính. Có loét và xuất huyết bờ mi.

Viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn.

Viêm mạn tính điển hình: có những vảy cứng, giòn ở gốc lông mi, bằng mắt thường đôi khi chỉ thấy những vảy trắng. Khám bờ mi bằng sinh hiển vi thấy vảy cứng bao quanh mỗi lông mi. Khi những vảy này bao quanh lông mi, chúng trông như cổ áo hay cái dù (vảy như một đĩa tròn, lông mi xuyên qua như một cái ô). Bờ mi khô dày, đỏ, lông mi có thể bết lại với nhau thành từng búi.

Lông mi thường bạc, ngắn, gãy, rụng lông và mọc lệch hướng. Có thể có quặm hoặc mất lông mi do tổn thương nang lông. Bạc từng lông mi riêng rẽ do tổn thương gốc lông bởi tụ cầu.

Chắp: chắp ngoài là một áp-xe của tuyến Zeiss ở phía trước mi có sưng, đỏ, đau; Chắp trong là nhiễm khuẩn trong tuyến Meibomius ở phần sau mi, gây đau, nó có thể vỡ ra ngoài da hoặc vào trong kết mạc.

Khô mắt gặp ở 50% bệnh nhân viêm mi kết mạc do tụ cầu. Có thể thấy phản ứng nhú gai mạn tính của kết mạc sụn mi dưới, cương tụ kết mạc mi và kết mạc nhãn cầu. Nhiều dạng viêm giác mạc xảy ra kèm viêm mi kết mạc như: tróc biểu mô dạng chấm; thâm nhiễm vùng rìa; viêm kết giác mạc mụn bọng. Nhiều khi do dụi mắt nhiều làm trợt da mi, bội nhiễm có mủ.

Điều trị loại trừ tụ cầu ở mi và kết mạc. Vệ sinh sạch vảy bờ mi, massage bờ mi, bôi mỡ kháng sinh như bacitracin, erythromycin. Những trường hợp dai dẳng phải dùng kháng sinh toàn thân như tetracyclin, doxycyclin, erythromycin...

Viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn (seborrheic blepharitis). Có thể đơn độc hoặc phối hợp với viêm bờ mi do tụ cầu vì nhiều khi bã làm tắc tuyến. Tụ cầu rất ưa những nơi có nang lông, nhiều tuyến bã nên dễ gây viêm, có thể thành nhọt viêm nang lông sâu. Viêm chủ yếu ở bờ mi phía trước với triệu chứng: nóng, rát, ngứa, sợ ánh sáng, nặng mi, đôi khi có cảm giác dị vật.

Viêm mi, vảy gầu khô ở mi, dạng ướt tiết nhờn và lắng đọng chất mỡ nhờn ở lông mi, những chất này có thể khô đi tạo thành vảy. Ở 15%  bệnh nhân có viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc phối hợp. Viêm giác mạc đặc trưng bằng tróc biểu mô dạng chấm ở 1/3 dưới giác mạc, khoảng 30% bệnh nhân có khô mắt. Đây là bệnh mạn tính, điều trị rất nan giải, song thể nhẹ có thể khỏi bởi vệ sinh mi.

Loạn năng tuyến Meibomius: Tuyến Meibomius tiết ra chất bã nhờn. Những biến đổi ban đầu trong loạn năng tuyến Meibomius là sừng hoá biểu mô ống tuyến và lỗ tuyến dẫn tới tắc tuyến. Tuyến bị giãn, biến đổi thành phần lipid của chất tiết. Các vi khuẩn tiết ra men hủy lipid, làm biến đổi các acid béo, gây mất ổn định màng phim nước mắt.

Bệnh nhân bị đau, rát, cảm giác dị vật, đỏ mi và kết mạc, nhìn lờ mờ và chắp tái phát. Viêm chủ yếu giới hạn ở bờ mi phía sau, kết mạc và giác mạc. Bờ mi phía sau thường không đều và có hình "vết bút lông" do các mạch máu nổi lên và đi từ phía sau đến phía trước bờ mi. Các lỗ tuyến Meibomius có thể giãn ra hoặc dị sản với một nút protein sừng màu trắng lan rộng qua lỗ tuyến. Có khi có bọt ở liềm nước mắt dọc theo mi dưới.

Điều trị chườm nóng mi và rửa sạch bờ mi. Uống kháng sinh tetracyclin hoặc doxycyclin trong 4 tuần. Dùng corticosteroid tra mắt ít ngày trong những trường hợp viêm vừa đến viêm nặng.

 Bệnh thường có một vòng luẩn quẩn: viêm bờ mi, bất hoạt tuyến Meibomius, khô mắt. Nguyên nhân chính gây bệnh gồm: các chủng vi khuẩn Staphylococcus, trực khuẩn lao, giang mai, Chlamydia, virut, nấm, ký sinh trùng..., loại lipid làm mất ổn định phim nước mắt dễ bị huỷ. Bệnh trứng cá đỏ (Rosacea): viêm tuyến do vi khuẩn, vi khuẩn tiết ra men làm tan mỡ gây mất ổn định màng phim nước mắt.

 

BS. Đặng Thị Ngọc Ba - Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
Xem thêm