Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Khi bị viêm khớp nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ phải đối diện với nhiều hậu quả nguy hiểm, điển hình nhất là khớp bị phá hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động. Chưa hết, việc điều trị căn bệnh này thường rất tốn kém và mất thời gian.

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?

Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng tại khớp do vi khuẩn hoặc virus gây ra tại khớp hay hoạt dịch bao quanh khớp. Nhiễm trùng dạng này thường khởi phát ở một vị trí khác của cơ thể, vi trùng sẽ đi vào máu và di chuyển đến khớp. Vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua phẫu thuật, vết thương hở hay đường tiêm.

Viêm khớp nhiễm khuẩn thường chỉ xảy ra tại một khớp, chủ yếu là các khớp lớn như khớp gối, khớp hông hay vai. Căn bệnh này thường gặp chủ yếu ở trẻ em, người già và những người sử dụng chất gây nghiện.

Triệu chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn

Các triệu chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn khá khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và loại thuốc đang sử dụng, thường bao gồm:

  • Đau dữ dội và đau nặng hơn khi di chuyển
  • Sưng khớp
  • Nóng đỏ quanh khớp
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Yếu cơ
  • Giảm vị giác
  • Nhịp tim nhanh
  • Cảm giác kích thích, khó chịu

Các yếu tố nguy cơ của viêm khớp nhiễm khuẩn

  • Đã mắc sẵn các bệnh về khớp như viêm khớp, gút hay lupus
  • Có tiền sử phẫu thuật khớp
  • Mắc một số bệnh về da
  • Có vết thương hở
  • Lạm dụng ma túy hay rượu
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
  • Có hệ miễn dịch yếu
  • Ung thư
  • Hút thuốc
  • Tiểu đường

Chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn

Bác sỹ sẽ kiểm tra khớp và hỏi bạn về các triệu chứng. Trong trường hợp nghi ngờ bạn mắc viêm khớp nhiễm khuẩn, bác sỹ sẽ yêu cầu thực hiên thêm một số xét nghiệm khác.

Chọc dò dịch khớp là một thủ thuật được thực hiện để giúp chẩn đoán căn bệnh này. Quá trình thực hiện gồm việc đưa một đầu kim vào bên trong khớp bị viêm để lấy mẫu hoạt dịch. Sau đó, mẫu dịch khớp sẽ được đưa đi phân tích về màu sắc, độ đặc và phát hiện sự có mặt của bạch cầu hay vi khuẩn.

Bác sỹ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu và tìm vi khuẩn trong máu. Xét nghiệm này cũng giúp đánh giá được mức độ nặng của nhiễm trùng.

Các xét nghiệm hình ảnh cũng có thể được chỉ định để xác nhận sự có mặt của ổ nhiễm khuẩn, mức độ tổn thương khớp do nhiễm trùng. Các test này bao gồm:

  • Chụp X quang
  • Chụp phổ MRI
  • Chụp cắt lớp CT

Điều trị

Thuốc kê đơn

Liệu trình điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn thường bắt đầu bằng kháng sinh diệt khuẩn. Bác sỹ sẽ sử dụng các thông tin xét nghiệm để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp nhất với loại vi khuẩn trong khớp. Ổ nhiễm khuẩn cần được điều trị sớm và tích cực để phòng ngừa tiến triển thành viêm xương khớp và gây tổn thương khớp. Thường sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch để có tác dụng nhanh hơn. Hầu hết các trường hợp sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện trong vòng 48 giờ sau liều kháng sinh đầu tiên. Bác sỹ cũng có thể chỉ định kháng sinh đường uống sử dụng trong vòng 6-8 tuần. Điều quan trọng là cần phải tuân thủ lịch trình điều trị và sử dụng hết liều thuốc kháng sinh đã được chỉ định.

Nếu nhiễm trùng là do nấm thì các kháng sinh sẽ được thay bằng thuốc kháng nấm.

Trường hợp viêm khớp là do virus thì thường không cần dùng thuốc.

Dẫn lưu dịch khớp

Nhiều trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn cần phải dẫn lưu dịch khớp để loại bỏ phần dịch bị viêm, giúp giảm đau, giảm sưng và phòng tổn thương cho khớp. Dịch khớp thường được dẫn lưu bằng nội soi hoặc mổ mở.

Nếu dùng phương pháp nội soi, bác sỹ sẽ rạch một đường nhỏ gần khớp bị viêm. Sau đó đưa một ống nhỏ có gắn một camera vào trong vết rạch để quan sát bên trong khớp và thực hiện thủ thuật hút dịch khớp. Thường thì một ống sẽ được chèn và lưu lại trong khớp để giữ khớp khỏi bị sưng lên, sau đó sẽ được loại bỏ sau một vài ngày.

Đôi khi, bác sỹ có thể sử dụng một chiếc kim nhỏ để loại bỏ dịch khớp bị viêm mà không cần phẫu thuật. Thủ thuật này thường phải lặp lại sau một vài ngày để đảm bảo dịch khớp bị viêm đã được loại bỏ hoàn toàn.

Lựa chọn điều trị khác

Phần lớn các trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn đều cần phải phẫu thuật bằng nội soi hay bằng phương pháp mổ mở. Đôi khi cần phẫu thuật để loại bỏ những phần bị tổn thương trong khớp hoặc thay khớp, tuy nhiên việc này chỉ được thực hiện sau khi đã điều trị nhiễm khuẩn.

Các biện pháp điều trị khác để giảm đau có thể được sử dụng kèm với điều trị nhiễm khuẩn như:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid
  • Cho khớp nghỉ ngơi
  • Nẹp khớp
  • Vật lý trị liệu

Triển vọng điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và tích cực. Người bệnh sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Nhiễm khuẩn tại khớp nếu để quá lâu không chữa trị có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn. Do vậy, hãy đi khám bác sỹ ngay nếu bạn bị sưng đau bất thường tại khớp.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Viêm khớp dạng thấp: có thể bạn chưa biết

PGs.Ts. Bs. Nguyễn Xuân Ninh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm