Bệnh cũng đặc biệt nguy hiểm ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, ví dụ bệnh nhân bạch cầu cấp, người phải dùng thuốc gây ức chế miễn dịch, chẳng hạn steroid và các thuốc ức chế thải ghép ở bệnh nhân ghép tạng.
Cần phân biệt thủy đậu và bệnh zona, hai bệnh này cùng do virus varicella zoster gây ra. Tuy nhiên, zona thường chỉ xuất hiện ở một phía của cơ thể, bệnh xảy ra khi virus tái hoạt động sau một thời gian tiềm ẩn trong cơ thể. Chỉ những người từng bị thủy đậu mới có thể mắc zona và bạn không thể bị lây zona từ bệnh nhân thủy đậu.
Triệu chứng
Bệnh thường bắt đầu bằng biểu hiện sốt, một đến hai ngày sau, trẻ bắt đầu nổi ban dạng nốt sẩn màu đỏ, có thể rất ngứa. Các nốt ban này nhanh chóng chuyển thành bọng nước. Số lượng bọng nước rất khác biệt ở bệnh nhân, dao động từ vài nốt tới hàng trăm nốt. Các bọng nước khô đi và tạo vảy trong vòng 4-5 ngày.
Đường lây truyền
Thủy đậu rất dễ lây lan, bệnh truyền từ người này sang người khác qua 2 con đường:
- Tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu
- Qua đường hô hấp do hít phải virus do người bị bệnh thủy đậu hắt hơi, ho, nói chuyện, làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi.
Virus thủy đậu lây lan mạnh nhất vào 1-2 ngày trước khi phát ban. Khi bọng nước còn chưa khô, trẻ vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Cần liên hệ với trường học, nhà trẻ để biết khi nào bé có thể đi học trở lại.
Trong gia đình có trẻ bị thủy đậu, bệnh có thể lây sang những người chưa có miễn dịch. Thông thường, người nhiễm bệnh tiếp theo sẽ có biểu hiện bệnh 2-3 tuần sau trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Phụ nữ mang thai có thể truyền thủy đậu cho thai nhi. Mẹ mắc thủy đậu cũng có thể truyền bệnh cho con sau khi sinh. Thủy đậu rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.
Điều trị thủy đậu tại nhà
Kiểm soát cơn sốt
- Dùng paracetamol để hạ nhiệt
- Tuyệt đối không dùng axit acetylsalicylic (Aspirin) hoặc bất kỳ thuốc nào có thành phần này. Axit acetylsalicylic làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye, căn bệnh nguy hiểm có thể hủy hoại gan và não của trẻ.
Ban thủy đậu rất ngứa. Cha mẹ cần giữ vệ sinh da cho trẻ và tránh để bé gãi nhiều. Trẻ gãi nhiều có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua da bị tổn thương. Có thể ngăn chặn điều này bằng cách cho bé:
- Cắt móng tay gọn gàng
- Mặc đồ thoáng mát
- Tắm bằng nước ấm để giữ vệ sinh da và giảm ngứa
- Vui chơi và hoạt động để quên đi cơn ngứa, nếu tình trạng sức khỏe cho phép
- Dùng kem bôi làm dịu cơn ngứa theo chỉ định của bác sĩ.
Một số dấu hiệu cảnh báo vi khuẩn đã xâm nhập vào da qua những bọng nước bị vỡ:
- Xuất hiện đợt sốt mới
- Vùng da nhiễm trùng sờ thấy nóng
- Xuất hiện mủ ở các bọng nước
- Vùng nhiễm trùng sưng và đau.
Nhiễm trùng da do vi khuẩn cần được bác sĩ điều trị.
Vắc xin có thể phòng được bệnh thủy đậu
- Vắc xin là chế phẩm sinh học giúp hệ miễn dịch sản sinh các protein đặc biệt, được gọi là kháng thể, bảo vệ cơ thể không nhiễm bệnh trong một thời gian dài.
- Tất cả trẻ em trên 12 tháng tuổi, người lớn chưa từng tiêm ngừa thuỷ đậu, cũng như phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chưa từng bị thuỷ đậu hoặc chưa được tiêm phòng lúc nhỏ, đều có thể tiêm vắc xin. Vắc xin thủy đậu có tác dụng tốt và an toàn cho trẻ trên 1 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn.
- Nếu con bạn chưa được tiêm phòng và có tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu, bé vẫn có thể được bảo vệ nếu được tiêm phòng ngay lập tức.
Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu con bạn bị nghi mắc thủy đậu và có hệ miễn dịch yếu
Nếu con bạn có rối loạn miễn dịch hoặc đang dùng thuốc gây suy giảm miễn dịch, hãy liên lạc ngay với bác sĩ. Bé có thể được điều trị bằng một trong các loại thuốc sau:
- Globulin miễn dịch đặc hiệu zoster, chứa một lượng lớn kháng thể có tác dụng phòng thủy đậu; thuốc dùng bằng đường tiêm.
- Thuốc kháng virus có tác dụng làm giảm tình trạng nhiễm trùng
- Các thuốc khác theo chỉ định khác của bác sĩ.
Miễn dịch suốt đời
Trong đa số trường hợp, người đã mắc thủy đậu sẽ không bị lại lần 2, miễn dịch được hình thành sẽ bảo vệ họ suốt đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hy hữu, vẫn có người mắc lại lần 2.
Thủy đậu có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có thể mắc thủy đậu nặng. Nếu bạn chuẩn bị mang thai và vẫn chưa mắc thủy đậu, hãy liên hệ với cơ sở y tế để được tiêm vắc xin.
Nếu bạn đang mang thai, hãy trả lời các câu hỏi sau:
Bạn đã từng mắc thủy đậu?
□ Có □ Không
Bạn đã tiêm vắc xin phòng bệnh?
□ Có □ Không
Bạn đã từng sống chung với người mắc thủy đậu hay zona?
□ Có □ Không
Nếu trả lời Không cho cả 3 câu hỏi trên, bạn cần cẩn thận tránh xa những người mắc thủy đậu vì nhiễm bệnh lúc này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn vừa tiếp xúc với mầm bệnh.
Nếu trả lời Có cho một trong 3 câu hỏi trên, bạn có thể đã có miễn dịch với thủy đậu. Nhiều phụ nữ mang thai có sẵn kháng thể trong máu, kể cả khi họ nghĩ hồi nhỏ mình chưa từng bị thủy đậu.
Trẻ mắc thủy đậu cần một chế độ chăm sóc khác biệt tại bệnh viện
Nếu con bạn đang điều trị trong bệnh viện, bé có thể được chăm sóc theo chế độ khác biệt để tránh lây bệnh sang cho những người khác. Bé sẽ được "cách ly", nghĩa là được nằm tại phòng riêng hoặc ở cùng phòng với những bé khác cũng bị thủy đậu.
Khi đến khám tại bệnh viện, hãy thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu bạn nghi bé mắc thủy đậu
Nếu con bạn chưa bị thủy đậu, chưa tiêm phòng và mới tiếp xúc gần với nguồn bệnh trong vòng 3 tuần trở lại đây thì có thể bé đã nhiễm bệnh. Tiếp xúc gần có nghĩa là chơi đùa, chạm vào người hoặc ngồi gần bệnh nhân thủy đậu.
Hãy thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng hoặc nhân viên hành chính rằng con bạn bị phơi nhiễm thủy đậu. Có thể bé cần được chăm sóc theo cách đặc biệt để tránh lây bệnh cho những người khác. Virus thường phát tán dễ dàng nhất trước khi phát ban.
Phải hết sức cố gắng tránh làm phát tán thủy đậu tại bệnh viện vì một số trẻ đang điều trị tại đây không đủ khả năng chống lại bệnh này.