Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ em

Trật khớp háng bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp và hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu trẻ không được phát hiện kịp thời thì việc điều trị khi trẻ đã lớn là vô cùng khó khăn.

Trật khớp háng bẩm sinh (còn gọi là loạn sản khớp háng do rối loạn phát triển) là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng. Hiện tượng này có thể xuất hiện ngay khi trẻ vừa sinh ra hoặc tiến triển trong vòng 1 năm đầu đời.

Hiện nay người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến trật khớp háng bẩm sinh và tại sao khớp hông bên trái lại thường bị trật nhiều hơn bên phải. Một khả năng có thể là do lượng hormon mà trẻ phải tiếp xúc trước khi sinh ra đời. Những hormon này có tác dụng làm giãn các cơ trong cơ thể người mẹ để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ, nhưng mặt khác, chúng cũng khiến cho các khớp của đứa trẻ trở nên thiếu kết nối và dễ trật ra khỏi vị trí bình thường.

Các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải trật khớp háng bẩm sinh gồm có:

  • Giới tính – bệnh xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn ở trẻ trai.
  • Tiền sử gia đình – bệnh có xu hướng xảy ra ở những đối tượng có những thành viên trong gia đình cũng đã từng mắc bệnh
  • Vị trí khi sinh – bệnh phổ biến hơn ở những trẻ bị sinh ngược đầu
  • Thứ tự khi sinh – những trẻ em là con đầu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Chẩn đoán trẻ mắc trật khớp háng bẩm sinh

Bác sỹ sẽ kiểm tra xem trẻ có mắc chứng trật khớp háng hay không ngay từ khi trẻ mới ra đời và vào các đợt khám sức khỏe định kỳ cho tới khi trẻ bắt đầu đi được.

Trong lúc kiểm tra, bác sỹ sẽ uốn cong và cẩn thận xoay chân trẻ theo hướng vòng tròn để kiểm tra xem xương đùi có nằm tại đúng vị trí trong ổ khớp háng hay không. Phương pháp kiểm tra này không cần phải dùng nhiều lực và sẽ không làm đau trẻ.

Các dấu hiệu khác cho thấy trẻ có thể bị trật khớp háng

  • Hạn chế vận động của một hoặc cả hai chân
  • Một chân ngắn hơn chân còn lại
  • Các ngấn trên đùi xuất hiện không đồng đều, mất cân đối

Trường hợp trẻ bị nghi ngờ loạn sản khớp háng, trẻ sẽ được chỉ định tới bác sỹ chuyên khoa xương khớp nhi để được điều trị kịp thời.

Trật khớp háng bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp và đôi khi khó phát hiện. Ngay cả khi đã được kiểm tra từ lúc mới sinh ra nhưng có rất nhiều trẻ mắc căn bệnh này không được chẩn đoán đúng cho tới khi được 1 tuổi. 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm