Trong thời gian qua, một số sự cố y khoa đã xảy ra tại các cơ sở y tế và trở thành những vấn đề nóng bỏng đối với giới chuyên môn, gây bức xúc cho nhiều người dân và được thảo luận trong nhiều cơ quan báo chí, các diễn đàn, mạng xã hội.
Xuất phát từ mong muốn có cách nhìn toàn diện về sự cố y khoa cũng như ứng xử truyền thông phù hợp, hướng đến giảm thiểu và xử lý đúng đắn các sự cố y khoa, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế phối hợp cùng với Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hai buổi hội thảo "Quản lý thông tin trong thực hành y khoa" tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/07/2016 và tại Hà Nội ngày 27/8/2016. Hội thảo được sự tài trợ của công ty Pfizer.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh mối quan tâm về sự cố y khoa đang xảy ra ở Việt Nam như một thách thức đối với công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh và cả đội ngũ nhân viên y tế. Đây là một vấn đề "nóng" được Bộ Y tế cùng với Tổng hội Y học Việt Nam luôn quan tâm và tìm nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này.
Với chuyên đề "Sai sót và sự cố không mong muốn trong thực hành y khoa: thực trạng và giải pháp", TS.BS. Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về các sự cố y khoa trên Thế giới và những giải pháp chuyên môn để giảm thiểu ngày càng ít hơn tình trạng này. Thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy sự cố y khoa thực tế đang là một vấn đề đáng lưu tâm ở cả các nước đang phát triển, hàng năm gây ra khoảng 44.000 - 98.000 trường hợp tử vong ở Mỹ, 28.000 trường hợp tử vong ở Úc và khoảng từ 9.000 - 24.000 trường hợp tử vong ở Canada. Tổng số các trường hợp sai sót y khoa chiếm tới từ 3,2% đến 16.6% trong số lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh. Các giải pháp về chuyên môn nhằm giảm thiểu sự cố y khoa được phân tích và tổng kết, đảm bảo nguyên tắc hệ thống, toàn diện khi xử trí các sự cố y khoa, bao gồm: tiếp tục chăm sóc tận tình bệnh nhân, khắc phục giảm thiểu tác hại, minh bạch thông tin sai sót và chăm sóc tâm lý cho cả bệnh nhân và cán bộ y tế.
Với vai trò cơ quan quản lý về truyền thông toàn ngành y tế, ThS.BS. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế đã báo cáo chuyên đề: "Định hướng quản lý thông tin trong thực hành y khoa". Cho đến nay công tác truyền thông trong hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế chưa được chính các bệnh viện quan tâm đầu tư và triển khai đủ mạnh. Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao trong thời gian qua và sẽ tiếp tục coi đây là nhiệm vụ quan trọng mà các bệnh viện, cơ sở y tế phải triển khai đồng bộ, mạnh mẽ trong thời gian tới. Những giải pháp cụ thể, thiết thực đã được định hướng cho công tác truyền thông trong bệnh viện để từng bước song hành và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh.
Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế đã cung cấp cho Hội thảo những kỹ năng cơ bản trong ứng xử với truyền thông khi xảy ra các sự cố y khoa, thông qua phân tích thực tiễn 1 số sự cố nổi bật đã xảy ra gần đây, nhấn mạnh vai trò của báo chí chính thống và các trang mạng xã hội, đồng thời nêu các nguyên tắc chủ động, minh bạch thông tin từ hệ thống y tế khi xảy ra sự cố. Hai tình huống thực hành thường hay xẩy ra trong các cơ sở y tế được ban chủ tọa cùng với các đại biểu tham dự phân tích, thực hành và thảo luận hướng giải quyết, công việc làm cụ thể và tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu.
02 Hội thảo đã thu hút được sự tham dự, lắng nghe, thảo luận tích cực, chia sẻ kinh nghiệm và những bàn luận sôi nổi của gần 300 thành viên là Lãnh đạo các Bệnh viện, Trưởng các phòng/tổ Công tác xã hội, Trưởng các khoa Lâm sàng của các Bệnh viện Trung ương và Thành phố tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các thành viên tham dự đã nhận thức được đầy đủ những thông tin mới, hệ thống, chính xác được cung cấp tại hội thảo cũng như tầm quan trọng của công tác truyền thông, quản lý thông tin và kỹ năng ứng xử lý với truyền thông khi các sự cố y khoa xảy ra, trong thời đại bùng nổ thông tin với sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông, đặc biệt là truyền thông công chúng – «báo chí công dân».
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên trong phần kết luận đã nêu rõ, những sự cố trong thực hành y khoa - đôi khi cả những sai sót là không thể tránh khỏi một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, «ít hơn, ít hơn và ít nhất » là những thông điệp mà các cơ sở y tế cần luôn đưa ra trong mục tiêu chất lượng hoạt động của đơn vị đối với các sự cố trong thực hành y khoa. Bên cạnh đó dù trong bất kỳ hoàn cảnh, sự cố nào xảy ra thì người thầy thuốc vẫn luôn phải xác định: sứ mệnh, tôn chỉ hoạt động của chúng ta là lấy người bệnh làm trung tâm, đảm bảo quyền và lợi ích tối đa của người bệnh và đó là trọng trách mà nhân dân giao phó cho ngành y tế. Hội thảo đã khép lại sau phần trao Chứng nhận hoàn thành chương trình Quản lý thông tin trong thực hành y khoa cho các thành viên tham dự.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.