Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chất tạo ngọt nhân tạo aspartam có an toàn hay không?

Aspartam là một chất tạo ngọt thay thế đường được tìm thấy trong các loại soda ăn kiêng, các đồ snack ăn vặt, sữa chua và các loại thực phẩm khác. Vậy liệu chất tạo ngọt nhân tạo đã được FDA chấp thuận có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người hay không?

 

Kể từ khi được Cơ quản Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA chấp thuận đưa vào sử dụng trên thị trường, chất tạo ngọt nhân tạo đã vấp phải vô số luồng ý kiến trái chiều từ một số bộ phận trong giới khoa học. Một số người lo ngại rằng ngộ độc aspartamcó thể dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh đa xơ cứng và lupus.

Vậy liệu chất tạo ngọt nhân tạo đã được FDA chấp thuận có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người hay không?

Aspartam là gì

Aspartam là một chất hóa học tổng hợp kết hợp bởi hai thành phần:

  • Acid aspartic: Đây là một amino acid không thiết yếu được tìm thấy trong cơ thể người và đường mía. Cơ thể sử dụng acid aspartic để tạo ra các hormon và hỗ trợ cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Các nguồn chứa acid aspartic khác bao gồm đậu, các loại hạt, quả hạch, thịt bò, trứng và cá hồi.
  • Phenylalanine: Đây là một acid amin thiết yếu có trong sữa của động vật có vú nhưng cơ thể không thể tự sản xuất được chúng. Con người lấy acid amin này từ thức ăn. Cơ thể sử dụng phenylalanine để tạo ra protein, hormon và là chất dẫn truyền thần kinh của não bộ. Các nguồn giàu phenylalanine bao gồm thịt nạc, các sản phẩm từ bơ sữa, các loại hạt và quả hạch.

Khi hai thành phần này kết hợp với nhau sẽ tạo ra một chất có độ ngọt gấp 200 lần so với đường thông thường. Do vậy, các nhà sản xuất chỉ cần thêm một lượng rất nhỏ chất tạo ngọt này vào thực phẩm mà vẫn tạo ra được độ ngọt đạt yêu cầu và tạo ra rất ít năng lượng.

Các tuyên bố về chất tạo ngọt nhân tạo

Một số website tuyên bố rằng aspartam có thể gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm:

  • Đa xơ cứng
  • Lupus ban đỏ
  • Động kinh
  • Hội chứng đau cơ xơ hóa
  • Trầm cảm
  • Mất trí nhớ
  • Các bệnh về mắt
  • Hay nhầm lẫn

FDA đã phê duyệt việc sử dụng aspartam với vai trò là chất tạo ngọt trong thực phẩm từ năm 1981 và được sử dụng trong các loại đồ uống có ga vào năm 1983. Tại thời điểm đó, một số nhà khoa học đã phản đối việc này. Họ hết sức lo ngại do một nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng các amino acid có thể gây chậm phát triển trí tuệ, tổn thương não bộ, và khả năng gây ung thư não.

Một ủy ban về an toàn thực phẩm cho rằng con người sẽ không bao giờ tiêu thụ các sản phẩm chứa hàm lượng aspartam cực kỳ cao như vậy. Họ nói thêm rằng thí nghiệm về động vật nêu trên vẫn còn nhiều điểm thiếu sót và các chất tạo ngọt là tương đối an toàn cho sức khỏe.

Website của FDA công bố rằng có hơn 100 nghiên cứu chứng minh tính an toàn của aspartam. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, FDA đã thiết lập một lượng tiêu thụ hàng ngày hợp lý cho chất tạo ngọt này. Hàm lượng này là thấp hơn khoảng 100 lần so với lượng nhỏ nhất có thể gây bệnh trên mô hình động vật.

Những nguy cơ tiềm tàng của việc tiêu thụ aspartam

Bệnh phenylketon niệu (PKU)

Những người bị mắc các bệnh về gien hiếm gặp này không có khả năng chuyển hóa phenylalanine là một thành phần của aspartam. Do vậy, họ nên tránh sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo. Nếu tiếp tục sử dụng, phenylalanine sẽ tích lũy trong cơ thể và gây tổn thương não bộ.

Ung thư

Một số nghiên cứu trên động vật đã tìm ra mối liên quan giữa aspartam và bệnh ung thư bạch cầu và một số bệnh ung thư máu khác. Một nghiên cứu vào năm 2007 đã chứng minh rằng chuột cống được sử dụng liều thấp aspartam hàng ngày trong suốt cuộc đời, ngay cả giai đoạn mang thai, sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn bình thường.

Một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy việc tiêu thụ nhiều hơn một khẩu phần soda ăn kiêng mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho không Hodgkin ở nam giới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chứng minh rằng tỷ lệ mắc u lympho không Hodgkin ở nam giới tiêu thụ nhiều soda thông thường cũng tăng cao. Do vậy, các nhà khoa học không thể chắc chắn liệu là aspartam hay là một thành phần nào khác là nguyên nhân gây ung thư. Điều đáng lưu ý là các tác giả của nghiên cứu này về sau đã phải nói lời xin lỗi do dữ liệu từ nghiên cứu là quá yếu và khó có thể đưa ra được kết luận nào.

Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, một nghiên cứu lớn trên 500.000 người trưởng thành không tìm thấy mối liên hệ nào giữa aspartam và sự gia tăng nguy cơ mắc u lympho, ung thư máu và u não.

Bệnh đa xơ cứng

Theo Hiệp hội đa xơ cứng quốc gia, chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa aspartam và bệnh đa xơ cứng.

Lupus ban đỏ hệ thống

Hiệp hội Lupus Hoa Kỳ thông báo rằng cho tới này, còn có quá ít các bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa aspartam và bệnh Lupus. Những nghiên cứu trước kia đều cho những kết quả khá mâu thuẫn. Do vậy, hiện chưa có bằng chứng tin cậy chứng minh aspartam làm tăng nguy cơ mắc bệnh Lupus.

Đau đầu

Liệu aspartam có làm tăng nguy cơ mắc chứng đau đầu hay không? Một nghiên cứu vào năm 1987 tìm ra rằng những người tiêu thụ aspartam không biểu hiện triệu chứng đau đầu nhiều hơn những người thuộc nhóm placebo.

Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ vào năm 1994 lại cho những kết quả khác, rằng một số người có thể bị đau đầu nhiều hơn khi sử dụng aspartam. Nghiên cứu này về sau đã bị chỉ trích do cách thiết kế nghiên cứu của nó.

Động kinh

Trong một nghiên cứu vào năm 1995, các nhà khoa học đã kiểm tra 18 bệnh nhân nói rằng họ đã trải qua các triệu chứng của bệnh động kinh khi tiêu thụ aspartam. Tuy nhiên, kết quả cho thấy ngay cả với liều cao tới 50 mg, aspartam không cho thấy khả năng gây  động kinh so với nhóm chứng. Một nghiên cứu vào đầu năm 1992 trên mô hình động vật bị động kinh và không động kinh cũng cho kết quả tương tự.

Một báo cáo từ Hội đồng an toàn thực phẩm châu Âu đã tuyên bố rằng dựa trên một số lượng lớn các nghiên cứu đã thực hiện, không cho thấy mối liên hệ nào giữa aspartam và căn bệnh động kinh.

Hội chứng đau cơ xơ hóa

Vào năm 2010, các nhà khoa học đã công bố một ca lâm sàng nhỏ về các tác dụng phụ của aspartam trên 2 bệnh nhân.Cả hai bệnh nhân đều thuyên giảm các triệu chứng đau cơ xơ hóa khi loại bỏ aspartam khỏi chế độ ăn.

Một nghiên cứu về sau trên 72 bệnh nhân nữ đã không tìm ra bằng chứng để chứng minh sự liên quan này. Loại bỏ aspartam khỏi chế độ ăn của những người tham gia không hề có tác dụng giảm các cơn đau  cơ xơ hóa.

Thay đổi tâm trạng

Liệu aspartam có thể làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn tâm trạng kiểu trầm cảm hay không? Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học khi so sánh giữa những người đã từng và chưa từng có tiền sử bị rối loạn cảm xúc. Họ tìm ra rằng aspartam dường như làm gia tăng các triệu chứng này ở bệnh nhân đã có tiền sử bị trầm cảm. Tuy nhiên, nó không có tác động nào trên tâm trạng đối với bệnh nhân không có tiền sử bệnh.

Một nghiên cứu vào năm 2014 trên đối tượng người trưởng thành khỏe mạnh cũng cho kết quả tương tự. Khi những người tham gia tiêu thụ một chế độ ăn giàu aspartam, họ dễ bị kích thích và trầm cảm hơn hẳn.

Liệu có nên tránh sử dụng aspartam hay không?

Những thông tin trên đây chỉ liệt kê một số nghiên cứu về aspartam và các vấn đề sức khỏe có liên quan. Trong đa số các trường hợp, bên cạnh khả năng gây rối loạn cảm xúc, aspartam không hề có mối liên hệ nào với bệnh động kinh, đa xơ cứng, lupus hay các căn bệnh khác.

Các tổ chức sau đây đã chấp nhận sử dụng aspartam như một chất tạo ngọt an toàn thay thế đường:

  • FDA
  • Ủy ban các chuyên gia về các chất phụ gia thực phẩm
  • Tổ chức lương thực và nông nghiệp liên hợp quốc
  • Hội đồng an toàn thực phẩm châu Âu
  • Tổ chức Y tế thế giới WHO

 Không có tổ chức nào đưa ra khái niệm về tình trạng ngộ độc aspartam.

Tuy nhiên, do sự gia tăng những mối lo ngại từ cộng đồng, nhiều nhà sản xuất không lựa chọn aspartam để cho vào sản phẩm. Nếu bạn cho rằng bạn bị dị ứng với aspartam, hãy tránh sử dụng các sản phẩm chứa aspartam bằng cách đọc kỹ nhãn sản phẩm và lựa chọn những sản phẩm không chứa aspartam.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Các chất làm ngọt nhân tạo sử dụng trong thực phẩm

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 29/04/2024

    5 sự thật bạn cần biết về chứng ù tai

    Ù tai hoặc có tiếng kêu lạ trong tai như tiếng ve kêu, ong kêu, dế kêu là vấn đề nhiều người gặp phải. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh.

  • 29/04/2024

    4 loại gia vị có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

    Các chuyên gia y tế chia sẻ 4 loại gia vị quen thuộc đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

  • 29/04/2024

    Đau họng:Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

    Viêm họng, hay đau họng, là tình trạng viêm ở phía sau cuống họng (còn gọi là họng). Viêm họng có thể gây đau khi nuốt và đau nhức, khó chịu, đau hoặc ngứa ngáy ở cổ họng.

  • 29/04/2024

    Xuất huyết não nguy hiểm ra sao?

    Trong 2 dạng đột quỵ não, xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn. Người sống sót qua cơn đột quỵ xuất huyết não cần làm gì để phòng bệnh tái phát?

  • 29/04/2024

    Nhiễm nấm Candida: Triệu chứng và điều trị

    Nấm Candida là một loại nấm men có thể sống trên cơ thể con người. Nó thường bao gồm cả nấm men và nấm mốc.

  • 28/04/2024

    Gợi ý chế độ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh trước mùa thi

    Không chỉ chế độ dinh dưỡng đảm bảo mà việc nghỉ ngơi của các thí sinh cũng rất quan trọng để đảm bảo tinh thần được tốt nhất khi bước vào kỳ thi.

  • 28/04/2024

    Chế độ ăn giúp trẻ bị rôm sảy mau khỏi

    Trẻ bị rôm sảy cần được chăm sóc, điều trị đúng cách. Bên cạnh các biện pháp vệ sinh da thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa biến chứng và giúp bệnh nhanh khỏi.

  • 28/04/2024

    Cách đối phó với làn da bong tróc do vẩy nến

    Bệnh vẩy nến là một bệnh về da gây phát ban ngứa, có vảy. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là da bị bong tróc. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Xem thêm