Bệnh thường gặp ở nam giới và liên quan đến sự ứ đọng nước tiểu do có chướng ngại ở cổ bàng quang hay niệu đạo.
Những biểu hiện của sỏi bàng quang
Không hiếm gặp những trường hợp có sỏi trong bàng quang nhưng do chủ quan không chịu điều trị sớm đã dẫn đến tình trạng sỏi rơi xuống niệu đạo phải nhập viện mổ cấp cứu. Khi có sỏi trong bàng quang, người bệnh xuất hiện tình trạng đi tiểu ngắt ngừng. Đó là người bệnh đang đi tiểu đột nhiên tia tiểu tắc lại và đau dữ dội vùng hạ vị và dương vật, thay đổi tư thế có thể tiểu được.
Đái dắt tăng số lần về ban ngày do bệnh nhân đi lại vận động sỏi lăn trong bàng quang gây kích đi tiểu, khi nghỉ ngơi, số lần đi tiểu giảm. Bệnh nhân mót tiểu thường xuyên, tiểu rất nhiều lần và mỗi lần chỉ được một ít, thỉnh thoảng lại tắc, càng đái dắt lại càng buốt nhiều, càng buốt bao nhiêu lại càng đái dắt bấy nhiêu, đôi khi có máu cuối bãi.
Thăm khám lâm sàng có thể phát hiện sỏi bàng quang, khi dùng ống thông sắt có tiếng chạm sỏi. Hoặc thăm trực tràng có thể sờ thấy sỏi to khi bàng quang hết nước tiểu .
Soi bàng quang sẽ giúp thầy thuốc biết được chính xác số lượng, hình dáng, kích thước và màu sắc sỏi. Ngoài ra còn có thể phát hiện được các nguyên nhân của sỏi bàng quang như hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt hay túi thừa bàng quang.
Chụp Xquang vùng chậu hông thấy có hình sỏi bàng quang. Các xét nghiệm nước tiểu cũng cho biết thêm được những thông tin cần thiết như có hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu.
Sỏi bàng quang hình thành thế nào?
Bàng quang nằm ở vùng hạ vị, là một túi cơ hình bầu dục, lúc căng đầy gồm có vùng đỉnh và vùng đáy. Chức năng của bàng quang bao gồm chứa đựng nước tiểu, kìm được nước tiểu và cho thoát nước tiểu theo ý muốn hoàn toàn và thoải mái. Giọt nước tiểu được bài xuất từ thận qua đường dẫn niệu quản xuống đến lưu giữ ở bàng quang trước khi được bài xuất ra ngoài qua niệu đạo.
Sự hình thành sỏi chủ yếu là do hiện tượng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang. Có thể chia làm 2 loại: sỏi từ hệ tiết niệu trên (thận, niệu quản) rơi xuống; sỏi sinh ra tại bàng quang: do dị vật như chỉ khâu, mảnh đạn, đầu sonde do quá trình ứ đọng nước tiểu ở bệnh nhân hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang, túi thừa bàng quang, túi thừa niệu đạo. Thành phần hoá học của sỏi là calci và amoni magie photphat hoặc photphat canci nếu sỏi bị giữ lại bàng quang lâu.
Sỏi bàng quang thường tròn, ít khi xù xì góc cạnh, có loại bé như hạt ngô cũng có loại như quả trứng gà hay nắm tay, thường là một viên đôi khi có nhiều hơn. Sỏi thường nằm ở đáy bàng quang di chuyển theo tư thế bệnh nhân. Sỏi nằm lại trong bàng quang làm niêm mạc bàng quang bị tổn thương viêm đỏ và sưng nề, lâu dần gây viêm loét niêm mạc bàng quang dẫn đến viêm hở ở lớp cơ và lớp mỡ quanh bàng quang. Hậu quả là bàng quang bị thu nhỏ dung tích sức chứa giảm làm giảm khả năng bài tiết của toàn bộ hệ tiết niệu.
Các biện pháp xử trí bệnh
Sỏi bàng quang nhỏ từ đường tiết niệu trên rơi xuống có thể điều trị kháng sinh chống viêm, giảm đau, giãn cơ trơn để bệnh nhân đái ra sỏi. Việc điều trị sỏi bàng quang bằng nội soi đã giúp ích rất nhiều cho việc điều trị những viên sỏi bàng quang không đái ra được hay sỏi kích thước nhỏ hơn 3cm. Có thể sử dụng máy tán sỏi cơ học, máy tán sỏi sử dụng sóng xung thuỷ điện lực (urat 1) hay máy tán sỏi bằng sóng siêu âm, laser. Mục đích điều trị của máy tán sỏi là tán sỏi thành mảnh nhỏ để bài xuất ra ngoài. Cũng có thể dùng dụng cụ cơ học để bóp nát sỏi dưới sự giám sát của camera đặt ở đầu ống soi.
Việc điều trị phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sỏi to - sỏi không thể tán được hay sỏi bàng quang có kèm theo hẹp niệu đạo, xơ cứng cổ bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt, túi thừa bàng quang. Mổ bàng quang lấy sỏi là phẫu thuật đơn giản ít tốn thời gian nhưng thời gian hậu phẫu thường kéo dài hơn nhiều so với phương pháp tán sỏi nội soi.
Phòng bệnh sỏi bàng quang là việc làm cần thiết, vì nguyên nhân gây bệnh thường là do ứ đọng nước tiểu lâu ngày. Do vậy hằng ngày cần uống đủ nước( 1,5 lít/ngày) và tránh thói quen nhịn tiểu. Ngoài ra khi có biểu hiện của rối loạn tiểu tiện (đái dắt, đái buốt hay đái ra máu cuối bãi) nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa tiết niệu để phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm sẽ mang lại kết quả rất tốt cho người bệnh và bản thân bệnh nhân sẽ tránh được những biến chứng không đáng có do bệnh sỏi bàng quang gây ra.
Sỏi bàng quang có thể gây suy thận
Khi bị viêm nhiễm bàng quang do sỏi, bệnh nhân sẽ bị tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu đục, tiểu ra máu, đặc biệt là cuối bãi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng viêm bàng quang cấp, mạn tính, teo bàng quang, rò bàng quang, làm nước tiểu chảy vào tầng sinh môn hoặc âm đạo, nước tiểu chảy ri rỉ qua âm đạo hoặc hậu môn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và lâu ngày gây nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó còn hai biến chứng rất nguy hiểm khác là viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận . Hai biến chứng này điều trị tốn kém và rất nguy hiểm tới tính mạng. Các triệu chứng của sỏi bàng quang có nhiều đặc điểm lâm sàng dễ nhầm lẫn với các bệnh như u xơ tuyến tiền liệt, u bàng quang. Chính vì thế, để chẩn đoán chính xác bệnh và phòng các biến chứng, khi thấy xuất hiện những dấu hiệu của bệnh như đã kể trên, phải đi khám ngay ở các chuyên khoa tiết niệu.
ThS. Nguyễn Trung Dũng
Đẻ mắc vai hay còn gọi là dấu hiệu “con rùa” - là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai vai của em bé bị kẹt trong quá trình sinh thường. Không có dấu hiệu báo trước và không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm việc em bé quá lớn, xương chậu của mẹ nhỏ hoặc đỡ đẻ sai tư thế. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương thần kinh cho em bé. Cùng đọc bài viết sau để hiểu thêm về tình trạng này!
Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế
Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?
Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.
Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.