Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những nguyên nhân gây nghe kém - Phần 2

Có rất nhiều yếu tố xung quanh có thể khiến bạn bị nghe kém. Bạn có thể tránh được một số nguyên nhân nhưng nhiều khi bạn chỉ có thể sử dụng các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng.

Tiếng ồn từ chất nổ

Khoảng 17% người lớn ở Mỹ bị nghe kém ở các mức độ khác nhau. Nguyên nhân thường do những tiếng ồn rất lớn và đột ngột. Bom, tiếng nổ súng hoặc những tiếng nổ khác có thể tạo ra những sóng âm có năng lượng cao. Chúng có thể gây rách màng nhĩ hoặc tổn thương tai trong. Đây được gọi là chấn thương âm thanh, gây hậu quả tức thì hoặc có thể dẫn đến những tổn thương kéo dài và nghe kém.

Những buổi nhạc hội, tiếng ồn lớn và ù tai

Âm thanh của những buổi hòa nhạc có thể gây ù tai. Trung bình một buổi trình diễn nhạc rock có cường độ âm thanh khoảng 110 Db, âm thanh này đủ lớn để gây tổn thương vĩnh viễn chỉ trong vòng 15 phút. Tổn thương sức nghe có thể xảy ra khi tiếp xúc nhiều với bất kì loại tiếng ồn nào có cường độ trên 85 Db. Những âm thanh nguy hiểm khác có thể đến từ máy thổi lá hoặc cưa xích. Những cuộc đối thoại bình thường có cường độ khoảng 60 Db. Ù tai có thể kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tuần hoặc vĩnh viễn. Để tránh làm giảm hoặc mất khả năng nghe, bạn nên sử dụng nút tai hoặc hạn chế tiếp xúc với những âm thanh có cường độ lớn.

Tai nghe

Bạn có thể nghe nhạc qua tai nghe nhưng hãy chỉnh nhỏ âm lượng xuống. Sử dụng tai nghe có thể gây thay đổi sức nghe tạm thời hoặc vĩnh viễn. Âm lượng càng to và thời gian nghe càng kéo dài thì nguy cơ tổn thương càng lớn. Để đảm bảo an toàn cho tai, bạn nên vặn nhỏ âm lượng và hạn chế thời gian nghe.

Tích tụ ráy tai

Ráy tai bảo vệ ống tai chống bụi bẩn và vi khuẩn. Nhưng ráy tai có thể tích tụ và cứng lại. tắc nghẽn này có thể ảnh hưởng đến thính giác. Nó cũng có thể khiến bạn bị đau tai, hoặc cảm thấy như tai bị tắc. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị tắc nghẽn ráy tai, đừng cố gắng lấy nó bằng tăm bông hoặc đưa bất cứ thứ gì vào trong ống tai. Bác sĩ có thể lấy nó giúp bạn một cách nhanh chóng và an toàn.

Các bệnh ở trẻ em

Nhiều bệnh lí ở trẻ có thể gây nghe kém. Viêm tai giữa có thể gây ứ dịch trong tai và gây ra nghe kém. Khả năng nghe sẽ được phục hồi khi viêm và dịch được đẩy lùi. Một số loại nhiễm trùng khác có thể gây tổn thương tai giữa và tai trong, dẫn đến nghe kém kéo dài. Những bệnh có thể ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ bao gồm: thủy đậu, viêm não, cúm, sởi, viêm màng não và quai bị. Tiêm chủng có thể bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh. Các bác sĩ nhi khoa sẽ giúp bạn biết nên tiêm loại vaccin nào và tiêm khi nào.

Điếc bẩm sinh

Một số trẻ bị điếc ngay từ khi sinh ra, gọi là điếc bẩm sinh. Mặc dù bệnh thường có tính di truyền gia đình nhưng nó có thể gây ra bởi tiểu đường thai kì hoặc mẹ bị mắc các bệnh nhiễm trùng khi mang thai. Nghe kém có thể phát triển ở những trẻ sinh non do những nguyên nhân khác như chấn thương khi sinh khiến trẻ không được cung cấp đủ oxy. Vàng da sơ sinh cũng đóng vai trò trong một số trường hợp nghe kém sơ sinh.

Tuổi tác

Khi về già, bạn sẽ nghe kém dần. Nó có thể xảy ra ngay cả khi bạn luôn bảo vệ tai trong suốt cuộc đời. Nghe kém liên quan đến tuổi thường gây ra do quá trình mất các sợi lông của tai trong. Không có cách nào để ngăn chặn loại nghe kém này nhưng có nhiều cách để bù đắp lại sức nghe của bạn. Hãy nói chuyện với một bác sỹ để lựa chọn giải pháp tốt nhất dành cho bạn.
Bs.Trần Thanh Thanh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Webmd
Bình luận
Tin mới
Xem thêm