Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh vẩy nến: những điều chưa biết!

Bệnh vẩy nến không chỉ đơn giản là tình trạng viêm ở ngoài da. Bệnh vẩy nến là một bệnh phức tạp có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn.

Nếu bạn đang mắc phải các bệnh mạn tính, giống như bệnh vẩy nến, thì việc dùng nhiều cách tiếp cận khác nhau để kiểm soát bệnh và dự phòng các biến chứng là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những điều bạn cần biết về bệnh vẩy nến.

Bệnh vẩy nến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác

Có rất nhiều bệnh đi kèm với bệnh vẩy nến, ví dụ như viêm khớp vẩy nến, trầm cảm, bệnh viêm ruột, béo phì và tiểu đường. Những người bị bệnh vẩy nến có nguy cơ rất cao mắc phải các bệnh liên quan đến khớp, ví dụ như viêm khớp, bệnh gout, và viêm khớp dạng thấp. Bệnh viêm khớp vẩy nến xảy ra ở trên 40% số bệnh nhân bị vẩy nến (đặc biệt là ở những người bị bệnh vẩy nến nặng) và thường phát triển trong khoảng từ 7-10 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến.

Nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm trong bệnh viêm khớp vẩy nến có thể góp phần dẫn tới rất nhiều các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm các vấn đề về thị lực và thính lực. Bất cứ tình trạng viêm nào ảnh hưởng đến collagen – thành phần chính của lớp mô liên kết đều có thể gây ảnh hưởng đến lớp lòng trắng của mắt và giác mạc – theo Hiệp hội Viêm khớp Hoa Kỳ. Tình trạng này có thể dẫn đến một loại viêm mắt (viêm màng bồ đào), gây đau và đỏ mắt, thậm chí có thể dẫn đến mất thị lực. Nguy cơ bị glaucoma và đục thủy tinh thể ở những bệnh nhân bị viêm khớp vẩy nến cũng cao hơn.

Những người bị vẩy nến và viêm khớp vẩy nến cũng dễ bị mất thính lực hơn. Trên thực tế, những người bị bệnh vẩy nến sẽ có nguy cơ được chẩn đoán mắc chứng mất thính lực và bệnh tự miễn tại tai trong (một dạng bệnh mất thính giác tiến triển hiếm gặp) cao hơn 50%.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề về thị lực và thính lực có thể giúp dự phòng được những tổn thương lâu dài.

Vẩy nến và căng thẳng có thể là một vòng tròn luẩn quẩn

Vẩy nến là một bệnh mãn tính và thường là một bệnh kéo dài, có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và cảm xúc. Rất nhiều nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng của bệnh vẩy nến đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

So với các bệnh mãn tính khác như hen suyễn và tiểu đường, bệnh vẩy nến có thể có ảnh hưởng tiêu cực hơn đến người bệnh. Nguyên nhân một phần có thể là do những kỳ thị của xã hội dành cho những người mắc các bệnh về da liễu. Vẩy nến có thể gây stress và stress cũng có thể làm bệnh vẩy nến bùng phát, do vậy, kiểm soát bệnh vẩy nến là một việc vô cùng quan trọng.

Thay đổi lối sống có thể ảnh hưởng đến triệu chứng của bệnh vẩy nến

Vẩy nến không tự nhiên xuất hiện. Những thói quen hàng ngày của bạn có thể khiến triệu chứng bệnh nặng lên hoặc nhẹ đi. Bạn nên trao đổi với bác sỹ về thói quen ngủ, luyện tập, chế độ dinh dưỡng, các mối quan hệ xã hội và các biện pháp giảm stress.

Hãy lấy ví dụ về chế độ dinh dưỡng. Chưa có một khuyến nghị chính thức nào về chế độ ăn đặc biệt dành cho bệnh vẩy nến, mặc dù rất nhiều bệnh nhân tin rằng tránh ăn một số loại thực phẩm có thể giúp kiểm soát các cơn bùng phát bệnh vẩy nến và giảm tình trạng viêm. Hiệp hội vẩy nến quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị rằng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải đặc biệt hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ các bệnh liên quan khác, ví dụ như bệnh tim mạch.

Chế độ ăn kiểu Địa Trung hải đặc biệt nhấn  mạnh vào việc sử dụng dầu ôliu, các loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám và ăn ít nhất 2 khẩu phần cá mỗi tuần, đặc biệt là các loại cá giầu axit béo omega 3, ví dụ như cá hồi, cá trích, cá thu và cá cơm.

Giảm cân có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh vẩy nến

Khoảng 40-50% số bệnh nhân bị vẩy nến bị béo phì. Các chuyên gia vẫn đang cố gắng xác định mối liên quan giữa cân nặng và bệnh vẩy nến, nhưng dường như bị béo phì sớm từ khi còn trẻ có liên quan đến việc phát triển bểnh vẩy nến sau này, khi trưởng thành.

Những bệnh nhân béo phì bị vẩy nến thường cũng sẽ dễ mắc bệnh viêm khớp vẩy nến hơn. Béo phì cũng sẽ làm cho việc điều trị bệnh vẩy nến trở nên khó khăn hơn.

Giảm cân có thể giúp cải thiện việc đáp ứng với hơn 30 loại thuốc điều trị vẩy nến khác nhau.

Tham khảo thêm thông tin trong bài viết: Sự thật về bệnh vẩy nến

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

Xem thêm