Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Vô kinh ở thanh thiếu niên

Vô kinh là một tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi trẻ tuổi hiện nay. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản, và có thể để lại những hậu quả nặng nề. Việc phát hiện vô kinh sớm giúp mang đến các biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cao nhất trong tương lai.

Vô kinh ở thanh thiếu niên là tình trạng xảy ra khi nữ giới ở độ tuổi thanh thiếu niên không có kinh nguyệt dù đã đến giai đoạn có kinh. Vô kinh được chia thành 2 loại:

  • Vô kinh nguyên phát: xảy ra khi máu kinh xuất hiện lần đầu tiên ở tuổi dậy thì nhưng lại không phải ở tuổi 15. Vấn đề này có thể kéo dài suốt cuộc đời.
  • Vô kinh thứ phát. Đây là khi máu kinh vẫn xuất hiện bình thường trước đó, nhưng ngừng xuất hiện từ 3 tháng trở lên liên tiếp. Điều này có thể là do nguyên nhân thực thể, và thường xảy ra vào thời gian sau này trong cuộc sống.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng vô kinh ở thanh thiếu niên?

Vô kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
  • Các vấn đề về rụng trứng. Điều này có thể gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp. Trong nhiều trường hợp, tuyến giáp hoạt động kém hoặc hoạt động quá mức có thể gây ra hiện tượng trễ kinh.
  • Béo phì. Những trẻ nữ thừa cân – béo phì có thể có những thay đổi trong quá trình rụng trứng do chất béo trong cơ thể. Điều này cũng có thể gây ra trễ kinh.
  • Tập luyện quá mức. Một số vận động viên nữ không có kinh nguyệt vì lượng chất béo trong cơ thể thấp.
  • Rối loạn ăn uống. Những trẻ nữ mắc chứng biếng ăn có thể bị vô kinh nếu trọng lượng cơ thể ở mức quá thấp.
  • U tuyến yên. Đây là tình trạng xuất hiện một khối u phát triển trong não. Nó có thể gây ra các vấn đề với chức năng bình thường của quy trình sản sinh hormone, và nó có thể ngăn cản sự rụng trứng và gây ra trễ kinh.
  • Vấn đề thể chất (dị tật bẩm sinh). Nếu một trẻ nữ chưa bắt đầu xuất hiện hành kinh lần đầu vào năm 15 tuổi, rất có thể là do hệ thống sinh sản gặp vấn đề.
  • Mang thai. Đương nhiên, kinh nguyệt sẽ ngừng lại khi mang thai.

Ai có nguy cơ bị vô kinh?

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, một số đối tượng có nhiều nguy cơ bị vô kinh hơn vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm:

  • Là một vận động viên
  • Thừa cân, béo phì
  • Bị rối loạn khả năng ăn uống
  • Bị rối loạn chức năng tuyến giáp
  • Gặp vấn đề về quá trình rụng trứng

Các triệu chứng vô kinh ở thanh thiếu niên là gì?

Triệu chứng chính của tình trạng này chính là không có kinh nguyệt theo dự kiến. Các triệu chứng của vô kinh có thể giống như các tình trạng sức khỏe khác và gây nhầm lẫn. Để đảm bảo chắc chắn, bạn nên đưa con trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Làm thế nào để chẩn đoán vô kinh ở thanh thiếu niên?

Tại các cơ sở y tế, việc chẩn đoán vô kinh sẽ được thực hiện trong các chỉ định sau:

  • Không có kinh nguyệt trong 3 tháng trở lên liên tục, mặc dù kinh nguyệt trước đó hoàn toàn bình thường
  • Không có kinh nguyệt trong 6 tháng trở lên, đối với các trường hợp có kinh nguyệt trước đó nhưng không đều
  • Không có kinh nguyệt ở tuổi 15

Các chuyên gia y tế sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử sức khỏe. Sau đó, quy trình khám sức khỏe có thể bao gồm khám vùng chậu hay một số đánh giá khác. Một số bài kiểm tra cũng được tiến hành, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu: đánh giá, xem xét mức độ hormone trong cơ thể cũng như kiểm tra xem có đang mang thai hay không
  • Siêu âm vùng chậu: xét nghiệm không xâm lấn – không đau được sử dụng để đánh giá các vấn đề thể chất của hệ thống sinh sản.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cần tìm các rối loạn kinh nguyệt khác liên quan, các vấn đề sức khỏe hoặc các loại thuốc có thể gây ra tình trạng này hay khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Điều trị vô kinh ở lứa tuổi này như thế nào?

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe chung của từng trường hợp. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng đang mắc phải.

Bạn cần đưa con trẻ đến gặp bác sĩ phụ khoa. Tại đây, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị đảm bảo an toàn và hiệu quả. Điều trị vô kinh có thể bao gồm:
  • Điều trị hormone bằng progesterone
  • Điều trị hormone bằng thuốc tránh thai
  • Thuốc điều trị rối loạn tuyến giáp
  • Phẫu thuật dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề thể chất khác
  • Thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục
  • Điều trị chứng rối loạn ăn uống
  • Bổ sung canxi để giảm tình trạng mất xương (loãng xương)

Các biến chứng có thể xảy ra của vô kinh là gì?

Các biến chứng có thể xảy ra của tình trạng này bao gồm:

  • Gây loãng xương. Nếu vô kinh là do lượng hormone estrogen thấp, điều này cũng có thể dẫn đến loãng xương theo thời gian. Bác sĩ có thể khuyên nên bổ sung canxi cho cơ thể.
  • Mất khả năng sinh sản. Nếu vô kinh là do không rụng trứng, điều này có nghĩa là có thể rất khó hoặc không thể mang thai được trong tương lai.

Cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng vô kinh?

Một số nguyên nhân của tình trạng vô kinh có thể phòng ngừa, bao gồm thói quen ăn uống, giảm cân hoặc tăng cân. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chi tiết và đầy đủ để có phương pháp cụ thể cho bản thân.

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý; tập thể dục đều đặn; kiểm soát cân nặng ở mức vừa phải; giảm tình trạng căng thẳng tâm lý trong cuộc sống chính là những hành vi thực tế trong cuộc sống hàng ngày dễ thực hiện và mang lại hiệu quả không chỉ trên mặt bệnh tật mà còn là sức khỏe tổng thể của bản thân.

Tổng kết

Tình trạng vô kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, và việc chẩn đoán tình trạng này sớm có thể giúp đưa ra các hình thức điều trị phù hợp. Vô kinh có thể để lại những hậu quả nặng nề, vì vậy các bậc cha mẹ cần lưu ý vấn đề này ở con trẻ và có những phương pháp xử trí kịp thời.

Tham khảo thêm thông tin tại: Nói chuyện với con gái về kỳ kinh đầu tiên

 

Theo Stanfordchildrens.org
Bình luận
Tin mới
Xem thêm