Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Trào ngược dạ dày thực quản: Những lưu ý trong dùng thuốc

Trào ngược dạ dày thực quản (TNDDTQ) là một căn bệnh khá phổ biến, không phân biệt tuổi tác, giới tính, mọi người đều có nguy cơ mắc phải.

Bệnh trào ngược thường kéo dài và dễ tái phát, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vậy trong quá trình điều trị, người bệnh cần phải lưu ý gì trong sử dụng thuốc?

Nguyên nhân nào gây bệnh?

Triệu chứng thường gặp của bệnh như ợ nóng, ợ chua, ngoài ra còn có một số biểu hiện căn bản khác như: ợ lên đồ ăn, hoặc ợ ra acid trong khi ngủ hoặc lúc sáng dậy, hôi miệng, trào ngược thức ăn (khi nằm xuống), cảm giác chua trong miệng, khó chịu vùng thượng vị, ngủ dậy hay có cảm giác xót ruột nếu đêm hôm trước thức khuya.

Stress, những thói quen sinh hoạt không khoa học và những yếu tố khác... là những tác nhân gây bệnh và khiến bệnh nặng hơn.

Thói quen sinh hoạt không khoa học: Ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính acid khi đói là những thói quen không tốt cho dạ dày. Việc ăn đêm không chỉ khiến cân nặng tăng mà còn gây áp lực cho trương lực của cơ thắt thực quản dưới.

Ngoài ra, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày do chất nicotin trong thuốc lá thúc đẩy cơ thể tăng tiết HCl và pepsine - những chất ăn mòn dạ dày và kích ứng dạ dày gây trào ngược.

Viêm loét dạ dày, tá tràng: Những vết viêm loét dạ dày tá tràng khi tiếp xúc với thức ăn, theo phản xạ tự nhiên sẽ tăng tiết acid nhiều hơn dễ trào ngược lên thực quản. Dạ dày của người bị viêm loét cũng luôn trong tình trạng bị ứ trệ, tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới khiến cơ này đóng mở bất thường tạo điều kiện cho các chất dịch dạ dày trong đó có acid dạ dày trào lên ống thực quản.

trao-nguoc-da-day-thuc-quan-nhung-luu-y-trong-dung-thuoc-1

Hình ảnh dạ dày khỏe và bị trào ngược.

Những điểm cần chú ý khi dùng thuốc

Điều trị bệnh TNDDTQ cần dựa trên cơ sở bệnh sinh. Điều trị từng bước nhằm các mục tiêu: Kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống; làm liền sẹo các tổn thương nếu có; kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng. Với bệnh nhân TNDDTQ thường được các bác sĩ cho sử dụng các loại thuốc như sau:

Thuốc ức chế bơm proton:

Omeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh, các triệu chứng lâm sàng hết ngay từ những ngày đầu dùng thuốc. Omeprazole thường được dùng trước khi ăn (ít nhất 1 giờ trước khi ăn). Nên lưu ý, các tác dụng phụ thường thấy khi dùng omeprazole là tiêu chảy, táo bón, đau đầu...

Lansoprazole là thuốc ức chế bơm proton thế hệ thứ hai. Tác dụng phụ ít gặp, chủ yếu là nhức đầu, buồn nôn, đi ngoài...

Rabeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole. Thuốc nhanh chóng kiểm soát acid, làm giảm các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt và ho kéo dài; giúp chữa lành tổn thương do axit trong dạ dày và thực quản; ngăn ngừa viêm loét và ngăn ngừa ung thư thực quản. Tác dụng phụ thường gặp của rabeprazole là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu...

Esomeprazole có tác dụng ức chế tiết acid kéo dài. Đây là loại thuốc thường được sử dụng, tuy nhiên, chi phí của loại thuốc này khá đắt. Nếu bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú thì tuyệt đối không được sử dụng loại thuốc này để điều trị TNDDTQ vì thuốc ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ bú sữa mẹ.

Thuốc kháng histamin H2

Nhóm này có tác dụng làm giảm hoạt động tiết acid dịch vị, hạn chế tình trạng triệu chứng ợ nóng, ợ hơi triền miên qua đó làm giảm tình trạng nặng hơn đối với bệnh trào ngược thực quản - dạ dày. Nhóm thuốc này còn làm liền nhanh những ổ loét trong niêm mạc tá tràng. Dùng chúng kết hợp với kháng sinh để tiêu diệt khuẩn HP, ngăn chặn sự tái phát bệnh rất tốt. Tuy nhiên, thuốc tồn tại một số tác dụng phụ: Đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy, nổi ban đỏ, chóng mặt, tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, gây buồn ngủ, giảm nhịp tim, rối loạn chức năng gan... Một số thuốc trong nhóm như: cimetidin, ranitidin, nizatidin, famotidin.

Nếu TNDDTQ có nguyên nhân từ viêm loét dạ dày- tá tràng thì các bác sĩ sẽ dùng các thuốc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng như thuốc kháng acid dạ dày, thuốc tạo màng bọc, thuốc diệt vi khuẩn Helicobacter Pylori...

Một vài lưu ý

Nguyên nhân gây bệnh TNDDTQ thường do cách sinh hoạt hàng ngày, chính vì vậy nếu thay đổi được thói quen thì hoàn toàn có thể phòng tránh được căn bệnh phổ biến này.

Bệnh nhân cần thay đổi tư thế nằm (gối đầu cao khoảng 15cm hoặc kê vai cao 25cm); giảm chênh lệch áp lực bụng - thực quản bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no, ăn đêm, không hút thuốc, tránh béo phì...; ăn giảm chất béo, tránh sôcôla, tỏi, rượu, bia, đồ cay...Quan trọng hơn là giữ cho bản thân luôn lạc quan, tránh stress, tham gia hoạt động xã hội, thể thao tăng cường sức khỏe và có một tinh thần thoải mái.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cảnh giác với chứng trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ em

DS. Hà Khuê - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm