Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tổn thương thận ở bệnh nhân luput ban đỏ hệ thống

Luput ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn điển hình. Biểu hiện tổn thương thận rất thường gặp ở những bệnh nhân luput ban đỏ hệ thống mà tổn thương chủ yếu là ở cầu thận.

Luput ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn điển hình. Biểu hiện tổn thương thận rất thường gặp ở những bệnh nhân luput ban đỏ hệ thống mà tổn thương chủ yếu là ở cầu thận.

Đây là bệnh lý viêm thận bởi các tự kháng thể gây tổn thương trực tiếp lên các cầu thận ở bệnh luput ban đỏ hệ thống. Viêm cầu thận luput khiến thận giảm chức năng và làm mất protein qua nước tiểu, nếu tình trạng này không được kiểm soát sẽ dẫn tới tính trạng suy thận mạn tính và khiến bệnh nhân phải chạy thận chu kỳ.

Dấu hiệu nhận biết

Viêm thận luput có biểu hiện lâm sàng gặp khoảng 35-75% số bệnh nhân bị bệnh luput. Biểu hiện lâm sàng của viêm thận luput rất thay đổi. Một số bệnh nhân viêm cầu thận luput không có biểu hiện lâm sàng cho tới thời điểm nặng của bệnh, tuy nhiên, ½ số bệnh nhân viêm cầu thận luput có triệu chứng như: Phù thường là triệu chứng dễ nhận thấy và xuất hiện sớm khi bệnh nhân luput có tổn thương thận, phù chủ yếu xuất hiện ở chân, khi ngủ dậy có thể xuất hiện tại mặt và khi nặng có thể gây phù toàn thân.

Thay đổi cân nặng, một số bệnh nhân giảm cân, một số khác lại tăng cân do tình trạng giữ nước. Bệnh nhân thường mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt… Theo nghiên cứu, đa số bệnh nhân viêm cầu thận luput có kèm theo thiếu máu - một nguyên nhân thường gặp khiến bệnh nhân mệt mỏi.

Bệnh nhân Luput dễ bị tổn thương viêm thận dẫn đến suy thận.

Số lượng nước tiểu đi hàng ngày giảm hơn bình thường và khi tiểu tiện, nước tiểu nhìn đục và xuất hiện nhiều bọt hơn bình thường.  Tăng huyết áp: thường bệnh nhân tình cờ phát hiện tăng huyết áp trên 140/90mmHg khi đi đo do mệt mỏi.

Ở giai đoạn bệnh thận nhẹ, một số bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng bệnh thận, không có tăng huyết áp hoặc suy thận trong khi biểu hiện bệnh luput nặng hơn bệnh thận, triệu chứng lâm sàng bệnh thận chỉ xuất hiện khi có đợt hoạt động của bệnh luput.

Ở giai đoạn bệnh nặng hơn, có khoảng 40-60% bệnh nhân bị bệnh thận luput có biểu hiện lâm sàng là hội chứng thận hư. Bệnh tiến triển chậm, khoảng 50% bệnh nhân phát triển tăng huyết áp và suy thận trong vòng 10 năm.

Nếu không được kiểm soát và điều trị tốt, bệnh tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối hoặc tử vong do các biến chứng khác của bệnh luput trong vòng hai năm kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bệnh luput có biểu hiện bệnh thận bằng viêm cầu thận tiến triển nhanh và nguy cơ suy tim, bệnh não và suy thận rất cao. Khởi phát bệnh có thể là suy thận cấp kết hợp với triệu chứng của bệnh luput nặng.

Dễ bị suy thận

Luput ban đỏ hệ thống là bệnh  có thể gây tổn thương hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể nhưng thận là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo thống kê, có khoảng 30-75% số bệnh nhân có biểu hiện viêm cầu thận trong quá trình mang bệnh.  Tổn thương thận ngay trong giai đoạn đầu của bệnh chiếm khoảng 25-50% số bệnh nhân và 45-65% các trường hợp viêm cầu thận luput có các biểu hiện nặng như hội chứng thận hư, đái máu hoặc suy thận.

Tỷ lệ suy thận giai đoạn cuối phải ghép thận hoặc lọc máu sau 5 năm ở các bệnh nhân viêm cầu thận luput là 8-17% và sau 10 năm là 16-26%, nguy cơ cao nhất là ở các bệnh nhân có viêm cầu thận tăng sinh, đặc biệt tăng sinh lan toả. Cho dù được điều trị, vẫn có khoảng 15% số bệnh nhân viêm cầu thận luput bị suy thận giai đoạn cuối.

Tăng nguy cơ tử vong khi mang thai

Bệnh nhân luput tổn thương thận sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của mẹ cũng như của em bé nếu không được điều trị. Do vậy, khi bệnh nhân muốn mang thai mà mắc luput tổn thương thận cần được sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Tùy từng trường hợp, bệnh cảnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ cho lời khuyên cụ thể. Các bác sĩ thường đánh giá và cho lời khuyên dựa trên mức độ hoạt động của bệnh ít nhất 6 tháng trước khi mang thai.

Điều trị thế nào?

Do nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nên chưa có điều trị đặc hiệu cho luput và ít khi có lui bệnh hoàn toàn, vì vậy, bác sĩ lâm sàng phải có kế hoạch kiểm soát được những cơn bùng phát cấp và nặng, tiếp theo là một chiến lược điều trị duy trì để kiểm soát được triệu trứng và tổn thương cơ quan.

Do đó, tổn thương thận ở bệnh nhân luput cần được chẩn đoán sớm, điều trị sớm nhất có thể nhằm hạn chế các tổn thương không hồi phục tại thận. Điều trị tổn thương thận luput gồm hai giai đoạn: Giai đoạn điều trị tấn công, giai đoạn điều trị duy trì. Ngoài những thuốc điều trị đặc hiệu thì bệnh nhân được điều trị kết hợp nhiều loại thuốc tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, bệnh nhân có thể được bác sĩ đổi thuốc điều trị nếu bệnh không được kiểm soát.

Lời khuyên của thầy thuốc
Ðối với bệnh nhân mắc luput, cần khám thường xuyên. Nếu tổn thương thận nhẹ, chưa cần điều trị đặc hiệu. Mục đích điều trị nhằm vào kiểm soát các biểu hiện ngoài thận. Bệnh nhân nhớ tái khám, theo dõi định kỳ mỗi 1-2 tháng, xét nghiệm nước tiểu, chức năng thận nhằm phát hiện kịp thời trường hợp viêm thận luput bùng phát và chuyển sang loại nặng hơn.
Trước thời điểm này 10 năm có thể nói là cuộc sống của bệnh nhân luput tổn thương thận vô cùng khó khăn và tỉ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, với nền y học phát triển ngày nay, tỉ lệ này đã được cải thiện rõ rệt. Một nghiên cứu tại Mỹ trên 2.000 bệnh nhân luput tổn thương thận nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, tích cực có tỉ lệ tử vong nhỏ hơn 1%. Ða số bệnh nhân tử vong do không được điều trị tích cực hoặc bỏ điều trị. Do vậy, bệnh nhân cần khám thường xuyên, tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không chữa bệnh theo mách bảo để hạn chế tai biến nguy hiểm.

BS. Nguyễn Khánh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm