Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tìm hiểu về Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là sự phát triển của các tế bào bất thường hoặc các tế bào ung thư trong lớp niêm mạc trong của thành bàng quang. Đa số các trường hợp ung thư bàng quang đều được phát hiện trong giai đoạn sớm, khi khối u chưa phát triển ra ngoài bàng quang và việc điều trị thường thành công.

Tìm hiểu về Ung thư bàng quang

Triệu chứng

Có máu trong nước tiểu

Một dấu hiệu của ung thư bàng quang là có máu trong nước tiểu. Tuy nhiên, không phải lúc nào có máu trong nước tiểu cũng có nghĩa là bạn bị ung thư bàng quang.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng có máu trong nước tiểu, ví dụ như chấn thương, nhiễm trùng, rối loạn về máu, các vấn đề về thận, luyện tập thể thao hoặc dùng một số loại thuốc.

Máu trong nước tiểu có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc chỉ có thể tìm thấy khi xét nghiệm nước tiểu (nhìn dưới kính hiển vi). Nước tiểu của bạn có thể sẽ đổi màu và có màu nâu hơn, hoặc tối hơn bình thường, thậm chí, đôi khi có thể có màu hơi đỏ.

Thay đổi bàng quang

Ung thư bàng quang đôi khi sẽ tạo ra những thay đổi ở bàng quang, ví dụ như đi tiểu thường xuyên hơn hoặc muốn đi tiểu nhiều hơn nhưng lại không có nước tiểu.

Một triệu chứng khác của ung thư bàng quang là đau và nóng rát khi đi tiểu nhưng lại không có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu.

Những triệu chứng về bàng quang, ví dụ như chảy máu, thường có nguyên nhân là do các tình trạng khác, không phải ung thư. Ung thư bàng quang thường sẽ không gây ra triệu chứng cho đến khi bệnh ở giai đoạn cuối và rất khó chữa trị.

Các nguyên nhân

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư bàng quang. Những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn 4 lần so với những người không hút thuốc. Các chất hóa học độc hại từ khói thuốc lá có thể đi vào dòng máu trong phổi và có thể được lọc bởi thận, đi tới bàng quang. Từ đó dẫn đến tình trạng tập trung các hóa chất độc hại bên trong bàng quang. Các chuyên gia tin rằng hút thuốc lá gây ra khoảng một nửa số trường hợp ung thư bàng quang ở nam giới và nữ giới.

Phơi nhiễm với các chất hóa học

Phơi nhiễm với các chất hóa học nghề nghiệp có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Các ngành nghề phải phơi nhiễm với các chất hóa học có thể gây ung thư bao gồm công nhân kim khí, thợ làm tóc và thợ cơ khí. Các chất hóa học hữu cơ được gọi là amine thơm có liên quan đến tình trạng ung thư bàng quang và thường được sử dụng trong công nghiệp nhuộm. Những người làm việc với thuốc nhuộm, thợ kim khí hoặc làm trong xưởng sản xuất đồ da, hàng dệt, cao su, sơn nên tuân thủ tuyệt đối với các quy trình an toàn. Với những người này, việc hút thuốc sẽ làm tăng thêm nguy cơ ung thư cao hơn nữa.

Những người có nguy cơ ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số nhóm tuổi sẽ có nguy cơ ung thư cao hơn. Nam giới có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn gấp 3 lần so với phụ nữ. Khoảng 90% số trường hợp ung thư bàng quang xảy ra với những người trên 55 tuổi, và những người da trắng sẽ có nguy cơ ung thư cao gấp đôi so với người Mỹ gốc Phi.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang bao gồm: có tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang hoặc đã từng điều trị ung thư. Các dị tật bẩm sinh về bàng quang cũng có thể làm tăng nguy cơ. Khi sinh ra với các dị tật bẩm sinh tại các cơ quan kết nối bàng quang với các cơ quan khác trong ổ bụng, thì bàng quang cũng sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Tình trạng này sẽ khiến bàng quang dễ xuất hiện các bất thường ở mức độ tế bào và dễ dẫn đến ung thư hơn. Viêm bàng quang mãn tính (nhiễm trùng bàng quang nhiều lần, sỏi bàng quang hoặc các vấn đề tiết niệu khác gây kích ứng bàng quang) cũng làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

Các loại ung thư bàng quang

Đa số các trường hợp ung thư bàng quang là ung thư tế bào chuyển tiếp (tế bào niêm mạc bàng quang). Các dạng ung thư khác ít phổ biến hơn bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào tuyến.

Ung thư tế bào chuyển tiếp

Ung thư bàng quang thường bắt đầu với lớp mô trong cùng của bàng quang, còn gọi là tế bào chuyển tiếp. Loại tế bào này có thể giãn ra khi bàng quang đầy và co lại khi bàng quang rỗng. Đa số các tình trạng ung thư bàng quang đều bắt dầu từ lớp tế bào chuyển tiếp này.

Có 2 loại ung thư tế bào chuyển tiếp, đó là dạng nhẹ và dạng nặng. Ung thư tế bào chuyển tiếp dạng nhẹ thường có thể tái phát sau khi điều trị nhưng rất hiếm khi lan sang lớp cơ bàng quang hoặc các cơ quan khác của cơ thể. Ung thư tế bào chuyển tiếp dạng nặng cũng có thể sẽ tái phát sau điều trị và thường sẽ lan sang lớp cơ bàng quang hoặc lan sang các phần khác của cơ thể, bao gồm cả các hạch bạch huyết. Dạng nặng là dạng gây ra nhiều trường hợp tử vong hơn.

Ung thư biểu mô tế bào vảy

Tế bào vảy là tế bảo mỏng, phẳng có thể dẫn đến ung thư sau khi bị kích thích hoặc sau khoảng thời gian dài bị nhiễm trùng.

Ung thư biểu mô tế bào tuyến

Ung thư biểu mô tế bào tuyến xuất hiện từ các tế bào tuyến ở lớp niêm mạc bàng quang và là dạng ung thư bàng quang rất hiếm gặp.

Các giai đoạn ung thư bàng quang

Các giai đoạn ung thư thường được xác định bằng mức độ phát triển và lan rộng của tình trạng ung thư. Thông thường, ung thư bàng quang sẽ được mô tả qua 3 yếu tố TNM:

  • T: cho thấy mức độ phát triển của khối u
  • N: cho thấy tình trạng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần bàng quang hay chưa
  • M: cho thấy tình trạng ung thư đã di căn đến các cơ quan khác ngoài bàng quang.

Các giai đoạn ung thư

  • Giai đoạn 0a: (Ta, N0, M0): ung thư là dạng biểu mô nhú, không xâm lấn đến các mô liên kết hoặc lớp cơ bàng quang
  • Giai đoạn 0is (Tis, N0, M0): các tế bào ung thư chỉ nằm trong lớp mô niêm mạc trong cùng của bàng quang
  • Giai đoạn I (T1, N0, M0): khối u đã lan đến lớp thành bàng quang
  • Giai đoạn II (T2, N0, M0): khối u đã đi xuyên qua lớp thành trong cùng của bàng quang và xuất hiện ở lớp cơ bàng quang
  • Giai đoạn III (T3, N0, M0): Khối u đã lan qua bàng quang đến phần mỡ xung quanh bàng quang
  • Giai đoạn IV (T4, N0, M0): Khối u đã lan qua thành bàng quang và đến lớp thành chậu hoặc thành bụng.

Nếu T1 thì có nghĩa là khối u đã lan đến hạch bạch huyết gần đó, và nếu M1 thì có nghĩa là khối u đã lan đến các hạch bạch huyết xa hơn hoặc đi vào xương, gan, phổi.

Điều trị

Phẫu thuật

Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo

Giai đoạn ung thư bàng quang sớm thường là dạng được điều trị bằng việc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo. Một dụng cụ với một vòng dây nhỏ sẽ được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Vòng này sẽ loại bỏ khối u bằng cách cắt hoặc đốt cháy khối u bằng dòng điện.

Cắt bỏ một phần và toàn bộ bàng quang

Phẫu thuật cắt bỏ một phần bàng quang thường được áp dụng với khối u dạng nhẹ, đã xâm lấn đến thành bàng quang nhưng chỉ xâm lấn một khu vực nhỏ. Trong phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang, toàn bộ bàng quang cùng với các hạch bạch huyết xung quanh, và các vùng xung quang có chứa tế bào ung thư sẽ bị cắt bỏ. Nếu tình trạng ung thư đã di căn ra ngoài bàng quang, thì các cơ quan bị ảnh hưởng cũng có thể sẽ phải cắt bỏ, ví dụ như tử cung và buồng trứng ở phụ nữ và tuyến tiền liệt ở nam giới.

Dẫn lưu nước tiểu sau khi phẫu thuật

Khi toàn bộ bàng quang đưcọ cắt bỏ, bác sỹ sẽ tạo ra một biện pháp thay thế để nước tiểu được lưu trữ và thải bỏ. Thủ thuật này được gọi là dẫn lưu nước tiểu. Phụ thuộc vào từng trường hợp, túi chứa nước tiểu có thể được đặt ở bên trong hoặc ngoài cơ thể để tích nước tiểu. Dẫn lưu nước tiểu không liên tục là khi túi đựng nước tiểu được đặt bên ngoài cơ thể. Dẫn lưu nước tiểu liên tục sẽ là thủ thuật tạo một túi nhỏ làm từ các mô ruột non ở bên trong cơ thể để giữ nước tiểu.

Hóa trị

Trong một số trường hợp, hóa trị sẽ được sử dụng trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u. Hóa trị cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào khối u còn sót lại. Hóa trị có thể được truyền tĩnh mạch hoặc được đưa trực tiếp vào bàng quang. Hóa trị trực tiếp tại bàng quang là một cách hiệu quả để làm giảm tỷ lệ tái phát ung thư ở bàng quang nhân tạo trong thời gian ngắtn, nhưng không hiệu quả trong những trường hợp ung thư bàng quang đã xâm lấn vào lớp cơ thành bàng quang. Hóa trị truyền qua tĩnh mạch thường sử dụng khi khối u đã ở sâu trong bàng quang, các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.

Miễn dịch trị liệu

Miễn dịch trị liệu bao gồm việc đưa các vi khuẩn có lợi vào bàng quang thông qua một ống thông, để kích thích hệ miễn dịch tấn công lại vi khuẩn được đưa vào cũng như các tế bào ung thư. Miễn dịch trị liệu thường được áp dụng với các trường hợp ung thư giai đoạn Ta, T1, và CIS. BCG là loại vi khuẩn thường được sử dụng trong biện pháp này. Đưa BCG vào bàng quang 1 tuần/lần có thể được sử dụng sau phẫu thuật để làm giảm nguy cơ khối u tái phát. Phản ứng phụ của miễn dịch trị liệu có thể bao gồm kích ứng bàng quang, chảy máu và các triệu chứng giống cúm.

Xạ trị

Xạ trị bên ngoài là biện pháp dùng một chiếc máy tạo ra tia xạ bên ngoài cơ thể, máy sẽ có tác dụng tập trung tia xạ vào khối u. Xạ trị bên ngoài thường được áp dụng sau phẫu thuật  5 lần/tuần, kéo dài trong 5-7 tuần.

Xạ trị bên trong bao gồm việc đưa vào trong bàng quang một loại chất phóng xạ. Phương pháp này sẽ được áp dụng trong vòng 5 ngày và người bệnh sẽ phải nhập viện cho tới khi lượng chất phóng xạ được đào thải ra ngoài

Phản ứng phụ của xạ trị bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, kích ứng da, đau khi đi tiểu và tiêu chảy.

Tỷ lệ sống sót và tiên lượng của ung thư bàng quang

Cũng giống như nhiều loại ung thư khác, tỷ lệ sống sót sau khi phát hiện bệnh phụ thuộc vào giai đoạn cũng như mức độ lan rộng của ung thư khi được phát hiện. Khoảng 50% số trường hợp ung thư bàng quang được phát hiện khi khối u chỉ phát triển hạn chế trong lớp niêm mạc trong của bàng quang, và gần 100% số trường hợp này đều có thể sống thêm 5 năm nữa. Những trường hợp ung thư lan rộng hơn thường sẽ có tỷ lệ sống sót thấp hơn.  Cụ thể, 77% số trường hợp ung thư ở tất cả các giai đoạn sẽ sống thêm được 5 năm, 70% số trường hợp sống thêm được 10 năm và 65% sẽ sống thêm được 15 năm.

Tiên lượng của những bệnh nhân ung thư bàng quang cũng phụ thuộc vào giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán. Ung thư đã di căn vào các cơ quan khác thường sẽ chỉ sống thêm được từ 12-18 tháng. Ung thư tái phát thường sẽ là dạng ung thư nặng hơn và tiên lượng sẽ xấu hơn với bệnh nhân bị ung thư tái phát giai đoạn muộn.

Đời sống tình dục sau điều trị ung thư.

Phẫu thuật ung thư bàng quang có thể gây tổn thương các dây thần kinh vùng chậu, khiến việc quan hệ tình dục trở nên khó khăn hơn.

Với nam giới: một số nam giới sẽ gặp khó khăn trong việc cương dương nhưng với nam giới trẻ tuổi, tình trạng này sẽ được cải thiện dần theo thời gian.  Tinh dịch có thể sẽ không được sản xuất ra nếu phẫu thuật đã cắt bỏ đi tuyến tiền liệt và túi tinh.

Với nữ giới: tử cung, buồng trứng và một phần âm đạo sẽ được cắt bỏ trong khi phẫu thuật toàn bộ bàng quang. Việc này sẽ khiến nữ giới không có chu kỳ kinh nguyệt nữa và đương nhiên sẽ không thể mang thai được nữa. Nữ giới sau phẫu thuật ung thư bàng quang thường sẽ nhận thấy việc quan hệ tình dục trở nên khó chịu hơn và đạt được cực khoái sẽ khó khăn hơn.

Dự phòng ung thư bàng quang

Không có cách nào dự phòng được ung thư bàng quang, nhưng tốt nhất, vẫn nên tuân thủ một lối sống lành mạnh. Cai thuốc lá và hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn. Thực hiện chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc và một lượng vừa phải thịt nạc. Thường xuyên luyện tập và đi khám sức khỏe định kỳ. Tránh phơi nhiễm với các chất hóa học và sử dụng đồ bảo hộ trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với các chất hóa học độc hại.

Thông tin thêm trong bài viết: Các yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Medicinet
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm