Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thay đổi bình thường và bất thường khi mang thai

Mang thai và sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ, tuy nhiên, chị em luôn có những băn khoăn: Cơ thể thay đổi như thế nào khi mang thai?

Những thay đổi nào là bình thường hay bất thường? Bà mẹ cần tăng cân thế nào là tốt? Sau đây là những thay đổi khi mang thai bạn nên biết để quá trình mang thai và sinh nở được mẹ khỏe con khỏe.

Những thay đổi ở 3 tháng đầu

Từ tuần 0-14, bao gồm các giai đoạn trước của phôi thai cho đến thời điểm trước 14 tuần. Ban đầu, nhiều bà bầu thậm chí không cảm thấy có sự thay đổi gì so với thời điểm chưa mang thai, nhưng hầu hết bắt đầu tác động trên vú, thấy tăng sự phát triển vú có thể gây ra đau vú tạm thời. Và mọi người đều có cảm giác buồn nôn và nôn, mệt mỏi (gọi nghén) và tăng cân cũng rất phổ biến.

Mặc dù trong 3 tháng đầu thai kỳ do bị nghén có nhiều bà mẹ ít tăng cân hoặc không tăng cân nhưng nhìn chung vẫn tăng được khoảng từ 1- 2kg. Còn thai nhi phải trải qua giai đoạn tăng trưởng phức tạp và quan trọng nhất trong thời gian 3 tháng đầu. Trứng thụ tinh phân chia nhiều lần và kết quả là từ 1 tế bào hợp tử phát triển và tổ chức thành phôi thai và nhau thai. Thời điểm thai tuần 12, tất cả các cấu trúc bên ngoài và cơ quan nội tạng đã được hình thành, thai nhi bắt đầu di chuyển tự do trong túi ối.

Thời điểm dễ chịu nhất của thai kỳ

Từ tuần 13-26 thường là thời điểm tốt nhất của mang thai. Trong thời gian này người mẹ đầu tiên nhận thấy sự chuyển động của thai nhi, nói chung là trong khoảng thời gian giữa 16-20 tuần. Trong suốt thời kỳ phôi thai và sau này, thai nhi đã có những cử động, tuy nhiên các cử động là tương đối yếu, vì vậy, các cử động của thai nhi đập vào thành tử cung với lực không đủ để thông báo cho mẹ trong thời điểm thai nhi còn nhỏ. Các hệ cơ quan và cơ quan quan trọng của thai nhi tiếp tục phát triển trong suốt thai 3 tháng giữa.

Sự phát triển của cơ quan sinh dục bên ngoài được hoàn thành và giới tính của em bé thường có thể quan sát rõ ràng được. Ở bé gái, buồng trứng của thai nhi phát triển đáng kể. Đáng chú ý, tất cả các trứng của buồng trứng được hình thành đầy đủ ở tháng thứ năm của thai kỳ! Sau khi thành lập, trứng ở vào trạng thái nghỉ ngơi, trong đó chúng sẽ vẫn còn cho đến tuổi dậy thì. Trong 3 tháng giữa này bà mẹ tăng khoảng 4-5kg.

Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng các bệnh cúm, uốn ván, Rubella, viêm gan virut...

...Và giai đoạn nhiều khó chịu nhất, cần đi khám nhiều nhất

Từ tuần 27-40 tuần, thai kỳ mang đến nhiều khó chịu nhất cho thai phụ với các triệu chứng có thể gặp như: nóng rát thượng vị, táo bón, trĩ, giãn tĩnh mạch chi dưới, mất ngủ và nặng tức bụng dưới. Nguyên nhân của hầu hết các triệu chứng khó chịu này do thai nhi lớn nhanh trong bụng mẹ. Cùng với đó thai nhi cử động trong bụng mẹ, các bà mẹ luôn cảm thấy em bé như đang chơi đùa trong bụng mình. Bạn nên đi khám bác sĩ thường xuyên hơn trong thời gian này (tuần/lần). Thăm khám thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi kỹ lưỡng hơn để phát hiện các bất thường bệnh lý như: tiền sản giật, dọa sinh non, đái tháo đường thai kỳ, đa ối hay thiểu ối...

Càng gần cuối thai kỳ càng tăng cảm giác hồi hộp và lo lắng có thể mất ngủ... Bạn có thể phát hiện thấy dạ con có các cơn co - chúng là các cơn co sinh lý, không đáng ngại khác với các cơn co chuyển dạ: thứ nhất, là cơn co yếu với thời gian co ngắn không gây đau bụng, thứ hai là các cơn co này không tăng thêm về tần số và cường độ và chúng sẽ biến mất. Các cơn co sinh lý này được coi như sự chuẩn bị của tử cung cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Phần lớn các em bé được sinh ra giữa 38 và 42 tuần. Trong thời gian này nếu bạn thấy cơn co tử cung mau hơn hoặc ra chất nhày hồng âm đạo thì đó là dấu hiệu chuyển dạ. Lúc đó, bạn có thể khăn gói vào viện để sinh bé.

Mức tăng cân cần thiết khi mang thai

Đối với thai phụ sự tăng cân của các bộ phận trong cơ thể như sau: Trẻ: 3.300g; bánh rau: 700g; nước ối: 900g; tuyến vú: 500g; trọng lượng tử cung: 900g; thể tích máu: 1.300g; mỡ cơ thể: 2.300g; mô và dịch cơ thể : 1.800g - 3.200g. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong ba tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng 1-2kg, ba tháng giữa tăng 4-5kg, ba tháng cuối tăng 5-6kg. Tuy nhiên, tăng cân trong khi mang thai phụ thuộc vào tình trạng của người mẹ, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người phụ nữ nào giống nhau hoàn toàn. Thai phụ có cân nặng trung bình trước khi mang thai thì nên tăng khoảng 12 - 15kg. Thai phụ gầy (ít cân) trước khi mang thai nên tăng 13 - 18kg. Trường hợp thai phụ thừa cân (béo) trước khi mang thai, nên tăng khoảng 8 - 12kg. Nếu thai phụ mang song thai thì nên tăng 18 - 21kg.

 Lời khuyên của thầy thuốc

Để quá trình mang thai được khỏe mạnh, em bé sinh ra không bị dị tật thì trước khi mang thai chị em nên khám sức khỏe và tiêm phòng các bệnh như cúm, Rubela, viêm gan virut... (nếu chưa tiêm hoặc chưa mắc bao giờ). Khi đã mang thai cần có chế độ dinh dưỡng tốt, vệ sinh thân thể và vệ sinh tình dục tránh bệnh viêm nhiễm sinh dục. Tháng cuối cần chú ý không sinh hoạt tình dục để tránh vỡ ối sớm. Cuối cùng cần đi khám thai theo đúng định kỳ và ngay từ khi mang thai phải luôn được bác sĩ sản khoa khám, theo dõi thai định kỳ.

BS. Phạm Minh Nguyệt - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

Xem thêm