Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tắc tia sữa

Tắc tia sữa có thể khiến bạn đau đớn, khiến em bé quấy khóc vì không đủ sữa mẹ. Nhưng đừng lo lắng quá mức, bạn có thể tự thông tia sữa tại nhà. Tất nhiên, vẫn có khả năng khối u này phát triển thành một tình trạng nghiêm trọng hơn, như viêm tuyên vú.

Triệu chứng tắc sữa

Tắc tia sữa xảy ra khi một ống dẫn sữa ở vú của bạn bị tắc hoặc không chảy mạnh. Mẹ có thể bị tắc tia sữa nếu bé không bú kiệt sữa ở một bên vú, nếu bé bỏ một cữ sữa bú hoặc khi bạn bị stress. 

Triệu chứng tắc tia sữa có thể diễn biến từ từ và thường chỉ xảy ra với một bên ngực. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Xuất hiện khối u, cục ở một bên ngực, có hiện tượng ứ dịch hoặc sưng lên quanh khối u. Các khối u này thường di động được.
  • Đau nhức hoặc rát bỏng khi chạm vào khu vực khối u
  • Căng tức khó chịu, thường sẽ giảm đi sau khi hút sữa hoặc cho con bú
  • Thông thường, lượng sữa có thể sẽ bị giảm đi khi bạn bị tắc tia sữa. Thậm chí có thể thấy sữa bị đặc lại hoặc béo hơn khi bạn vắt sữa ra.

Khi nào tắc tia sữa sẽ trở nên nghiêm trọng?

Nếu bạn không làm gì cả, thì tình trạng tắc tia sữa sẽ không tự khỏi được. Thay vào đó, tắc tia sữa có thể sẽ tiến triển thành nhiễm trùng, hay còn được gọi là viêm tuyến vú. Lưu ý rằng sốt không phải là triệu chứng bạn sẽ gặp phải khi bị tắc tia sữa. Nếu bạn bị đau hoặc có xuất hiện các triệu chứng khác đi kèm với sốt, bạn có thể đã bị nhiễm trùng.

Triệu chứng viêm tuyến vú có thể sẽ xuất hiện rất bất ngờ và có thể bao gồm:

  • Sốt trên 38 độ C
  • Các triệu chứng giống như bị cúm (ớn lạnh, đau người)
  • Căng tức, sưng và nóng ở toàn bộ vú
  • Xuất hiện u cục ở vú hoặc mô vú dày hơn
  • Có cảm giác nóng rát và/hoặc khó chịu khi cho con bú/hút sữa
  • Đỏ vùng da tại khu vực bị ảnh hưởng

Có khoảng 10% số phụ nữ cho con bú sẽ có ít nhất một lần bị viêm tuyến vú. Nếu bạn đã từng bị viêm tuyến vú trước đây thì rất có thể bạn sẽ lại bị tái lại. Viêm tuyến vú không điều trị có thể dẫn đến tình trạng tích tủ mụ, dẫn đến áp xe và có thể cần phải tiến thành phẫu thuật để chích mủ tuyến vú.

Nguyên nhân tắc ống dẫn sữa

Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng tắc ống dẫn sữa là do tuyến vú của bạn không thể tống hết sữa ra ngoài được. Một số yếu tố dưới dây có thể gây nên tình trạng này, bao gồm:

  • Áo ngực quá chật hoặc cho con bú không thường xuyên khiến sữa ứ đọng và tăng áp lực ở vùng ngực, lâu ngày có thể gây nên tắc tia sữa và viêm tuyến vú.
  • Cho con bú không đúng cách: chỉ cho bé bú 1 bên khiến bên còn lại có thể sẽ bị tắc; bé ngậm bắt núm vú chưa đúng hoặc bú mút quá ít, quá yếu cũng có thể dẫn đến tình trạng đọng sữa.

Các yếu tố nguy cơ khác khiến bạn dễ bị tắc tia sữa và viêm tuyến vú hơn, bao gồm:

  • Có tiền sử bị viêm tuyến vú khi cho con bú trước đây
  • Nứt đầu ti
  • Chế độ ăn uống không đầy đủ
  • Hút thuốc lá
  • Căng thẳng và mệt mỏi

Nếu không cho con bú thì có thể bị tắc sữa không?

Đa số các thông tin mà bạn tìm được quanh việc bị tắc tia sữa và viêm tuyến vú đều dành cho những phụ nữ cho con bú. Nhưng thậm chí không cho con bú thì đôi khi bạn vẫn có thể bị tắc tia sữa, hoặc các tình trạng tương tự như tắc tia sữa, ví dụ như:

- Viêm quanh ống tuyến vú: là tình trạng viêm vú xảy ra khi không cho con bú. Đây là tình trạng hiếm gặp và thường ảnh hưởng đến phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Triệu chứng cũng tương tự như viêm tuyến vú ở phụ nữ cho con bú và có thể có nguyên nhân là do hút thuốc lá, nhiễm khuẩn, nứt đầu ti hoặc có lỗ dò ở vú.

- Giãn ống dẫn sữa: là tình trạng chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ độ tuổi 45-55 tuổi. Ống dẫn sữa sẽ bị giãn rộng, thành dầy lên và chứa đầy dịch nhớt. Thậm chí, có thể sẽ bị chảy dịch ở vú, đau, căng tức và viêm quanh ống tuyến vú.

- Trong những trường hợp rất hiếm gặp, viêm vú cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới. Ví dụ, như bệnh viêm vú u hạt là một tình trạng viêm vú mạn tính ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới.  Các triệu chứng của bệnh này rất giống với các triệu chứng ung thư vú và có thể bao gồm việc có khối u cứng (áp xe) ở vú và sưng tại vú.

Điều trị tắc tia sữa

Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của tình trạng tắc tia sữa, bạn nên hành động để giải quyết vấn đề ngay. Một trong những cách điều trị hiệu quả nhất là massage, đặc biệt là massage khi bạn đang cho con bú hoặc đang hút sữa. Hãy bắt đầu massage ở phía ngoài của vú và dùng ngón tay ấn, vuốt theo chiều của các ống dẫn sữa. Bạn cũng có thể massage khi đang tắm.

Các cách khác để thông sữa:

  • Tiếp tục cho bú thường xuyên
  • Khi cho con bú, hãy cho bé bú ở bên vú bị tắc trước bởi các em bé thường sẽ mút mạnh nhất khi bắt đầu cữ bú (vì khi đó bé đang đói).
  • Cân nhắc đến việc ngâm vú trong nước ấm hoặc dùng vòi hoa sen xịt nước ấm vào vùng vú, sau đó massage tại khu vực bị tắc
  • Cố gắng thay đổi tư thế khi cho con bú. Đôi khi, việc thay đổi sẽ khiến em bé mút được tại khu vực bị tắc tốt hơn.

Nếu bạn bị viêm tuyến vú, nhiều khả năng là bạn sẽ phải dùng kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng và thậm chí có thể phải uống thuốc trong 10 ngày liên tục. Hãy đảm bảo rằng bạn uống đủ tất cả các loại thuốc đã được bác sỹ kê đơn để tình trạng viêm tuyến vú không tái phát. Hỏi ý kiến bác sỹ nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau khi bạn đã uống đủ thuốc.

Sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể giúp giảm cảm giác khó chịu và giảm viêm tại các mô vú. 

Khi nào cần đến gặp bác sỹ

Sau khi được thông tia sữa hoặc sau khi điều trị viêm tuyến vú, có thể xuất hiện đỏ hoặc bầm tím ở ngực, kéo dài hàng tuần. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy tia sữa vẫn tắc hoặc tình trạng nhiễm trùng chưa khỏi hẳn, hãy đến bác sỹ khám lại. Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải sử dụng thêm một liệu trình kháng sinh khác hoặc sẽ cần hỗ trợ như chích áp xe.

Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn, bác sỹ có thể cho bạn đi chụp X quang tuyến vú, siêu âm vú hoặc sinh thiết vú để loại trừ nguyên nhân viêm do ung thư vú. Dạng ung thư vú hiếm gặp này đôi khi có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm tuyến vú, ví dụ như sưng hoặc đỏ.

Dự phòng tình trạng tắc ống dẫn sữa

Do tắc ống dẫn sữa thường có nguyên nhân là ứ đọng sữa, nên bạn cần đảm bảo rằng bạn thường xuyên cho con bú hoặc thường xuyên hút sữa. Các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn có thể cho con bú 8-12 lần/ngày, đặc biệt là vào những ngày đầu trẻ mới sinh ra và bú mẹ.

Bạn cũng có thể:

  • Massage vú hoặc hút sữa để sữa ra nhiều hơn
  • Không mặc quần áo chật hoặc áo lót quá chật để ngực có thêm không gian để “thở”
  • Nới lỏng địu của em bé (nhưng vẫn đảm bảo em bé an toàn) để giảm áp lực lên vú 
  • Thay đổi các tư thế cho con bú trong mỗi lần cho bú để đảm bảo rằng bé có thể mút được toàn bộ các ống dẫn sữa
  • Chườm ấm hoặc chườm ướt trước khi cho bú tại khu vực dễ bị tắc
  • Sau khi cho bú, chườm lạnh vào vú
  • Hỏi ý kiến bác sỹ về việc sử dụng thực phẩm chức năng có chứa lecithin.

Nứt đầu ti cũng có thể khiến vi khuẩn ngoài da hoặc vi khuẩn trong miệng em bé xâm nhập vào bên trong vú, gây viêm vú. Do vậy, hãy đảm bảo rằng ngực của bạn luôn khô và sạch, có thể sử dụng các loại kem như lanolin để bảo vệ đầu vú bị nứt.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mẹo để dự trữ và bảo quản sữa mẹ

Ths. Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

Xem thêm