Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sử dụng kháng sinh trong giai đoạn đầu đời làm xáo trộn sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột

Trẻ uống kháng sinh quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn đường ruột. Đó là lời cảnh báo dành cho các bà mẹ theo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications.

Theo một nghiên cứu tiến hành tại Đại học Helsinki (Phần Lan), sử dụng kháng sinh trong giai đoạn sớm của cuộc đời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn đường ruột.

Đặc biệt nhóm kháng sinh phổ rộng macrolid thường được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng hô hấp được chứng minh là có các tác dụng không mong muốn này. Kháng sinh macrolid cũng đồng thời góp phần cho sự hình thành của các chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh.

Từ lâu người ta đã biết rằng việc sử dụng kháng sinh trong giai đoạn đầu đời có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như viêm dạ dày ruột, hen phế quản cũng như béo phì. Tác dụng này được cho là điều hòa bởi hệ vi khuẩn đường ruột, do các nghiên cứu về sử dụng kháng sinh trên mô hình động vật đã chứng minh có thể làm thay đổi thành phần của hệ vi khuẩn này và làm giảm tính đa dạng của chúng. Tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có một thông tin nào cho thấy tác động của việc sử dụng kháng sinh kéo dài đối với hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ em.

Nghiên cứu mới này được tiến hành tại Đại học Helsinki, đứng đầu bởi giáo sư Willem de Vos, bao gồm 142 trẻ em Phần Lan từ 2 -7 tuổi. Các nhà khoa học đã điều tra thông tin về việc trẻ đã được kê bao nhiêu toa kháng sinh trong đời và việc sử dụng kháng sinh có ảnh hưởng như thế nào đến hệ vi sinh đường ruột. Ngoài ra, họ cũng tìm hiểu về mối liên hệ giữa kháng sinh và căn bệnh hen phế quản và chỉ số khối cơ thể BMI. Nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí khoa học Nature Communications.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy các thành phần trong hệ vi sinh đường ruột của trẻ hoàn toàn phản ánh việc trẻ được sử dụng kháng sinh như thế nào. Kháng sinh làm giảm sự phong phú của các chủng vi khuẩn và làm chậm lại sự phát triển của hệ vi sinh phụ thuộc tuổi tác. Đặc biệt, hệ vi khuẩn đường ruột của những trẻ em sử dụng các kháng sinh nhóm macrolid như azithromycin hay clarithromycin trong vòng 2 năm trước có sự khác biệt rõ ràng so với trẻ bình thường.

Theo Katri Korpela, người có luận án tiến sỹ làm về đề tài này, “nói chung, việc hồi phục của hệ vi khuẩn đường ruột bình thường sau khi điều trị bằng kháng sinh thường kéo dài hơn một năm. Nếu một đứa trẻ lặp lại việc điều trị bằng kháng sinh trong những năm đầu đời, hệ vi khuẩn này có thể không có đủ thời gian để hồi phục hoàn toàn.”

Sử dụng kháng sinh nhóm macrolid có liên quan đến các đặc điểm của hệ vi khuẩn đường ruột mà trước kia đã được biết tới là có mối liên hệ với bệnh béo phì và các căn bệnh chuyển hóa. Ngoài ra sử dụng các macrolid trong 2 năm đầu đời còn gây tăng chỉ số khối cơ thể BMI. Hơn thế nữa, nếu sử dụng liều cao các kháng sinh nhóm này trong 1 năm đầu đời còn làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản khi trưởng thành.

Macrolid dường như cũng kích thích sự hình thành của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh, do người ta nhận thấy có hiện tượng kháng kháng sinh tăng cao trong hệ vi khuẩn đường ruột ở những trẻ đã sử dụng kháng sinh này.

Korpela nói: “Các kháng sinh nhóm penicillin dường như có tác động yếu hơn lên thành phần và chức năng của các chủng vi khuẩn đường ruột so với kháng sinh nhóm macrolid.”

Những kết quả này cũng hỗ trợ cho khuyến cáo rằng nên tránh sử dụng nhóm kháng sinh macrolid như kháng sinh sử dụng ban đầu, đồng thời cũng hạn chế chỉ sử dụng kháng sinh cho những nhu cầu chính đáng. Các nhà khoa học nhấn mạnh thêm rằng không nên sử dụng kháng sinh chỉ để điều trị những nhiễm trùng nhỏ cục bộ.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm