Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phòng bệnh hen tái phát lúc chuyển mùa

Hen (suyễn) là một bệnh mạn tính, dễ tái phát, gặp ở mọi lứa tuổi và gây ra những hậu quả xấu vô cùng nghiêm trọng cho người bệnh, tỉ lệ tử vong cao mặc dù đã có thuốc đặc trị hiệu quả, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Phòng bệnh hen tái phát lúc chuyển mùa

Nguyên nhân gây nên bệnh hen

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh hen nhưng chủ yếu là do yếu tố cơ địa dị ứng. Khi cơ thể gặp các dị ứng nguyên (chất lạ đối với cơ thể) hoặc các loại có tính chất kích ứng sẽ gây nên phản ứng dị ứng tức là bị lên cơn hen. Hen dễ gặp ở những người có cơ địa dị ứng (viêm mũi dị ứng, bệnh mề đay, bệnh viêm da dị ứng, bệnh tổ đỉa, bệnh chàm, bệnh eczema…). Bên cạnh đó, một số vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm) có thể gây dị ứng biểu hiện bằng hen, đặc biệt là một số ký sinh trùng (mò, mạt, nấm mốc, giun đũa). Hoặc hen do tác động của khói, bụi, hóa chất (khói bếp, khói thuốc lá, khói công nghiệp, hóa chất độc hại), lông chó, mèo… Một số thực phẩm đối với một số cơ địa dị ứng có thể kích thích gây nên cơn hen hoặc làm cho bệnh hen tăng lên, nặng thêm mỗi khi ăn chúng (tôm, cua, mắm tôm). Ngoài ra, một số thuốc điều trị bệnh khớp thuộc nhóm không steroid (diclofenac, piroxicam, indomethacin…) hoặc thuốc chẹn thụ thể bêta (atenolol) điều trị tăng huyết áp có tác dụng phụ là làm bệnh hen tái phát hoặc làm cho bệnh hen trầm trọng thêm.

Bệnh hen có tính di truyền khá rõ rệt, nếu bố hoặc mẹ bị hen, các con có thể bị hen (từ 25-30% nguy cơ con mắc bệnh); nếu cả bố và mẹ bị mắc bệnh hen, có từ 50-60% nguy cơ con mắc bệnh.

Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân hen đo chức năng hô hấp

Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân hen đo chức năng hô hấp

Biểu hiện của hen

Triệu chứng điển hình nhất của hen là ho và khò khè. Ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra nhất là lúc thời tiết chuyển mùa. Ho thường xuất hiện cả ngày lẫn đêm nhưng ban đêm thường xảy ra nặng hơn, dồn dập hơn. Ho của bệnh hen là ho khan, ho từng tiếng một. Đối với người lớn, ho thường là dấu hiệu đầu tiện của cơn hen. Thông thường, hen có kèm theo viêm đường hô hấp trên như viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm amiđan, viêm VA (trẻ nhỏ). Ho của bệnh hen rất dễ nhầm với ho do mắc các bệnh hô hấp khác (viêm họng, viêm phế quản hay thậm chí được chẩn đoán là ho lao). Tuy vậy, có một số bệnh nhân bị hen chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.

Đi đôi với ho là triệu chứng khò khè. Khò khè là biểu hiện của co thắt phế quản. Tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Khò khè xảy ra cả ban ngày, cả ban đêm nhưng ban đêm thường diễn biến nặng hơn, dồn dập hơn, đặc biệt là khi chuyển mùa (nóng sang lạnh, mưa nhiều, áp thấp...). Khò khè là dấu hiệu đầu tiên lên cơn hen của trẻ em. Khò khè, ho kết hợp với tăng xuất tiết cho nên người bệnh hen có rất nhiều đờm. Người bệnh luôn cảm thấy nặng ngực (cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt) và khó thở (khó thở ra) do phế quản bị co thắt. Khó thở thường hay bị tái phát nhiều lần.

Người bị hen thỉnh thoảng bị bội nhiễm vi khuẩn, virut có thể có sốt kèm theo, vì vậy, bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí nguy kịch hơn, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi sức yếu.

Đặc điểm của hen là các triệu chứng chỉ xảy ra trong cơn hen, ngoài cơn hen, người bệnh trở về gần như bình thường (chỉ hơi mệt).

Hải sản là thực phẩm mà người bệnh hen cần tránh.

Hải sản là thực phẩm mà người bệnh hen cần tránh.

Biến chứng của bệnh hen

Hen cấp tính nếu không xử trí kịp thời có thể tắc thở, suy hô hấp, tử vong.

Bệnh hen mạn tính, trường diễn có thể gây bệnh tâm phế mạn, giãn phế quản, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thỉnh thoảng khi chuyển mùa có thể lên cơn hen cấp tính rất nguy hiểm.

Nguyên tắc điều trị

Khi nghi ngờ bị hen, cần được khám bệnh đầy đủ để xác định bệnh. Hiện nay, đã có thuốc điều trị đặc hiệu cắt cơn hen và thuốc điều trị dự phòng cơn hen. Tuy nhiên, dùng loại thuốc nào có lợi cho người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị cho bản thân mình hoặc điều trị cho người nhà của mình khi không có chuyên môn về y học. Khi bệnh hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám bệnh định kỳ, khoảng từ 1-3 tháng/lần. Tuy vậy, khi người bệnh không đáp ứng với thuốc, khó thở tăng lên, bệnh diễn biến nặng lên, cần tái khám ngay.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng bệnh hen tái phát, người bệnh nên mặc ấm khi trời chuyển lạnh. Không nên tắm nước lạnh, nếu nằm ngủ ở phòng máy lạnh, nên để nhiệt độ khoảng 27 - 28 độ. Phòng ngủ cần kín gió để tránh gió lùa, nhất là ban đêm. Nhà ở cần thông thoáng, sạch sẽ không để các loại mò, mạt xuất hiện và các loại chăn gối, đệm, thảm trải nhà luôn được giặt sạch, phơi nắng. Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, người bị hen nên kiêng (tôm, cua, ốc, mắm tôm…). Cần dùng thuốc hen dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Xử trí kịp thời các cơn hen cấp
PGS.BS. Việt Bắc - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm