Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những thắc mắc thường gặp về việc kiểm soát muỗi truyền virus Zika

Văn phòng đại điện của WHO tại châu Mỹ (PAHO/WHO) cung cấp những thông tin cần biết về muỗi Aedes aegypti - loại muỗi truyền virus Zika cùng với virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và sốt chikungunya.

Vai trò của muỗi trong việc truyền virus Zika như thế nào?

Con người bị nhiễm virus Zika thông qua việc bị muỗi nhiễm virus đốt. Khi muỗi hút máu người nhiễm bệnh sau đó đốt một người khác, virus Zika sẽ truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Người nhiễm virus Zika thường sẽ có những triệu chứng nhẹ hoặc biểu hiện không triệu chứng.

Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy virus Zika có liên quan đến việc gia tăng bất thường các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh từ các bà mẹ nhiễm virus Zika ở Brazil cũng như việc gia tăng các trường hợp rối loạn thần kinh (như hội chứng Guillain – Barré) ở một số quốc gia khác.

Cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng được virus Zika.

Những điều nên biết về loại muỗi truyền virus Zika

Loại muỗi chính truyền virus Zika có tên là muỗi Aedes aegypti. Hiểu rõ về tập tính của loại muỗi này có thể giúp chúng ta chiến đấu chống lại chúng. Từ lâu, chúng ta đã biết rằng muỗi Aedes là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và sốt chikungunya nhưng hiện nay, loại muỗi này còn truyền thêm virus Zika.

Đặc điểm của muỗi Aedes:

  • Thích hút máu người hơn là máu vật nuôi
  • Đây là một loại muỗi thường sống quanh nhà, trường học và nơi làm việc, có thói quen đẻ trứng ở bất kỳ vật dụng nào có chứa nước sạch, tĩnh. Muỗi Aedes thường thích đẻ trứng vào những vật chứa nước nhân tạo như thùng, chậu rửa, lốp xe đọng nước, chậu hoa, lọ cắm hoa và thậm chí là bát uống nước của vật nuôi. Trong những điều kiện nhât định, loại muỗi này cũng có thể đẻ trứng trong bể tự hoại, máng nước và cống thoát nước.
  • Ấu trùng muỗi Aedes có thể được tìm thấy ở những nơi chứa rất ít nước, ví dụ như trong hồ chứa nước thải chảy ra từ các bãi rác.
  • Loại muỗi này hoạt động mạnh nhất vào giữa buổi sáng và trước khi hoàng hôn, nhưng chúng cũng có thể hút máu người vào những thời điểm khác, ví dụ như vào ban đêm.
  • Tầm bay của loại muỗi này rất hạn chế, thường không bay cao quá 100m so với mặt đất, nhưng trong những trường hợp tìm kiếm thức ăn, chúng có thể bay cao tới hơn 400m.
  • Muỗi Aedes cái có thể đẻ khoảng 100-150 trứng mỗi 3-4 ngày.
  • Trứng muỗi sẽ dính ở bên trong các dụng cụ chứa nước và sẽ nở ra khi được tiếp xúc với nước. Quá trình phát triển của muỗi từ khi là trứng cho đến khi trưởng thành thường mất từ 7-10 ngày, phụ thuộc vào nhiệt độ. Một khi đã phát triển thành muỗi trưởng thành, nó có thể sống được đến 6 tuần.
  • Trứng của muỗi Aedes có thể sống trong điều kiện khô trong hơn 1 năm và sẽ phát triển thành ấu trùng muỗi khi điều kiện môi trường ẩm ướt hơn.

Muỗi bị nhiễm virus Zika như thế nào?

Muỗi Aedes chỉ có thể đẻ trứng khi chúng đã hút máu người. Khi muỗi đã hút đủ lượng máu mà chúng cần từ người nhiễm virus Zika, bản thân muỗi cũng sẽ bị nhiễm virus. Và trong suốt phần đời còn lại của mình, muỗi có thể truyền bệnh cho bất cứ ai mà nó đốt.

Con người có thể làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình không bị nhiễm virus Zika?

1. Không có muỗi nghĩa là không có virus Zika

Cách hiệu quả nhất để bảo vệ con người khỏi virus Zika là loại bỏ các dụng cụ chứa nước mà muỗi có thể đẻ trứng ở quanh nhà, nơi làm việc và nơi sinh hoạt cộng đồng. Tất cả người dân và cộng đồng cần phải:

  • Không để các dụng cụ có thể đọng nước quanh nhà và khu vực xung quanh nơi làm việc, như thùng, chậu, lốp xe cũ, bình hoa và những dụng cụ khác.
  • Tránh tạo ra các dụng cụ có thể đọng nước để muỗi đẻ trứng. Rác nên được để trong túi nhựa kín và vứt vào trong thùng có nắp.
  • Đậy nắp các dụng cụ chứa nước trong và ngoài nhà bằng nắp đậy kín, vừa vặn.
  • Nếu các cơ quan y tế địa phương đang tiến hành các biện pháp kiểm soát vectơ trong cộng đồng, hãy để họ tiếp cận với những dụng cụ chứa nước này và cho phép họ sử dụng những sản phẩm sinh hóa được sự cho phép của WHO để diệt muỗi đẻ trứng trong đó.
  • Thường xuyên cọ rửa bên trong các thùng đựng nước và các dụng cụ chứa nước khác. Những dụng cụ chứa nước không được dùng đến nên được úp ngược xuống.

2. Bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt

  • Mặc quần áo sáng màu và có thể che phủ được nhiều phần cơ thể nhất có thể.
  • Dùng các chất đuổi muỗi có chứa DEET (diethyltoluamide) hoặc IR 3535 hoặc Icaridin. Những loại hóa chất này có thể sử dụng được lên da hoặc quần áo và nên được được dùng đúng với hướng dẫn sử dụng trên nhãn. Chưa có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ có thai nên tránh sử dụng những sản phẩm này, miễn là họ sử dụng những sản phẩm này theo đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn.
  • Sử dụng các hàng rào vật chất như đóng kín cửa sổ và cửa ra vào, hoặc sử dụng màng lưới để ngăn chặn muỗi bay vào nhà.
  • Nếu bạn nghỉ trưa, nên nằm ngủ trong màn.
  • Các bà nội trợ có thể dùng thuốc phun xịt muỗi có bán tại các cửa hàng để sử dụng trong nhà.

3. Phụ nữ mang thai nên đặc biệt chú ý để bảo vệ bản thân khỏi virus Zika

  • Phụ nữ mang thai nên đi khám thai đầy đủ để có thể nhận được đầy đủ thông tin về việc bảo vệ bản thân khỏi virus Zika.
  • Vì virus Zika có thể lây truyền qua đường tình dục, nên bạn tình của những phụ nữ mang thai vừa trở về từ vùng có lưu hành virus hoặc sống trong vùng có lưu hành virus Zika nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su hoặc kiêng không quan hệ tình dục trong suốt thai kỳ.
  • Để tránh làm tăng nguy cơ bị muỗi đốt, tốt nhất là các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng cũng nên có trách nhiệm diệt muỗi bằng cách loại bỏ tất cả các dụng cụ chứa nước mà muỗi có thể đẻ trứng và làm sạch môi trường như làm sạch cống rãnh và nơi chứa rác.
Hành động của các nhà chức trách để kiểm soát và loại bỏ muỗi Aedes

Trong những đợt bùng phát của dịch bệnh, các nhà chức trách sẽ tiến hành các biện pháp để kiểm soát và tiêu diệt muỗi như phun thuốc diệt côn trùng. Các thuốc diệt côn trùng cũng được sử dụng để tiêu diệt các ấu trùng sống trong các thùng đựng nước hoặc những nơi có nước tù đọng.

PAHO/WHO đã đưa ra khuyến cáo rằng các thuốc diệt côn trùng để diệt ấu trùng và muỗi trưởng thành là tương đối an toàn và hiệu quả cho việc sử dụng rộng rãi trong cộng đồng nếu được sử dụng đúng.

Những hoạt động của các tổ chức y tế cộng đồng để kiểm soát muỗi bao gồm những nội dung sau:

Sử dụng bình xịt phun sương

Việc sử dụng các thiết bị xịt phun sương chứa hóa chất diệt muỗi ở bên ngoài nhà được tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn khi nhiệt độ hạ thấp.

Chính quyền địa phương nên thông báo trước cho người dân về việc phun thuốc diệt muỗi để mọi người có thể để mở cửa ra vào và cửa sổ để các thuốc diệt muỗi có thể bay vào nhà.

Ngoài ra, việc sử dụng các bình xịt cầm tay trong gia đình có thể tiến hành vào bất cứ thời điểm nào trong ngày để tiêu diệt muỗi trưởng thành và thường phát huy tác dụng trong vòng 24 h.

Phun hóa chất tồn lưu trong nhà (Indoor residual spraying - IRS) để tiêu diệt muỗi Aedes

Phun hóa chất tồn lưu trong nhà là một chương trình trong đó những người làm công tác tiêu diệt các vật trung gian truyền bệnh như muỗi sẽ phun các thuốc diệt côn trùng ở bên trong nhà và nơi cư trú.

Thuốc diệt côn trùng thường có tác dụng kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng sẽ được phun trên các bề mặt nhất định và tiêu diệt các con muỗi trưởng thành khi chúng đậu trên những bề mặt đó. Các vị trí phun thông thường là bên dưới đồ đạc, trên tường, xung quanh các thùng chứa hay tại các vị trí mà muỗi có thể đậu khác.

Khi các nhân viên tiến hành phun thuốc diệt côn trùng bên trong nhà, mọi người dân cần lưu ý:

  • Các dụng cụ nhà bếp, thực phẩm, nước uống dành cho người và động vật cần được đậy kín và bảo quản ở khu vực an toàn.
  • Mọi người phải rời khỏi nơi cư trú trong thời gian phun thuốc và giữ cho cửa đóng trong vòng ít nhất 20 phút sau khi phun.

Phun thuốc diệt ấu trùng

Các loại thuốc diệt ấu trùng là những công cụ quan trọng để hạn chế sự sinh sôi của những con muỗi có thể truyền virus Zika và những virus khác. Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng tại các thành phố và thị trấn những nơi mà nguồn cung cấp nước bị hạn chế và mọi người có xu hướng tích trữ nước ngoài trời trong những thùng chứa.

Thuốc diệt ấu trùng tiêu diệt những con muỗi vẫn còn đang ở giai đoạn ấu trùng bằng cách đưa hóa chất vào các thùng chứa nước nơi mà muỗi Aedes cái đẻ trứng. Các loại thuốc diệt ấu trùng được khuyến cáo bởi PAHO/WHO khi được sử dụng đúng theo hướng dẫn kỹ thuật là tương đối an toàn khi sử dụng cho những thùng chứa nước sinh hoạt mà không làm thay đổi đáng kể màu sắc, mùi và vị của nước.

Hiện tại đã có những biện pháp mới nào có thể giúp kiểm soát và tiêu diệt loại mũi truyền virus Zika và các bệnh khác hay chưa?

Hiện nay người ta đang phát triển những biện pháp mới để chống lại sự sinh sôi của muỗi Aedes như Wolbachia (một kỹ thuật làm côn trùng vô sinh), tạo ra những con muỗi biến đổi gien, sử dụng mồi ngọt có chứa chất độc, bẫy bắt muỗi và các thuốc diệt ấu trùng tác dụng kéo dài. Nhóm tư vấn kiểm soát vector truyền bệnh của WHO (VCAG) đang xem xét các biện pháp tiêu diệt vector mới và trong thời gian ngắn sẽ đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng các biện pháp này trong tương lai nhằm tiêu diệt muỗi Aedes.

Liệu các thuốc diệt côn trùng sử dụng để kiểm soát vector truyền bệnh có an toàn cho con người và động vật hay không?

WHO đang tiến hành đánh giá các nguy cơ về việc sử dụng các thuốc diệt côn trùng và ấu trùng để kiểm soát vector truyền bệnh. Chỉ những sản phẩm được WHO khuyến cáo cho cộng đồng mới được đưa vào sử dụng và phải luôn tuân theo những khuyến cáo về liều lượng cũng như công thức.

Nếu các nhân viên y tế tiến hành phun thuốc diệt côn trùng, liệu việc đó có đủ để tiêu diệt các con muỗi truyền bệnh hay không?

Các biện pháp để kiểm soát muỗi đã được tiến hành bởi chính các tổ chức y tế công cộng là vô cùng cần thiết trong việc làm giảm nguy cơ nhiễm virus Zika và các bệnh nguy hiểm khác, việc chủ động loại bỏ các nơi đẻ trứng của muỗi cũng có tác động quan trọng đối với sự sinh sôi của vector truyền bệnh. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người – bao gồm cả chính quyền địa phương, các tổ chức y tế tư nhân và nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, gia đình và các cá nhân.

Hướng tiếp cận trong việc kiểm soát vector truyền bệnh tác động đến tất cả các giai đoạn phát triển của muỗi thông qua các hành động của mỗi cá nhân và cộng đồng để loại bỏ những nơi muỗi có thể đẻ trứng cũng như tiêu diệt muỗi trưởng thành sử dụng các bình xịt chứa thuốc diệt côn trùng. Một số quốc gia đang bị ảnh hưởng của đại dịch Zika hiện đang sử dụng các biện pháp sinh học như một phần của hướng tiếp cận này, ví dụ như thả cá vào các thùng chứa nước để tiêu diệt bọ gậy.

Liệu thuốc diệt côn trùng có thể bị kháng lại hay không? Lúc đó chúng có còn hiệu quả trong việc tiêu diệt muỗi Aedes không?

Các chuyên gia sẽ tiến hành theo dõi hiện tượng kháng thuốc diệt côn trùng định kỳ. Trong trường hợp họ phát hiện ở khu vực nào đó có hiện tượng kháng thuốc, họ sẽ có chiến lược thay đổi loại thuốc diệt côn trùng khác để chúng vẫn có hiệu quả tiêu diệt muỗi.

Nếu chúng ta tiến hành tất cả các biện pháp để tiêu diệt vector truyền bệnh, liệu có thể loại bỏ muỗi Aedes và các căn bệnh do muỗi truyền hay không?

Hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sinh sống tại các khu vực nơi mà muỗi Aedes aegypti – vật chủ trung gian truyền bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết, sốt chikungunya và sốt vàng da hiện đã được tìm thấy. Đây là loại muỗi rất dễ thích nghi với những sự thay đổi nhanh chóng theo lối sống của con người như là quá trình đô thị hóa tự phát nhanh chóng và sự tăng vọt của thương mại và du lịch.

Biện pháp hiệu quả nhất trong việc kiểm soát muỗi truyền virus Zika và các bệnh nguy hiểm khác bao gồm việc kết hợp các phương pháp tiêu diệt muỗi cơ bản kèm theo sự cam kết của các cá nhân và công đồng trong việc loại bỏ những vị trí muỗi có thể đẻ trứng. Khi các biện pháp kiểm soát muỗi mới được hoàn thiện, các quốc gia sẽ được khuyến khích áp dụng chúng trong một phạm vi nhỏ để đánh gia tác động của chúng trước khi được sử dụng rộng rãi. Trong những tình huống khẩn cấp, việc sử dụng các hóa chất diệt côn trùng một cách phù hợp luôn được khuyến cáo. 

Bình luận
Tin mới
  • 17/04/2024

    5 lí do khiến da bạn chuyển sang màu cam

    Khi làn da của bạn bỗng chuyển sang màu cam, đừng lo lắng, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 lí do khiến da bạn chuyển sang màu cam.

  • 17/04/2024

    Các sản phẩm từ sữa tốt cho sức khỏe tim mạch

    Việc bổ sung các chế phẩm từ sữa phù hợp có thể mang lại nhiều loại ích với sức khỏe tim mạch. Vậy bạn nên ăn và tránh những sản phẩm từ sữa nào?

  • 17/04/2024

    Vì sao phụ nữ độ tuổi 30 cần tăng cường ăn thực phẩm giàu kẽm?

    Độ tuổi 30 trở đi là giai đoạn cơ thể của người phụ nữ bắt đầu bước vào quá trình lão hóa, vì thế cần bổ sung những loại vitamin, khoáng chất. Kẽm ít được nhắc đến hơn nhưng lại là dưỡng chất có vai trò thiết yếu đối với sức khoẻ phụ nữ.

  • 17/04/2024

    Tiểu không tự chủ - những điều cần biết

    Tiểu không tự chủ là một tình trạng rất phổ biến mà không ai muốn nói đến. Vì sự kỳ thị xung quanh nó, nhiều người quá xấu hổ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng hầu hết các bệnh lý gây ra tiểu không tự chủ đều có thể được khắc phục bằng các biện pháp can thiệp y tế.

  • 17/04/2024

    Chỉ số huyết áp cho biết những gì về sức khỏe của bạn?

    Bạn có thắc mắc tại sao mỗi khi đi khám sức khỏe định kỳ, các bác sĩ đều tiến hành đo huyết áp cho bạn? Có lẽ ai cũng biết mình nên giữ huyết áp trong ngưỡng ổn định, nhưng bạn có biết chỉ số này nói lên điều gì về sức khỏe tổng thể của mình?

  • 17/04/2024

    Tác động tiêu cực của quần áo chật đối với phụ nữ mang thai

    Mang thai có thể khiến cơ thể thay đổi hình dáng và cân nặng rất nhiều. Đôi khi quần áo chật đến mức khó chịu và hằn lên các phần cơ thể.

  • 16/04/2024

    Chứng thấp lùn

    Chứng thấp lùn là tình trạng bệnh đặc trưng bởi vóc dáng nhỏ bé do nhiều yếu tố như di truyền hoặc bệnh lý gây ra. Với các triệu chứng đặc trưng rất dễ nhận biết, tình trạng này gây ra rất nhiều khó khăn trong suốt toàn bộ quá trình phát triển.

  • 16/04/2024

    Thiếu ngủ có thể làm tăng huyết áp

    Một nghiên cứu cho thấy ngủ ít hơn thời gian khuyến nghị mỗi đêm có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp.

Xem thêm