Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những liệu pháp 'chữa' đồng tính ở thế kỷ 19

Các nhà khoa học thế kỷ 19 dùng cách thôi miên, liệu pháp sốc điện gây ác cảm... để "chữa" cho người đồng tính.

Đồng tính, đặc biệt là mối quan hệ giữa nam giới, bị coi là lệch lạc, tội lỗi và thậm chí tội phạm, trong nhiều thế kỷ. Vào cuối thế kỷ 19, các nhà tâm thần và bác sĩ tìm kiếm cách giải quyết vấn đề đồng tính luyến ái. Họ gắn cho "sự ham muốn đồng tính" bằng các thuật ngữ y tế, coi nó như một vấn đề y khoa và tìm cách đảo ngược nó.

Năm 1899, tại một hội nghị về thôi miên, bác sĩ tâm thần người Đức Albert von Schrenck-Notzing gây sốc cho khán giả với tuyên bố táo bạo, rằng ông đã biến một người đồng tính nam thành dị tính như người bình thường. Ông chia sẻ đầy tự hào rằng "tất cả chỉ mất 45 buổi thôi miên và một vài chuyến đi đến nhà thờ". Thông qua thôi miên, ông kiểm soát và thao túng những xung năng tính dục của người đàn ông, chuyển mối quan tâm của họ với đàn ông sang ham muốn lâu dài đối với phụ nữ.

Bác sĩ tâm thần người Đức Albert von Schrenck-Notzing.

Bác sĩ tâm thần người Đức Albert von Schrenck-Notzing.

 

Một trong những liệu pháp chữa trị bị tranh cãi nhiều nhất là "liệu pháp gây ác cảm" đã được sử dụng với những người đồng tính từ trước đấy. Liệu pháp này được xây dựng với tiền đề nếu người đồng tính trở nên ghê tởm sự đồng tính luyến ái thì sẽ không còn ham muốn tình dục đồng giới nữa. Dưới sự giám sát y tế, người đồng tính được cho uống những loại hóa chất khiến họ nôn mửa khi nhìn vào ảnh người yêu đồng giới của mình. Những người khác thì có thể bị giật điện trong khi họ xem phim khiêu dâm đồng tính hoặc nhìn ảnh người nam giả gái.

Liệu pháp gây ác cảm để chữa bệnh đồng tính luyến ái từng là một chủ đề nghiên cứu nổi bật tại nhiều trường đại học. Năm 1967, nghiên cứu thực hiện trên một nhóm 43 người đồng tính nam được công bố trên tạp chí Y học Anh. Các nhà nghiên cứu M.J. MacCulloch và M.P. Feldman sử dụng liệu pháp gây ác cảm tại Bệnh viện Manchester, Crumpsall.

Các tình nguyện viên trong thí nghiệm được cho xem hình ảnh của những người đàn ông. Họ được yêu cầu tiếp tục xem cho đến khi thấy người đàn ông trong ảnh hấp dẫn. Tuy nhiên, sau 8 giây hình ảnh được hiển thị, người tham gia thử nghiệm bị cho điện giật. Khi đến hình ảnh phụ nữ được hiển thị, các tình nguyện viên có thể nhìn ảnh mà không có bất kỳ hình phạt điện giật nào.

Thí nghiệm này mang lại một số thành công trong việc chữa đồng tính cho tình nguyện viên. Năm 1994, Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho rằng liệu pháp gây ác cảm là nguy hiểm và không đem lại hiệu quả.

Một bệnh nhân đang trải qua liệu pháp sốc điện vào khoảng những năm 1950.

Một bệnh nhân đang trải qua liệu pháp sốc điện vào những năm 1950.

 

Một số người đồng tính được điều trị bằng liệu pháp sốc điện, trong khi một số khác phải chịu các kỹ thuật cực đoan hơn như phương pháp lobotomy - phẫu thuật mở não. Về cơ bản, khi phẫu thuật lobotomy, bác sĩ khoan một lỗ nhỏ trong hộp sọ của người bệnh, tạo vết rạch vào thùy não rồi cắt đứt dây thần kinh não kết nối khu vực điều khiển suy nghĩ với các vùng khác của não.

Phương pháp điều trị khác là cú sốc được kiểm soát thông qua các điện cực cấy trực tiếp vào não. Robert Galbraith Heath, một bác sĩ tâm thần ở New Orleans, người tiên phong trong kỹ thuật này, sử dụng hình thức kích thích não bộ thử nghiệm với gái mại dâm và phim khiêu dâm dị tính (phim khiêu dâm giữa nam và nữ), để thay đổi xu hướng tình dục của những người đồng tính nam.

Ngày nay những phương pháp này vẫn bị chỉ trích nặng nề vì tính phi đạo đức trong mục đích lẫn cách thức thực hiện.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những vấn đề sức khỏe của quan hệ đồng tính nam - Phần 1, Những vấn đề sức khỏe của quan hệ đồng tính nam - Phần 2

 

Nguyễn Phương - Theo Vnexpress/History
Bình luận
Tin mới
Xem thêm