Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về xơ phổi

Xơ phổi là một bệnh lí gây sẹo và cứng phổi, dẫn đến khó thở. Nó có thể ngăn chặn cơ thể lấy đủ oxy và cuối cùng có thể gây suy hô hấp, suy tim hoặc các biến chứng khác.

Những điều cần biết về xơ phổi

Các bệnh tự miễn, phơi nhiễm với một số chất hóa học hoặc yếu tố gen có thể làm tăng nguy cơ bị xơ phổi. Nhưng trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác của xơ phổi không được biết đến.

Triệu chứng

Bạn có thể bị xơ phổi mà không có bất kì triệu chứng nào. Khó thở thường là triệu chứng xuất hiện đầu tiên. Những triệu chứng khác bao gồm:

  • Ho khan, ho kéo dài
  • Yếu
  • Mệt mỏi
  • Ngón tay dùi trống
  • Sụt cân
  • Nhịp tim nhanh

Do bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, những triệu chứng sớm thường liên quan đến tuổi tác và thiếu luyện tập. Những triệu chứng ban đầu có thể nhẹ và tiến triển theo thời gian nhưng chúng có thể thay đổi tùy từng người. Một số người bị xơ phổi diễn biến rất nhanh chóng.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân gây ra xơ phổi có thể chia thành 4 nhóm:

  • Bệnh tự miễn
  • Phơi nhiễm với hóa chất
  • Không rõ nguyên nhân
  • Do gen

Bệnh tự miễn

Những bệnh tự miễn có thể gây ra xơ phổi bao gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp
  • Lupus
  • Xơ cứng bì
  • Hội chứng Churg-Strauss
  • Viêm đa cơ
  • Viêm da cơ
  • Viêm mạch

Phơi nhiễm với hóa chất

Phơi nhiễm với hóa chất cũng có thể gây nên xơ phổi. Ví dụ, khói thuốc lá có nhiều chất hóa học có thể làm tổn thương phổi của bạn và dẫn đến vấn đề này. Những yếu tố khác có thể gây tổn thương phổi của bạn, bao gồm:

  • Sợi amiang
  • Bụi
  • Bụi silic
  • Một số loại khí
  • Tia phóng xạ

Một số thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ bị xơ phổi. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi uống những thuốc có thể gây tổn thương phổi như:

  • Thuốc tim, ví dụ như amidaron và propanolol
  • Hóa trị, như cyclophosphamid
  • Kháng sinh, ví dụ như nitrofurantoin và sulfasalazin

Không rõ nguyên nhân

Nhiều trường hợp bị xơ phổi không rõ nguyên nhân. Khi đó, bệnh được gọi là xơ phổi tự phát. Theo Viện nghiên cứu về tim, phổi và máu Hoa Kỳ, hầu hết những người bị xơ phổi là tự phát.

Gen

Theo Hiệp hội xơ phổi Hoa Kỳ, khoảng 10-15% những người bị xơ phổi tự phát có thành viên khác trong gia đình cũng bị xơ phổi. Trong những trường hợp này, bệnh còn được biết đến với tên gọi xơ phổi có tính gia đình. Các nhà nghiên cứu chỉ ra một số gen liên quan tới bệnh nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá vai trò của gen trong bệnh lí này.

Yếu tố nguy cơ

 Bạn sẽ có nhiều khả năng được chẩn đoán ung thư phổi hơn nếu bạn:

  • Là nam giới
  • Nằm trong độ tuổi từ 40-70
  • Có tiền sử hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình bị xơ phổi
  • Có rối loạn miễn dịch liên quan đến bệnh
  • Uống một số thuốc liên quan đến bệnh
  • Điều trị ung thư, đặc biệt là xạ trị ở ngực
  • Nghề nghiệp làm tăng nguy cơ mắc bệnh như khai thác mỏ, nông dân hoặc xây dựng

Chẩn đoán

Xơ phổi là một trong hơn 200 loại bệnh về phổi. Bởi có rất nhiều bệnh phổi khác nhau tồn tại nên bác sĩ có thể khó khăn trong việc chẩn đoán xác định xơ phổi tự phát là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn. Trong một cuộc khảo sát của Hiệp hội xơ phổi Hoa Kỳ cho thấy có 55% số người được hỏi cho biết họ bị chẩn đoán nhầm ở một số điểm. Những chẩn đoán nhầm thường gặp nhất là bệnh hen suyễn, viêm phổi và viêm phế quản.

Cách để chẩn đoán chính xác nhất xơ phổi là sinh thiết mô phổi qua nội soi phế quản. Nếu bác sĩ cần mẫu bệnh phẩm lớn hơn, họ có thể tiến hành phẫu thuật để sinh thiết. Bệnh phẩm sẽ được soi dưới kính hiển vi và tìm dấu hiệu của xơ phổi cũng như xác định mức độ tiến triển của bệnh.

Bác sĩ cũng có thể cần những công cụ chẩn đoán khác để chẩn đoán xơ phổi và loại trừ các bệnh lí khác:

  • Chẩn đoán hình ảnh, ví dụ như chụp Xquang, cắt lớp vi tính ngực, siêu âm tim
  • Xét nghiệm máu để xác định nồng độ oxy trong máu
  • Xét nghiệm đờm để tìm những dấu hiệu của nhiếm khuẩn
  • Đo chức năng thông khí phổi
  • Test gắng sức để đánh giá đáp ứng của phổi với hoạt động thể chất

Điều trị

Không thể chữa khỏi xơ phổi. Bác sĩ của bạn không thể đảo ngược những sẹo đã tồn tại ở nhu mô phổi, nhưng bác sĩ có thể điều trị để cải thiện khả năng hô hấp của bạn và làm chậm tiến triển của bệnh.

Ví dụ, bác sĩ có thể kê một hay nhiều loại thuốc dưới đây:

  • Prednisone để giảm đáp ứng của hệ miễn dịch và giảm viêm
  • Methotrexat hoặc cyclosporin để giảm đáp ứng miễn dịch
  • N-acetylcystein là một chất chống oxy hóa được chỉ định cùng với các thuốc khác để làm chậm tiến triển của bệnh
  • Pirfenidon là một loại khác sinh để làm giảm viêm và sẹo ở phổi

Bác sĩ cũng có thể sử dụng liệu pháp oxy để hỗ trợ hô hấp và giúp bạn dễ ngủ hơn. Họ sẽ cho bạn thở oxy qua mặt nạ hoặc qua gọng mũi.

Bác sĩ cũng đưa ra các chương trình giúp bạn phục hồi chức năng phổi, bao gồm tập luyện, giáo dục và học cách để thở dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống như:

  • Bạn nên tránh hút thuốc lá thụ động và bỏ thuốc lá. Nó sẽ làm giảm quá trình tiến triển của bệnh và giúp bạn dễ thở hơn.
  • Chế độ ăn lành mạnh. Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn ăn một số loại thực phẩm để duy trì cân nặng lí tưởng.
  • Có kế hoạch tập luyện theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Luyện tập có thể giúp bạn cải thiện chức năng của phổi, củng cố sức mạnh của tim và tăng cường cơ bắp để duy trì mức năng lượng của bạn.
  • Nghỉ ngơi hợp lí và tránh căng thẳng có thể giúp bạn cải thiện hô hấp.

Những người trẻ mà không đáp ứng với những giải pháp điều trị khác có thể cần cấy ghép phổi.

Tiên lượng

Tỉ lệ mô phổi bị xơ là khác nhau ở mỗi người. Xơ và sẹo là không thể đảo ngược nhưng điều trị có thể làm giảm tiến triển của bệnh.

Nhiều người bị xơ phổi chỉ sống được từ 3-5 năm sau khi được chẩn đoán, theo báo cáo của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm suy hô hấp. Nó xảy ra khi phổi không còn làm việc hiệu quả và không thể cung cấp đủ oxy vào máu.

Xơ phổi cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Phòng bệnh

  • Một số trường hợp xơ phổi có thể không phòng ngừa được. Một số khác có liên quan đến các yếu tố môi trường và các hành vi nguy cơ có thể kiểm soát được. Một số mẹo mà bạn có thể áp dụng để làm giảm nguy cơ mắc bệnh:
  • Tránh hút thuốc
  • Tránh hút thuốc thụ động
  • Đeo mặt nạ hoặc các thiết bị hỗ trợ thở khác nếu làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại

Nếu bạn thấy khó thở, hãy đến khám bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể cải thiện  nhiều bệnh lí về phổi, ví dụ như xơ phổi. Tuy bệnh không thể chữa khỏi nhưng điều trị có thể làm giảm tiến triển của bệnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phổi của người hút thuốc bị tổn hại như thế nào?

Bs.Thanh Thanh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm