Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguyên tắc vàng cho người nội trợ

Nắm được những quy tắc vàng trong nội trợ và cách áp dụng nó trong cuộc sống hàng ngày sẽ giúp đảm bảo sức khoẻ và tránh được tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm cấp tính như thương hàn hay kéo dài như mắc giun, sán, lỵ a-míp…

Nguyên tắc vàng cho người nội trợ

Lựa chọn thực phẩm an toàn và bảo quản hợp lý

Nhiều người nội trợ rất băn khoăn vì không biết thịt cá mình mua liệu có chất bảo quản, hormon tăng trưởng, kháng sinh không? Rau, hoa quả có tồn dư chất bảo vệ thực vật, hoá chất tăng trưởng, ô nhiễm vi sinh vật hay không? Để trả lời câu hỏi không hề dễ vì nó liên quan rất nhiều tới quy trình sản xuất mà người tiêu dùng không kiểm soát được.

Nguyên tắc vàng cho người nội trợ

Để phần nào an tâm hơn, người tiêu dùng có thể tới mua thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Điều này đặc biệt quan trọng ở các bếp ăn tập thể tại cơ quan, xí nghiệp, trường học. Mua cá, hải sản, thịt tươi sống, hoặc đang được cất giữ trong tủ lạnh sẽ an toàn hơn. Những thực phẩm được bảo quản bằng muối, hun khói, sấy khô như cá và tôm khô, thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng dù ít khi bị hỏng hơn, nhưng cũng không tốt cho sức khoẻ khi ăn nhiều vì có lượng muối cao hoặc có thể có các chất bảo quản. Không mua hoặc sử dụng thịt, cá, hải sản đã bị ôi thiu; gạo, lạc, đậu đỗ đã bị mốc; khoai tây đã mọc mầm; những thực phẩm có chất độc nội sinh như cá nóc và nấm độc. Cần bảo vệ thực phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhưng tránh được chuột bọ vì đây là nguồn bệnh nguy hiểm.

Tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín

Khi đi chợ, người tiêu dùng thường mua thức ăn sống (ví dụ, thịt cá tôm, rau, củ sống...) và chín (ví dụ bánh cuốn, xôi, thịt quay...) cùng lúc. Thức ăn nấu chín an toàn có thể bị nhiễm bẩn ngay khi tiếp xúc với thức ăn sống. Nếu có ý thức về sự lây nhiễm này, khi mua cần để riêng thực phẩm sống và chín như treo ở hai bên ghi đông xe đạp, móc xe máy hoặc giỏ mua hàng. Khi mua hàng ở siêu thị, để tách thực phẩm sống và chín ở các bên khác nhau của xe hoặc giỏ hàng. Nên bọc thêm một lần túi nilon cho cá và thịt sống. Tới quầy thu ngân, xếp đồ chín trước, sau đó tới thực phẩm chế biến sẵn đóng gói (ví dụ sữa hộp, sữa chua, bánh qui…), quả, rau, và cuối cùng là thịt, cá. Không quên nhắc nhân viên quầy thu ngân xếp riêng đồ sống và chín. Tách riêng thực phẩm sống và chín trong suốt quá trình từ khi mua tới khi về nhà, bảo quản ở nhà, trong tủ lạnh, chế biến thức ăn, dọn mâm cơm và sử dụng. Dùng chung dao thớt, thìa, đũa khi chế biến thực phẩm chín và sống cũng là nguy cơ gây lây nhiễm vi sinh vật từ thực phẩm bẩn sang thực phẩm sạch.

Nguyên tắc vàng cho người nội trợ

Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh lây nhiễm vi sinh vật từ thực phẩm sống sang chín.

Khi nấu thức ăn

Nấu chín thực phẩm: Nhiều thực phẩm sống như thịt gia cầm, trứng, rau, quả có thể bị nhiễm các sinh vật gây bệnh. Nấu chín thức ăn sẽ giết chết các mầm bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý là những miếng thịt lớn có thể cần nhiều thời gian để chín hơn. Nên nấu bắt đầu từ nước lạnh và lửa nhỏ trong những trường hợp này để đảm bảo nhiệt được truyền đều vào phía trong của miếng thịt. Không quên kiểm tra bên trong miếng thịt (ví dụ dùng dao cắt, đũa hoặc kim châm vào miếng thịt. Nếu vẫn còn dịch đỏ chảy ra là chưa chín kỹ và cần phải nấu tiếp). Thịt đông lạnh cần phải được rã đông trước khi nấu để đảm bảo thịt được chín kỹ cả bên trong. Ăn thức ăn sống như tiết canh, gỏi cá, thịt nấu tái cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm giun sán.

Nguyên tắc vàng cho người nội trợ

Thực phẩm không ăn ngay nên được đậy lồng bàn tránh ruồi, nhặng.

Giữ gìn vệ sinh dụng cụ, khu vực nấu: Người chế biến thực phẩm cũng có thể là một nguồn lây nhiễm quan trọng. Nhân viên làm việc tại các cơ sở chế biến thực phẩm, nhà hàng, bếp ăn tập thể… cần phải được tập huấn và có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra định kỳ sức khoẻ, điều trị triệt để những người mang mầm bệnh (đặc biệt là thương hàn) và mụn nhọt, băng kỹ vết cắt, vết thương trên da trước khi chế biến thực phẩm. Cần rửa tay bằng nước sạch và xà phòng thật kỹ trước khi bắt đầu chuẩn bị thức ăn, đặc biệt sau khi sử dụng nhà vệ sinh, thay tã, bỉm cho trẻ, chạm vào vật nuôi, rác… Sau khi chuẩn bị thức ăn sống như cá, thịt hoặc gia cầm, hãy rửa lại trước khi bắt đầu chế biến các loại thực phẩm khác. Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm nên bất kỳ bề mặt và dụng cụ sử dụng để chế biến thực phẩm phải được giữ sạch sẽ. Tủ lạnh cũng cần được vệ sinh thường xuyên vì đây cũng là nguồn gây nhiễm vi sinh vật từ thực phẩm sống sang chín.

Ăn ngay sau khi nấu

Cần tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cho tất cả các thành viên trong gia đình. Thực phẩm sau khi nấu cần được ăn ngay, đặc biệt là thực phẩm cho trẻ nhỏ. Ăn ngay sau khi nấu không chỉ có cảm giác ngon miệng hơn mà còn làm giảm nguy cơ vi sinh vật phát triển lại và gây bệnh. Cần che đậy thức ăn cẩn thận để tránh ruồi, rán, kiến, chuột… vì những con vật này mang rất nhiều mầm bệnh và làm ô nhiễm thức ăn. Khi thức ăn nấu chín để ở nhiệt độ phòng (20oC) khoảng 1-2 giờ, vi khuẩn bắt đầu tăng lên rất nhanh và có thể gây bệnh. Trong điều kiện nóng ẩm ở nước ta, thời gian nhân lên của vi khuẩn còn ngắn hơn. Thông thường, các loại canh thịt, cá dễ bị hỏng nhất. Trong những trường hợp thức ăn có mùi ôi thiu hoặc chuyển màu, người sử dụng có thể biết và đổ đi. Tuy nhiên cũng rất nhiều trường hợp thức ăn trông vẫn bình thường, nhưng đã nhiễm một lượng lớn vi khuẩn hoặc độc tố và có thể gây bệnh, đặc biệt khi nhiễm độc độc tố tụ cầu.

Nguyên tắc vàng cho người nội trợ

Nên ăn ngay sau khi nấu.

Trong trường hợp không ăn ngay hoặc thức ăn thừa, cần đậy lồng bàn cho đến khi nguội bằng nhiệt độ phòng, sau đó cho vào tủ lạnh. Khi cất giữ thức ăn, vẫn cần tuân thủ nguyên tắc tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thực phẩm nấu chín. Trước khi ăn, cần hâm nóng nấu chín lại thực phẩm. Hiện nay lò vi sóng đã có ở nhiều gia đình giúp việc hâm nóng thức ăn được thuận lợi hơn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bệnh từ thực phẩm: Nguyên nhân và cách phòng tránh

TS. BS. Nguyễn Thanh Tuấn - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm