Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguyên nhân gây đau vùng chậu - Phần 1

Nếu bạn bị đau ở phần dưới rốn và phía trên của hai chân, đó chính là đau vùng chậu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các cơn đau vùng chậu và bạn nên tìm đến bác sỹ kịp thời.

Cơn đau vùng chậu khiến bạn khó chịu, hoang mang và đôi khi ngay cả các bác sỹ cũng khó chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Đó có thể là một dấu hiệu báo hiệu bạn bị thừa cân, có các rối loạn tiêu hóa hoặc là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm và cần phải đến gặp bác sỹ ngay, chẳng hạn như viêm ruột thừa.

Viêm ruột thừa

Nếu bạn bị đau nhói ở phần phía dưới, bên phải của bụng, đi kèm với nôn mửa, sốt, đó có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa.

Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đi cấp cứu ngay. Ruột thừa bị viêm, nhiễm trùng có thể sẽ cần phải phẫu thuật. Nếu ruột thừa bị vỡ, tình trạng nhiễm trùng sẽ lan đến các phần khác bên trong cơ thể và gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác, thậm chí là tử vong.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Bạn bị đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên? Hãy trao đổi với bác sỹ để tìm ra nguyên nhân. Đó có thể là do hội chứng ruột kích thích. Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích hiện nay chưa rõ. Những thay đổi về bữa ăn, kiểm soát stress và dùng thuốc có thể sẽ có ích trong việc hạn chế cơn đau.

Đau bụng trước khi có kinh

Bạn đã bao giờ bị đau giữa hai kỳ kinh chưa? Bạn có thể sẽ cảm nhận được cơ thể đang rụng trứng. Khi đó, cơ thể sẽ giải phóng trứng cùng với dịch và máu. Tình trạng này có thể sẽ gây kích thích. Mức độ đau có thể thay đổi giữa các tháng nhưng những cơn đau dạng này thường không nguy hiểm và sẽ biến mất sau vài giờ.

Đau bụng kinh

Bạn có thể sẽ cảm thấy cơn đau ở vùng bụng dưới hoặc lưng. Cơn đau kiểu này sẽ kéo dài trong khoảng 1-3 ngày. Tại sao lại đau?

Mỗi tháng, tử cung sẽ hình thành một lớp niêm mạc mô. Đó sẽ là nơi bào thai sẽ làm tổ và phát triển. Nếu bạn không mang thai, lớp niêm mạng này sẽ bong ra và rụng trong suốt những ngày bạn có kinh. Khi tử cung co thắt để đẩy lớp niêm mạc này ra, bạn sẽ bị đau bụng kinh. Chườm ấm và uống thuốc giảm đau có thể làm giảm các cơn đau này. Luyện tập và thư giãn cũng có thể có ích.

Bạn cũng có thể nói với bác sỹ về cơn đau bụng kinh này. Một số loại thuốc tránh thai và thuốc giảm co thắt có thể giúp bạn giảm đau.

Chửa ngoài tử cung

Việc này xảy ra khi bào thai sẽ làm tổ ở một ví trí khác, bên ngoài tử cung và bắt đầu phát triển. Và vị trí này thường sẽ là ở ống dẫn trứng. Những cơn đau nhói vùng chậu hoặc đau rút ở một bên, chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt là các triệu chứng của chửa ngoài tử cung. Đây là một tình trạng cấp cứu có thể đe dọa đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Đau vùng chậu là một dấu hiệu của một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hai bệnh phổ biến nhất là chlamydia và lậu và có thể cùng lúc mắc cả 2 bệnh này.

Hai bệnh này thường sẽ không gây ra các triệu chứng nhưng khi triệu chứng xuất hiện, bạn có thể sẽ thấy đau khi đi tiểu, chảy máu giữa 2 chu kỳ kinh và tiết dịch bất thường ở âm đạo. Hãy đến khám bác sỹ và đưa cả bạn tình đi khám, kiểm tra và điều trị cả hai để bạn không bị nhiễm trùng trở lại.

Bệnh viêm vùng chậu

Đây là một biến chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nữ giới. Viêm vùng chậu có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho tử cung, buồng trứng, và ống dẫn trứng.

Đau bụng, sốt, tiết dịch âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục hoặc khi tiểu tiện có thể là các dấu hiệu. Điều trị ngay để tránh các tổn thương. Tình trạng viêm này thường được điều trị bằng kháng sinh. Trong những trường hợp nặng hơn, bạn sẽ cần phải nhập viện, khám và điều trị cho cả bạn tình của bạn nữa.

Đón đọc tiếp phần 2 tại website: vienyhocungdung.vn

Thông tin thêm tham khảo tại bài viết: 5 dấu hiệu cảnh báo ruột thừa có thể vỡ

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ WebMD
Bình luận
Tin mới
Xem thêm