Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguy cơ tăng đường máu từ thuốc điều trị

Thường khi mắc bệnh như cảm cúm, viêm khớp, đau bụng... các bệnh nhân đái tháo đường hay thấy đường máu tăng lên. Tuy nhiên rất ít người biết rằng nguyên nhân là do các thuốc dùng để điều trị bệnh đó cũng góp phần làm đường máu tăng hơn nữa, thậm chí tăng rất cao và đòi hỏi phải điều trị can thiệp tích cực.

Các thuốc có tác dụng nội tiết 

Bản chất các thuốc này là những nội tiết tố được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhìn chung, hầu hết các nội tiết tố đều có khả năng gây tăng ĐM do thúc đẩy tăng tổng hợp thêm nhiều đường glucose mới hoặc do làm giảm tác dụng của insulin ở các mô.

Glucocorticoid, một nội tiết tố của tuyến thượng thận, được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị viêm khớp, hen phế quản, dị ứng... Các loại thuốc glucocorticoid thường dùng là prednisolon, methylprednisolon, dexamethasone... Dù được sử dụng theo đường uống, hay tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm tại khớp... thì thuốc này đều có thể làm tăng đường máu, thậm chí gây tăng đường máu nặng.

Ngay một số người không mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nếu phải điều trị glucocorticoid dài ngày cũng có thể mắc bệnh. Nguyên nhân là do glucocorticoid không những làm tăng tổng hợp glucose mà còn làm tăng đề kháng insulin (làm giảm tác dụng của insulin).

Nội tiết tố tuyến giáp (L-T4) với các biệt dược như levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin... Thuốc này thường được dùng để điều trị cho những người bị suy tuyến giáp trạng, mà một số bệnh nhân suy tuyến giáp lại có kèm theo bệnh ĐTĐ.

Tuy nhiên tăng đường máu chỉ xảy ra khi bệnh nhân đó được điều trị L-thyroxin liều cao, còn với các bệnh nhân điều trị liều thấp hoặc trung bình và ở trong tình trạng bình giáp thì rất hiếm khi có tăng đường máu.

Cơ chế gây tăng đường máu của nội tiết tố tuyến giáp chưa được biết rõ nhưng một phần là do thuốc làm tăng đề kháng dẫn đến làm giảm tác dụng của insulin.

Thuốc tránh thai đường uống có bản chất là các steroid (estrogen, progesterone) có khả năng gây tăng đường máu do cũng làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Nguy cơ làm tăng đường máu của thuốc gia tăng ở các phụ nữ bị thừa cân hoặc béo phì hoặc có tiền sử bị ĐTĐ thai kỳ.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh là các thuốc tránh thai đường uống, cũng giống như 2 loại thuốc nêu trên, không phải là chống chỉ định cho các BN ĐTĐ.

Các thuốc khác làm tăng đường máu

Ngoài các thuốc có tác dụng nội tiết nêu trên thì còn rất nhiều thuốc được sử dụng điều trị nhiều loại bệnh khác cũng có thể làm tăng đường máu. Trong danh sách này, nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp là phổ biến nhất.

Các thuốc lợi tiểu như furosemide, bumetanide, acetazolamide, indapamide đặc biệt là thiazide điều trị tăng huyết áp, suy tim. Thuốc có thể gây tăng đường máu do trực tiếp làm giảm tiết insulin ở tụy và làm tăng đề kháng với insulin.

Cơ chế gián tiếp là hầu hết các thuốc lợi tiểu này đều gây thải nhiều kali, làm hạ kali máu vì vậy cũng có ảnh hưởng đến quá trình tiết insulin ở tụy (vốn cần đủ kali máu).

Diazoxide: Đây cũng là một loại thuốc lợi tiểu có tác dụng hạ huyết áp mạnh và cũng gây tăng ĐM mạnh. Khả năng gây tăng ĐM của diazoxide mạnh đến mức nó được chọn làm tác nhân gây bệnh ĐTĐ cho động vật thí nghiệm. Cơ chế là diazoxide ức chế sản xuất insulin ở tụy.

Các thuốc chẹn beta giao cảm điều trị THA, suy tim, nhịp tim nhanh... Các thuốc này có thể gây tăng đường máu nhẹ do vừa làm tăng sản xuất thêm đường glucose mới vừa làm giảm sản xuất insulin ở tụy.

Phenytoin, một loại thuốc điều trị biến chứng thần kinh của bệnh ĐTĐ (làm giảm đau), có thể gây tăng đường máu nhiều do ức chế giải phóng insulin từ tụy. Phenobarbital sodium là một loại thuốc an thần gây ngủ lại chỉ có thể gây tăng đường máu gián tiếp ở những BN ĐTĐ được điều trị bằng các thuốc sulphonylurea.

Nguyên nhân là phenobarbital làm tăng chuyển hoá sulphonylurea qua gan, làm tăng thải trừ sulphonylurea ra khỏi cơ thể, do đó làm giảm tác dụng hạ đường máu của các thuốc này. Nicotinic acid, một loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu ở các BN ĐTĐ cũng có thể gây tăng đường máu nhẹ. Cơ chế còn chưa được biết rõ nhưng người ta giả thiết là nicotinic acid gây đề kháng insulin, do vậy làm giảm tác dụng của insulin.

Cyclophosphamide - thuốc ức chế miễn dịch, điều trị bệnh khớp, ung thư... và các thuốc chống viêm giảm đau không phải là steroid (AINS) điều trị bệnh viêm khớp, nicotin có trong khói thuốc lá, caffein trong cà phê... qua các nghiên cứu đều có thể làm tăng đường máu nhưng rất ít và hiếm khi gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên các BN ĐTĐ đều được khuyến cáo không nên lạm dụng các thuốc này nhất là các thuốc chống viêm giảm đau (AINS), đồng thời cũng nên bỏ thuốc lá và hạn chế uống cà phê.

Khá ngạc nhiên là thuốc dầu cá có chứa acid béo marine (omega -3 fatty acid) đôi khi được dùng để điều trị tăng triglyceride máu ở BN ĐTĐ lại cũng có thể làm tăng đường máu tuy không nhiều. Nó chỉ có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát đường máu khi dùng với liều cao mà thôi.

Các loại thuốc dưới dạng sirô, gói bột có chứa đường, thường là các thuốc giảm ho hoặc thuốc điều trị cảm cúm. Trong nhóm này có rất nhiều loại thuốc, trong thành phần của thuốc có chứa đường để tạo vị ngọt và mùi thơm nhằm giúp người bệnh dễ uống thuốc.

Ngoài ra còn một số thuốc khác như các thuốc chẹn kênh canxi điều trị THA (nifedipin, amlodipin, lacidipin) có khả năng gây tăng đường máu rất nhẹ. Khi BN ĐTĐ bị ốm cần dùng thêm thuốc mới, tuy không thể luôn chọn được loại thuốc không gây ảnh hưởng đến đường máu nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khống chế được tác dụng không mong muốn này. Muốn vậy, các BN ĐTĐ phải có kiến thức về bệnh ĐTĐ và giữ liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa ĐTĐ để hỏi ý kiến khi cần.

ThS. Nguyễn Quang Bảy - Theo Thiếu máu
Bình luận
Tin mới
Xem thêm