Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cứu người từ 'rác thải y tế'

Thuật ngữ 'ghép tế bào gốc' đã dần trở nên quen thuộc trong việc điều trị những ca bệnh hiểm nghèo: ung thư máu, tan máu bẩm sinh...

Và thành công của kỹ thuật này đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, cụm từ 'ngân hàng máu dây rốn cộng đồng' thường xuyên được nhắc đến. Bởi vì, ở ngân hàng này, người ta không bao giờ lo bị mất cắp, những thứ tồn tại nơi đây được coi như thứ tài sản vô giá - mang lại niềm hy vọng, sự sống cho nhiều người, thay đổi số phận của chính họ…

Cứu người từ 'rác thải y tế'

Dây rốn sau khi người mẹ sinh em bé xong sẽ được xổ ra và bỏ đi đồng thời được coi là một loại rác thải y tế. Thế nhưng, loại 'rác' này lại là phương thuốc kỳ diệu mang đến sự hồi sinh cho rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh về máu ác tính.

Anh Nguyễn Hoàng Hải (27 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) được chẩn đoán ung thư máu sau một đợt sốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Tin dữ khiến cho Hải hoàn toàn tuyệt vọng, bởi lúc này anh mới 25 tuổi, lại đang là trụ cột gia đình, bố mất sớm, em gái tuổi nhỏ. Hải tìm đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và được phát hiện ung thư máu.

Sau 3 tháng điều trị hóa chất, một tia hi vọng mới đã mở ra khi Hải được các bác sĩ chỉ định ghép tế bào gốc từ ngân hàng lưu máu dây rốn (MDR)cộng đồng không cùng huyết thống. Niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa với Hải và gia đình, 1 năm sau ghép, Hải đã trở lại là cậu thanh niên hoạt bát, vui vẻ...

Không chỉ Hải mà rất nhiều bệnh nhân khác tưởng chừng tuyệt vọng vì căn bệnh ung thư quái ác đã được hồi sinh nhờ 'ngân hàng máu dây rốn cộng đồng'.

Kỹ thuật viên xử lý khối tế bào gốc máu dây rốn trong vô khuẩn.

Chia sẻ về mục đích của việc thành lập ngân hàng MDR cộng đồng, TS.BS. Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng, Viện Huyết học và Truyền máu TW cho biết, một người bị mắc bệnh ung thư về máu cũng có nghĩa là các tế bào gốc tạo máu không còn làm được chức năng tạo máu, bảo vệ cơ thể, vì thế, để điều trị một số bệnh ung thư, phải bắt buộc tìm tế bào gốc từ người khác.

Hiện tại ở Việt Nam, nguồn tế bào gốc chủ yếu lấy từ anh chị em ruột, tuy nhiên, trong nhóm này chỉ khoảng  25% phù hợp về chỉ số ghép, với những gia đình có đông anh em thì khoảng 30%. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 70-75% người bệnh sẽ không được tiếp cận với liệu pháp tế bào gốc.

Trên thế giới, họ có nguồn tế bào gốc từ người hiến cộng đồng và từ ngân hàng máu dây rốn. Tuy nhiên, chúng ta chưa xây dựng được nguồn tế bào gốc từ người hiến vì chi phí cao. Vì thế, Viện Huyết học và Truyền máu TW đã quyết tâm xây dựng ngân hàng MDR cộng đồng nhằm đáp ứng cho 70-75% số người có chỉ định ghép mà không có người cho cùng huyết thống phù hợp về chỉ số.

Mặt khác, nếu như ở ghép đồng loại từ người cho là anh chị em ruột thì chỉ số phù hợp (HLA - bạch cầu kháng nguyên) đòi hỏi phải cao hơn tức là 6/6 thì người được ghép MDR đòi hỏi sự phù hợp thấp hơn chỉ cần 4/6. Do đó, khả năng tìm kiếm cao hơn, cơ hội nhiều hơn.

Bên cạnh đó, MDR có sẵn lưu trữ, khi bệnh nhân cần, chỉ cần trong vòng 2 tuần lấy được, còn với người hiến thì phải 3 - 4 tháng sau mới tìm được người  cho phù hợp, nhưng đến thời điểm tìm được nguồn tế bào gốc hợp thì lại qua giai đoạn vàng để có thể ghép được cho bệnh nhân.

Ngoài ra, lấy MDR lưu giữ cộng đồng không ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ hay trẻ em. Vì thế, thành lập Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng là phục vụ lợi ích cộng đồng và cộng đồng đều có thể sử dụng, tìm kiếm dễ dàng.

'Tài sản' quý của toàn xã hội

TS.BS. Trần Ngọc Quế cũng cho biết thêm, tính 'cộng đồng' thể hiện ở chỗ: tế bào gốc (TBG) là do tự nguyện hiến tặng, lưu trữ miễn phí và TBG tại Trung tâm TBG của Viện sẽ được sử dụng cho tất cả mọi người khi có yêu cầu. Viện Huyết học - Truyền máu TW đã liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để thu thập các mẫu máu dây rốn đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và số lượng. Các mẫu máu dây rốn này sẽ được xử lý và xét nghiệm HLA với độ phân giải cao.

Người bệnh khi có nhu cầu ghép tế bào gốc sẽ được đối chiếu HLA với các mẫu tế bào gốc đang được lưu trữ trong ngân hàng và chỉ phải trả chi phí (theo quy định của Nhà nước) khi tìm được mẫu phù hợp. Trong trường hợp cháu bé đã hiến máu dây rốn vì một lý do nào đó cần sử dụng tế bào gốc thì Viện sẽ sẵn sàng cung cấp tế bào gốc cho cháu miễn phí. Được biết, tại Việt Nam đã có rất nhiều ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn được thành lập, tuy nhiên,  những ngân hàng đó chủ yếu làm dịch vụ thương mại, không phục vụ lợi ích cộng đồng.

Để có được một đơn vị tế bào gốc phục vụ người bệnh, các kỹ thuật viên phải xử lý rất khéo léo, cẩn trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm và an toàn tuyệt đối. Từ việc tư vấn cho các sản phụ đến chọn đối tượng phù hợp như chọn sản phụ có tiêu chuẩn tốt nhất để mình dự kiến lấy, quản lý thai nghén tư vấn cho sản phụ, tình trạng tiền sử bệnh tật của gia đình sản phụ đó…Sau đó tư vấn để họ đồng ý hiến tặng. Đến khi sinh thì sang lấy bao nhiêu máu dây rốn để có thể về gạn tách tế bào gốc.

Trong ghép tế bào gốc, quan trọng nhất là đủ lượng tế bào gốc, cho dù mẫu tế bào gốc phù hợp mà không đủ lượng thì cũng khó có thể sử dụng được. Để lấy tế bào gốc, các kỹ thuật viên phải áp dụng kỹ thuật xử lý bằng phương pháp để máu tự lắng, tách phần tế bào gốc, sau đó lại đưa vào máy ly tâm để tiếp tục tách tế bào gốc, nhờ đó mà chắt lọc được tối đa lượng tế bào gốc quý giá.

Trước đây, ở Việt Nam, tế bào gốc từ máu dây rốn chủ yếu chỉ đủ để ghép cho bệnh nhân nhi còn hiện nay, các mẫu tế bào gốc lưu trữ trong ngân hàng trung bình có đủ lượng để ghép cho người trưởng thành cân nặng khoảng 70kg. 

Về phương thức lưu trữ tế bào gốc: Do tế bào gốc phải luôn được bảo quản trong môi trường nitơ lỏng để duy trì nhiệt độ khoảng -196 độ C và nitơ lỏng cần thay thế theo định kỳ. Trải qua rất nhiều bước xử lý, cuối cùng, khối Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng được lưu trữ và bảo quản trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C trước khi đưa ra sử dụng.

Yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của một Ngân hàng tế bào gốc cộng đồng là hiệu suất sử dụng. Theo đó, hiện nay, tại Viện đã lưu giữ được 2.700 mẫu tế bào gốc và đã được làm các xét nghiệm HLA.

'Một mẫu tế bào gốc máu dây rốn mua tại Mỹ mất khoảng 50 nghìn đô (khoảng 1 tỷ đồng) nhưng cũng khó có khả năng phù hợp, vì với chủng tộc nào thì sẽ phù hợp với chủng tộc đó, chúng ta là người Việt Nam thì tỷ lệ phù hợp về chỉ số với cùng một dân tộc là rất cao', TS. Quế cho biết thêm.

Có thể nói, việc ra đời Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Ở đó, cả cộng đồng cùng chung tay hiến máu dây rốn và cả cộng đồng đều được sử dụng và Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng sẽ trở thành 'Tài sản chung của toàn xã hội'.

Tuệ Nguyên - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

  • 18/04/2024

    Dị ứng có nên giữ con bạn ở nhà?

    Bệnh dị ứng của con bạn có khiến trẻ phải nghỉ học hoặc cản trở chuyến đi chơi của gia đình không? Mỗi ngày, 10.000 trẻ em ở Hoa Kỳ phải nghỉ học vì các triệu chứng dị ứng.

  • 18/04/2024

    CDC Mỹ cảnh báo về vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa đưa ra cảnh báo về một chủng vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não mô cầu hiếm gặp đang gia tăng ở Mỹ.

  • 18/04/2024

    Đau thần kinh toạ là gì và những điều cần lưu ý

    Đau thần kinh toạ là một loại đau thường ảnh hưởng đến dây thần kinh thuộc khớp hông, một bó dây thần kinh lớn bắt nguồn từ dưới sống thắt lưng, qua mông và xuống phía sau mỗi chân.

Xem thêm