Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ngủ trưa giúp phục hồi sức khỏe do thiếu ngủ vào ban đêm

Nghiên cứu cho thấy ngủ trưa có thể giúp khôi phục lượng hormone, protein và khả năng miễn dịch bị suy giảm do stress trở lại mức bình thường.

Một giấc ngủ trưa ngắn có thể giúp giảm stress và tăng cường hệ miễn dịch ở những người chỉ ngủ hai tiếng vào đêm hôm trước, theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nội tiết học Lâm sàng & Trao đổi chất của Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh, thiếu ngủ được xem là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Thiếu ngủ có thể làm giảm năng suất cũng như gây ra tai nạn giao thông và tai nạn nghề nghiệp. Ngoài ra, người thiếu ngủ cũng có nhiều khả năng bị các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp và trầm cảm.
Theo chương trình Khảo sát Sức khỏe Quốc gia, hơn một phần ba người trưởng thành ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi tối.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một giấc ngủ trưa 30 phút có thể đảo ngược tác hại lên hormone do thiếu ngủ vào đêm hôm trước, “ tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Brice Faraut ở Đại học Paris Descartes, Pháp cho biết. “Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy ngủ trưa có thể khôi phục khả năng miễn dịch và thần kinh nội tiết trở lại mức bình thường.”
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu cắt chéo ngẫu nghiên để đánh giá mối tương quan giữa hormone và giấc ngủ ở một nhóm gồm 11 người đàn ông khỏe mạnh từ 25 đến 32 tuổi. Những người này trải qua hai thử nghiệm về giấc ngủ trong phòng thí nghiệm nơi mà thức ăn và ánh sáng được kiểm soát chặt chẽ.
Trong thử nghiệm thứ nhất, những người tham gia chỉ được cho ngủ hai tiếng một đêm. Trong thử nghiệm thứ hai, các đối tượng có hai giấc ngủ trưa kéo dài 30 phút vào ngày thứ hai sau đêm thiếu ngủ.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích nước tiểu và nước bọt của người tham gia để xác định xem thiếu vào ban đêm và ngủ trưa làm thay đổi mức hormone như thế nào. Sau một đêm thiếu ngủ, mức norepinephrine tăng 2,5 lần. Norepinephrine là hormone và chất dẫn truyền thần kinh sinh ra khi cơ thể phản ứng với stress. Norepinephrine làm tăng nhịp tim, huyết áp và lượng đường trong máu của cơ thể. Khi ngủ trưa vào ngày thứ hai sau đêm thiếu ngủ, mức norepinephrine của người tham gia không thay đổi.
Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến mức interleukin-6, một loại protein có đặc tính kháng virut được thấy trong nước bọt. Mức protein này giảm sau một đêm thiếu ngủ nhưng trở lại bình thường khi ngủ trưa. Điều này cho thấy ngủ trưa có lợi cho hệ miễn dịch.
“Ngủ trưa có thể đảo ngược tác hại của thiếu ngủ vào ban đêm bằng cách giúp hệ miễn dịch và thần kinh nội tiết phục hồi,” tiến sĩ Faraut cho biết. Nghiên cứu này giúp phát triển các giải pháp hỗ trợ những người thường xuyên bị thiếu ngủ vào ban đêm như công nhân làm ca và làm việc vào ban đêm.”
Bình luận
Tin mới
Xem thêm