Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ngăn ngừa và phát hiện sớm Ung thư Cổ Tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) xuất phát từ các tế bào lót cổ tử cung: các tế bào vảy ở cổ tử cung ngoài đưa đến carcinôm tế bào vảy - chiếm 80% - 90% các trường hợp và các tế bào tuyến ở cổ tử cung trong đưa đến carcinôm tuyến - chiếm đa số các trường hợp còn lại.

Đại cương về ung thư cổ tử cung

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) xuất phát từ các tế bào lót cổ tử cung: các tế bào vảy ở cổ tử cung ngoài đưa đến carcinôm tế bào vảy - chiếm 80% - 90% các trường hợp và các tế bào tuyến ở cổ tử cung trong đưa đến carcinôm tuyến - chiếm đa số các trường hợp còn lại. Nơi gặp nhau của hai loại tế bào này được gọi là vùng chuyển tiếp, đa số UTCTC bắt đầu từ các tế bào tại vùng chuyển tiếp này. 

Sự phát triển thành ung thư bắt đầu bằng các biến đổi tiền ung thư, quá trình chuyển đổi này thường phải mất nhiều năm và sau đó chỉ một số ít là phát triển thành ung thư. Các tiền ung thư được điều trị tốt có thể tránh được hầu hết các ung thư.

UTCTC gây tử vong khoảng 270.000 phụ nữ trên toàn thế giới mỗi năm, chiếm 85% trong số đó là ở các nước nghèo.

Đâu là các yếu tố nguy cơ của UTCTC

• Nhiễm vi-rút u nhú người 

Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của UTCTC là nhiễm vi-rút u nhú người (Human papillomavirus - viết tắt là HPV). HPV là một nhóm gồm trên 150 vi-rút liên quan, trong đó một số gây ra các u nhú (còn được gọi là hột cơm hay mụn cóc).

Các typ vi-rút nguy cơ cao có liên quan mạnh đến các ung thư của cổ tử cung, âm hộ và âm đạo ở nữ giới và ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn và ung thư miệng ở cả hai giới. Các typ nguy cơ cao bao gồm HPV 16, HPV 18, HPV 31, HPV 33, HPV 35, HPV 45 và một số khác. Khoảng 2/3 số UTCTC là do HPV 16 và 18. Có thể phát hiện các HPV có liên quan bằng cách tìm các gen (DNA) của HPV trong các tế bào cổ tử cung. Nếu tìm thấy typ HPV nguy cơ cao, cần tiến hành thêm một số phương pháp khác để có thể phát hiện sớm các tiền ung thư và UTCTC.

• Suy giảm miễn dịch

Vi-rút HIV ở người bị AIDS gây tổn thương cho hệ thống miễn nhiễm và khiến cho người phụ nữ có nguy cơ cao bị nhiễm HPV, do đó dễ bị UTCTC. Ở những phụ nữ này, tiền ung thư cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư xâm lấn nhanh hơn.

• Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục: HSV (herpes simplex virus, gây ra herpes sinh dục), HIV, chlamydia
Nguy cơ UTCTC có thể cao hơn ở những phụ nữ mà thử máu cho thấy các dấu hiệu của nhiễm chlamydia trước đó hoặc đang hiện hành.

• Hút thuốc

Các sản phẩm của thuốc lá tìm thấy trong niêm dịch cổ tử cung của phụ nữ hút thuốc, gây tổn thương DNA của các tế bào cổ tử cung và có thể gây ra UTCTC. Phụ nữ hút thuốc có thể bị UTCTC nhiều gấp đôi. Hút thuốc cũng làm cho hệ thống miễn nhiễm kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm HPV.

• Nhiều lần mang thai đủ tháng

Điều này chưa cắt nghĩa được. Có thể do quan hệ tình dục không được bảo vệ, phơi nhiễm nhiều hơn với HPV. Cũng có thể do các thay đổi hocmon khi mang thai làm cho dễ bị nhiễm HPV hoặc ung thư.

• Lần mang thai đủ tháng đầu tiên khi chưa đến 17 tuổi 

Nguy cơ UTCTC cao gấp đôi so với người mang thai muộn hơn từ 25 tuổi trở lên.

• Dùng kéo dài các thuốc uống ngừa thai

Nghiên cứu cho thấy nguy cơ UTCTC tăng cao khi dùng các thuốc ngừa thai kéo dài, nhưng nguy cơ này sẽ giảm xuống sau khi ngừng sử dụng. Theo một nghiên cứu, nguy cơ UTCTC tăng gấp đôi ở những người dùng thuốc trên 5 năm, nhưng sẽ trở về bình thường sau ngừng thuốc 10 năm.

• Người nghèo, bần cùng

Nghèo khó cũng là một yếu tố nguy cơ. Nhiều người không được săn sóc y tế, kể cả việc làm nghiệm pháp Pap.

• Mẹ sử dụng Diethylstilbestrol (DES)

DES là một hocmon được dùng để phòng sẩy thai từ 1940 đến 1971. Con gái của những người mẹ sử dụng DES khi mang thai thỉnh thoảng có gặp carcinôm tuyến tế bào sáng (cực kỳ hiếm gặp ở phụ nữ mà mẹ không dùng DES) và gặp nhiều hơn ở âm đạo so với cổ tử cung. Tuổi trung bình là 19. Nguy cơ lớn nhất ở những người có mẹ sử dụng thuốc này trong 16 tuần đầu mang thai. 

• Tiền sử gia đình có người bị UTCTC

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của UTCTC

Phụ nữ bị tiền ung thư và UTCTC thường không có triệu chứng. Các triệu chứng bắt đầu có khi tiền ung thư chuyển thành ung thư xâm lấn thực sự và phát triển vào mô lân cận. Khi này, các triệu chứng hay gặp nhất là:

• Xuất huyết âm đạo bất thường.

• Chảy dịch âm đạo không bình thường.

• Đau khi quan hệ tình dục.

Có thể ngăn ngừa UTCTC?

Có 2 cách để ngăn chặn UTCTC phát triển: một là phát hiện và điều trị các tiền ung thư trước khi trở thành ung thư thực sự và hai là ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra các tiền ung thư.

1. Phát hiện các tiền UTCTC

• Làm thử nghiệm Pap (thử nghiệm Papanicolaou, đôi khi gọi là phết kính Pap). 

Nguyên tắc của thử nghiệm Pap là kiểm tra sự hiện diện của các tế bào bất thường trong mẫu thử được lấy ra từ vùng chuyển tiếp ở cổ tử cung. Thử nghiệm này đơn giản, dễ thực hiện, rẻ, cho kết quả nhanh nên ngày nay vẫn giữ vai trò quan trọng trong tầm soát UTCTC.

Tuy nhiên, làm thử nghiệm Pap chỉ để tầm soát chứ không phải để chẩn đoán và không thể nói chắc chắn là có một ung thư. Khi một kết quả Pap bất thường, còn cần phải làm các thử nghiệm khác để tìm ra một tiền ung thư hay một ung thư thực sự hiện hữu.

Các thử nghiệm này bao gồm: soi âm đạo và cổ tử cung (với sinh thiết cổ tử cung), nạo cổ tử cung trong làm phết kính khảo sát dưới kính hiển vi, và sinh thiết hình nón. Nếu sinh thiết cho thấy một tiền ung thư, phải tiến hành các bước điều trị để ngăn không cho phát triển thành ung thư thực sự.

• Làm thử nghiệm HPV DNA 

Như đã nói ở trên, yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư cổ tử cung là nhiễm HPV. Có thể tìm các typ HPV có nguy cơ cao nhất bằng cách quan sát các mẫu DNA trong các tế bào cổ tử cung. Ở những phụ nữ trước đó đã được chủng ngừa HPV, vẫn phải tiếp tục tầm soát UTCTC vì không có một vắc-xin ngừa HPV nào có thể bảo vệ chống lại tất cả các typ HPV có khả năng gây ra UTCTC

2. Các điều cần làm để ngăn ngừa tiền UTCTC

• Tránh tiếp xúc với HPV.

• Sử dụng bao tránh thai.

• Không hút thuốc.

• Chủng vắc-xin ngừa HPV. 

Hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin trước khi bị phơi nhiễm HPV (ví dụ do quan hệ tình dục). Đề phòng được các tiền ung thư và UTCTC, vài loại ung thư khác (như ung thư của âm hộ, âm đạo, hậu môn, miệng…), các mụn cóc của hậu môn và đường sinh dục. Trẻ gái 11 - 12 tuổi thường được tiêm vắc-xin làm 3 lần, cách nhau 6 tháng. Trẻ 9 - 11 tuổi sẽ do thầy thuốc quyết định. Phụ nữ 13 - 18 tuổi chưa tiêm chủng, cần được tiêm ngay các đợt vắc-xin để ngăn chặn nhiễm HPV. Phụ nữ 19 - 26 tuổi, chưa đủ bằng chứng để khuyến cáo.

Các hướng dẫn của hiệp hội ung thư Hoa Kỳ về việc đề phòng và phát hiện sớm UTCTC

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có một hướng dẫn chính thống về việc đề phòng và phát hiện sớm UTCTC. Các bác sĩ chuyên khoa của chúng ta cũng công nhận và làm theo các chỉ dẫn của thế giới, tuy nhiên, các đặc điểm về bệnh lý UTCTC cũng như việc tiến hành phòng chống vẫn cần được tổng kết để có được một chỉ dẫn thích hợp với tình hình các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Dưới đây là Bảng hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ giúp phát hiện sớm các UTCTC, cũng giúp tìm ra các tiền ung thư để điều trị ngăn chặn trở thành ung thư.

Nếu được phát hiện sớm, UTCTC là một trong những ung thư điều trị hiệu quả nhất. Ở Hoa Kỳ, tử vong trong UTCTC giảm trên 50% trong 30 năm qua. Điều này được cho là nhờ hiệu quả của việc tầm soát bằng thử nghiệm Pap. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm thêm những nguyên nhân khác gây ra UTCTC và các cách tốt nhất để tầm soát chúng. 

Ở các nước đang phát triển, UTCTC là loại ung thư thường gặp nhất, tỷ lệ tử vong cao ở những phụ nữ còn khá trẻ, vì chưa có các chương trình tầm soát và phòng chống hiệu quả. Hiện tại, các nước này sử dụng nhiều nhất là soi cổ tử cung (với bôi acid acetic hay Lugol) và thử nghiệm phân tử DNA của HPV, có thể kết hợp “tầm soát và điều trị”.

• Mọi phụ nữ nên được tầm soát UTCTC bắt đầu từ 21 tuổi. Dưới 21 tuổi không nên thử. Phụ nữ 21 – 29 tuổi nên làm thử nghiệm Pap 3 năm/lần. Thử nghiệm HPV không nên dùng để tầm soát cho lứa tuổi này, trừ phi có thể làm sau một kết quả Pap bất thường. Bước sang tuổi 30, được ưa thích là kết hợp làm cả hai nghiệm pháp Pap và HPV 5 năm/lần và tiếp tục cho đến 65 tuổi.

• Một lựa chọn hợp lý khác cho phụ nữ 30 – 65 tuổi là chỉ làm mỗi thử nghiệm Pap 3 năm/lần.

• Ở phụ nữ có nguy cơ cao ung thư cổ tử cung vì suy giảm miễn dịch (ví dụ bị nhiễm HIV, ghép tạng hoặc sử dụng steroid kéo dài) hoặc có mẹ dùng DES khi còn trong bụng mẹ thì cần được tầm soát thường xuyên hơn, theo khuyến cáo của thầy thuốc.

• Phụ nữ trên 65 tuổi, được tầm soát đều đặn trong 10 năm trước cho các kết quả bình thường thì nên ngừng tầm soát UTCTC nếu không có một tổn thương tiền ung thư nào đó nghiêm trọng (ví dụ CIN2* hoặc CIN3*) tìm thấy trong 20 năm sau cùng. Phụ nữ từng có CIN2 hoặc CIN3 cần được tiếp tục làm các thử nghiệm trong ít nhất là 20 năm sau khi tìm thấy tổn thương bất thường cho dù vượt quá 65 tuổi.

• Phụ nữ đã được cắt toàn bộ tử cung do các nguyên nhân lành tính (như u xơ tử cung, chảy máu nặng sau sinh…) thì nên ngừng việc tầm soát bằng các thử nghiệm Pap và HPV, trừ phi cắt tử cung là để điều trị tiền ung thư hay UTCTC. Phụ nữ cắt tử cung không hoàn toàn (để lại cổ tử cung) nên được tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung theo các chỉ dẫn nói trên.

• Trong các thay đổi, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ không còn khuyến cáo phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi nên làm các thử nghiệm Pap hàng năm hoặc làm với bất cứ một phương pháp tầm soát nào khác, vì phải mất nhiều thời gian hơn (thường từ 10 đến 20 năm) để phát triển thành UTCTC và việc tầm soát làm quá thường xuyên có thể dẫn đến việc tiến hành một số biện pháp không cần thiết. 

• Phụ nữ đã được tiêm chủng chống HPV vẫn nên tiếp tục theo dõi tầm soát theo nhóm tuổi.

*CIN (tức tân sinh nội biểu mô cổ tử cung) là các biến đổi tiền ung thư trên sinh thiết nhìn dưới kính hiển vi, phân ra các cấp độ 1,2,3 từ nhẹ đến nặng.

PGS TS BS Ngô Thị Kim Phụng - ThS BS Lâm Hoàng Duy - Theo Bệnh viện đại học Y dược
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

Xem thêm