Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mộc nhĩ trắng: Hạ huyết áp, giảm mỡ máu

Mộc nhĩ trắng (tên thuốc ngân nhĩ) tên khác là bạch nhĩ tử, bạch mộc nhĩ, tuyết nhĩ. Theo Đông y, ngân nhĩ tính bình, vị ngọt nhạt, lợi về các kinh tỳ, vị, phế.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, ngân nhĩ có chứa hàm lượng albumin, chất đường, chất béo, các chất muối vô cơ và sinh tố B có tác dụng hạ huyết áp, giảm mỡ máu, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Ngân nhĩ giàu dinh dưỡng để bồi bổ sức khỏe và phòng chống bệnh tật trong những trường hợp sau:

Chữa ho khan, ho ra máu, đổ mồ hôi trộm, nhức đầu, ù tai, hay quên, lưng đau gối mỏi, đại tiện táo kết: ngân nhĩ 30g, đường phèn 30g. Ngân nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch, cắt bỏ chân, cho vào bát cùng đường phèn và nước, đem chưng cách thủy trong 30 phút, chia ăn vài lần.

Mộc nhĩ trắng tốt cho bệnh mạch vành.

Chữa mất ngủ, phiền nhiệt trong lòng, ăn uống kém, tim thảng thốt, tinh thần, thể lực mệt mỏi: ngân nhĩ 15g, hạt sen tươi 30g, nước luộc gà và gia vị vừa đủ. Ngân nhĩ làm sạch rồi luộc cho đến khi thật trong thì vớt ra. Hạt sen bóc bỏ vỏ ngoài và tâm rồi đem hầm với nước luộc gà, khi chín thì bỏ ngân nhĩ vào, thêm gia vị vừa đủ.

Chữa tiểu đường: ngân nhĩ 20g, rau chân vịt tươi 200g. Rau chân vịt rửa sạch, cắt khúc. Ngân nhĩ nấu nhừ, cho rau chân vịt vào đun sôi cho gia vị vào, ăn trong ngày.

Chữa các chứng thận hư đau lưng mỏi gối, đầu váng tai ù, mất ngủ mỏi mệt: ngân nhĩ 10g, đỗ trọng tẩm mật nướng 10g, đường phèn 50g. Ngân nhĩ làm sạch. Sắc đỗ trọng bỏ bã rồi cho ngân nhĩ vào nấu chín, thêm đường phèn, ăn nóng.

Chữa khản tiếng, các chứng phù nề, tiểu tiện sẻn, đại tiện táo kết: ngân nhĩ 20g, gia vị vừa đủ. Ngân nhĩ làm sạch, thái sợi nhỏ, nấu chín cho gia vị vào là được.

Chữa bệnh đường tiêu hóa, thúc đẩy tuần hoàn máu, giải độc gan: ngân nhĩ 20g, câu kỷ tử 25g, trứng gà 2 quả, đường phèn vừa đủ. Ngân nhĩ làm sạch, đập trứng lấy lòng trắng. Câu kỷ tử và ngân nhĩ nấu chín cho lòng trắng trứng và đường phèn vào đun thêm 1 lúc, ăn nóng.

Lưu ý: Ngân nhĩ nên chia ăn nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng không tiêu hóa hết; Người bị cảm cúm, phong hàn, người đại tiện lỏng không nên dùng. Không dùng ngân nhĩ đã biến chất, màu ngả vàng, nát, không tươi.

DS. Nguyễn Thị Hồng - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm