Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mang thai và mãn kinh

Thông thường, bạn sẽ hiểu rằng, mãn kinh đồng nghĩa với việc không thể mang thai hay sinh con. Sự thật có phải như vậy hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bạn có thể mang thai sau khi mãn kinh hay không?

Vì một lý do nào đó, bước vào giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, bạn bỗng khao khát có được một đứa con. Hoặc bạn không muốn có thêm con nữa nhưng lại lo lắng, nhỡ đâu mình có thai khi đã lớn tuổi như thế này rồi. Thực ra, đó là lo lắng của một số phụ nữ đang bước đến giai đoạn mãn kinh.

Hãy nhớ một điều đặc biệt quan trọng và có thể coi là chìa khóa để giải đáp những thắc mắc này của bạn: ngay cả khi bạn đang có những cơn bốc hỏa và kinh nguyệt thất thường, điều đó không có nghĩa là bạn không thể mang thai, mà chỉ có nghĩa rằng bạn sẽ ít cơ hội mang thai hơn mà thôi.

Cơ thể điều khiển quá trình mang thai như thế nào?

Trong độ tuổi sinh sản, thông thường ở phụ nữ là từ 15 đến 49 tuổi, cơ thể sẽ sản xuất các hormone sinh sản, bao gồm: estrogen, progesterone, luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng FSH. Vào giữa chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, LH, FSH và estrogen phối hợp cùng nhau, kích thích nang trứng phát triển, trưởng thành trong buồng trứng và rụng trứng. Sự rụng trứng chỉ xảy khi lượng hormone của bạn nằm trong phạm vi tối ưu.

Nếu trứng được thụ tinh, LH sẽ kích thích sản xuất progesterone để duy trì sự mang thai. Các hormone sinh sản sẽ tiếp tục thực hiện chức năng của mình để giúp cơ thể người mẹ nuôi dưỡng bào thai và sinh ra em bé. 

Tại sao khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, bạn sẽ khó mang thai hơn, thậm chí không mang thai được nữa?

Bạn sẽ chính thức đến thời kì mãn kinh khi không có kinh nguyệt trong vòng 1 năm. Khi đó, nồng độ hormone sinh sản đã thay đổi đủ để buồng trứng sẽ không rụng thêm trứng. Và lúc đó bạn sẽ không thể mang thai tự nhiên được nữa.

Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ sinh sản và mãn kinh. Buồng trứng của bạn bắt đầu sản sinh ít estrogen và progesterone hơn. Khi lượng hormone dao động và giảm sút, bạn có thể bắt đầu nhận thấy các triệu chứng như:

  • Bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm;
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt: tần suất không đều, thậm chí mất kinh 1 vài tháng; độ dài các ngày kinh nguyệt thay đổi, nhiều hơn hoặc ít ngày hơn bình thường
  • Buồng trứng rụng trứng "thất thường", có thể rụng trứng trong tháng này, nhưng có thể sẽ không rụng trứng trong vài tháng sau.

Rõ ràng trong giai đoạn tiền mãn kinh, cơ hội thụ thai của bạn rất thấp. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, phụ nữ bước sang độ tuổi 40 chỉ có 5% khả năng thụ thai trong mỗi chu kỳ hàng tháng.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thụ thai tự nhiên. Nếu muốn có con, hãy chờ đợi. Còn nếu bạn không muốn mang thai, bạn cần phải sử dụng biện pháp tránh thai trong suốt thời kỳ tiền mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm.

Mãn kinh

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, kinh nguyệt của bạn dường như đã dừng lại 1 vài tháng, nhưng sau đó lại xuất hiện lại. Điều đó có thể xảy ra nhiều lần và khiến bạn tưởng rằng đã mãn kinh, trong khi bạn chưa thực sự mãn kinh.

Nếu đã một năm kể từ lần có kinh cuối cùng của bạn, thì tức là bạn đã mãn kinh. Đối với hầu hết phụ nữ, điều này xảy ra trong khoảng 40 đến 50 tuổi, với độ tuổi trung bình là 51.

Khi đã mãn kinh, mức LH và FSH của bạn vẫn cao nhưng estrogen và progesterone sẽ ở mức thấp. Bạn không còn rụng trứng, do vậy không thể thụ thai tự nhiên được nữa.

Sau mãn kinh

Khi đã mãn kinh, mức độ hormone của bạn sẽ không bao giờ trở lại trong phạm vi thích hợp cho sự rụng trứng và mang thai. Việc sử dụng biện pháp tránh thai lúc này là không còn cần thiết nữa.

Thụ tinh trong ống nghiệm sau mãn kinh

Đã có những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm sau khi mãn kinh thành công, đem lại hy vọng rất lớn cho những phụ nữ muốn có con sau khi đã mãn kinh.

Rõ ràng, trứng của người phụ nữ sau mãn kinh không còn dùng để thụ tinh được nữa, nhưng vẫn có hai cách bạn có thể sử dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Bạn có thể sử dụng trứng của bản thân đã đông lạnh và lưu trữ trước đó, hoặc sử dụng trứng hiến tươi hoặc đông lạnh.

Để chuẩn bị cho quá trình mang thai sau thụ tinh trong ống nghiệm, bạn cũng sẽ cần điều trị bằng liệu pháp hormone.

Tuy nhiên, thụ tinh trong ống nghiệm sau mãn kinh không phải là một lựa chọn cho tất cả mọi phụ nữ. Nếu bạn có ý định mang thai sau khi mãn kinh, cần đến khám và tư vấn với chuyên gia hỗ trợ sinh sản để có quyết định đúng đắn và phù hợp nhất.

Nguy cơ về sức khoẻ khi mang thai muộn

Khi so sánh với phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng gặp cả những biến chứng nhỏ và lớn sau khi thụ tinh, mang thai và sinh con.

Phụ nữ mang thai và sinh con khó khăn hơn khi lớn tuổi và có thể gặp một số vấn đề sức khỏe gây nguy hiểm cho thai kỳ. Nguy cơ về sức khoẻ khi mang thai tăng theo độ tuổi. Sau 35 tuổi, nguy cơ của một số vấn đề sẽ tăng lên cao hơn so với phụ nữ trẻ. 

Bạn có thể mang đa thai, đặc biệt là nếu bạn thụ tinh trong ống nghiệm. Đa thai có thể dẫn đến sinh non, cân nặng khi sinh thấp và sinh khó.

Các vấn đề về thai kỳ như: rau tiền đạo, sảy thai hoặc thai chết lưu, sinh mổ, sinh non hoặc sinh con cân nặng thấp cũng thường gặp hơn ở những phụ nữ sinh con kh đã tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.

Các chứng bệnh như tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp và tiền sản giật phổ biến hơn trong những người thai phụ lớn tuổi. Do vậy khi mang thai ở độ tuổi từ 40 trở lên, bạn luôn phải được kiểm tra và theo dõi để phát hiện kịp thời những biến chứng tiềm ẩn.
Nguy cơ những rối loạn về di truyền hay dị tật bẩm sinh cũng tăng cao hơn rất nhiều theo độ tuổi của người mẹ, đặc biệt là hội chứng Down. Theo Hiệp hội nghiên cứu bệnh Down quốc gia Hoa Kỳ, một người phụ nữ 25 tuổi sẽ có 1/1.200 khả năng sinh con mắc hội chứng Down; ở tuổi 35, nguy cơ đó sẽ là 1/350; đến tuổi 40, nguy cơ là 1/100; và ở độ tuổi 49 tăng lên tới 1/10, nghĩa là trong 10 trẻ em sinh ra bởi những người mẹ khoảng 49 tuổi sẽ có 1 bé có khả năng mắc Hội chứng Down. 

Bạn càng lớn tuổi, nguy cơ gặp phải các biến chứng khi mang thai và sinh nở càng cao. Do vậy, nếu bạn có ý định sinh con khi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, hãy tham khảo rất kỹ ý kiến của các chuyên gia hỗ trợ sinh sản, cũng như thực hiện đầy đủ các lời khuyên về khám sức khỏe, khám thai, sàng lọc trước sinh và sau sinh.

Tham khảo thêm thông tin trong bài viết: Mang thai con "rạ"

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

  • 22/04/2024

    Cách giảm lượng đường trong máu ngay lập tức

    Cách nhanh nhất để giảm lượng đường trong máu là dùng insulin tác dụng nhanh. Tập thể dục cũng là một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, bạn nên đến các cơ sở y tế để điều trị.

  • 22/04/2024

    Thực phẩm giàu biotin nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng

    Biotin hay vitamin B7 là dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Cách tốt nhất để bổ sung biotin là nhờ chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu vi chất này.

Xem thêm