Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Lò vi sóng có nguy hiểm không?

Từ Paris ở Pháp, London ở Anh, Stockholm ở Thụy Điển, cho đến New York ở Mỹ, hầu hết các cơ quan, các công sở, các trường học và bệnh viện đều có lò vi sóng, thay vì trang bị nồi niêu xoong chảo phục vụ công việc nấu nướng.

Khoảng 90% ngôi nhà ở Mỹ có sự hiện diện của lò vi sóng.

Một hộp thức ăn cho vào trong lò. Ánh sáng Halogen xanh mờ. Tấm kính quay quay. Tiếng vo ve chấm dứt trong một tiếng “Pink” sắc gọn. Những điều đó đã trở nên thân quen với hầu hết mọi người trong số chúng ta, đó là lò vi sóng, một dụng cụ phổ biến trong bếp ăn dùng để hâm nóng và nấu chín mọi thứ, từ tách cà phê cho đến tảng thịt lợn.

Đã hơn 70 năm kể từ cái ngày định mệnh kĩ sư Percy Spencer tình cờ phát minh ra lò vi sóng, cho đến hôm nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết về thiết bị này. Mạng xã hội còn đầy những lời đồn thổi gây ra mối lo ngại, không ít người nội trợ đã lo sợ lò vi sóng có thể gây ung thư, nên họ thẳng thừng từ chối.

Spencer phát minh lò vi sóng như thế nào?

Khác với hàng triệu trẻ em Mỹ chỉ việc cắp sách đến trường và hâm nóng cặp lồng cơm cho bữa ăn trưa, cậu bé Percy Spencer sinh ra ở một vùng quê Howland nghèo khó, nên hàng ngày phải tự đi kiếm thức ăn, rất ít khi được cắp sách đến lớp.

Năm 12 tuổi, Spencer phải vào làm việc trong một nhà máy ở thị trấn. Lúc 14 tuổi, cậu bé được thuê đi lắp điện cho một nhà máy giấy gần đó.

Vài năm sau, lấy cảm hứng từ những chiến binh hi sinh trên con tàu Titanic, chàng thanh niên mới lớn Percy Spencer xin gia nhập lực lượng hải quân Mỹ. Tại đây, nhờ vào sự tò mò và tính ham học hỏi, Spencer chủ yếu tự tìm kiếm sách và học vào ban đêm, anh đã học được rất nhiều công nghệ mới, trở thành một kĩ sư.

Sau thế chiến I, Spencer vào làm cho một công ti thiết bị mới thành lập của kĩ sư Vannerva Bush, người được biết đến trong cuộc cách mạng máy tính và Internet. Năm 1925, công ti đổi tên thành Công ti Sản xuất Raytheon, đến nay vẫn còn sản xuất tên lửa, hệ thống huấn luyện quân sự và các thiết bị tác chiến điện tử.

Trong thế chiến II, Spencer là một kĩ sư giỏi của Raytheon, chuyên nghiên cứu cải tiến công nghệ rada cho quân đồng minh. Tại đây, Spencer đã giành được một số bằng sáng chế về công nghệ sóng rada từ.

Vào một ngày định mệnh năm 1946, Spencer đang thực hiện thí nghiệm với sóng cao tần, trong lúc chuẩn bị nghỉ trưa anh thò tay vào túi quần và phát hiện những hạt đậu phộng bị nóng lên, dính lại với nhau. Sở dĩ Spencer có đậu phộng trong túi, là bởi ông có một con chuột yêu quý và luôn mang theo nó mỗi ngày đi làm, bữa trưa của chuột sẽ là những hạt đậu phộng.

Những câu chuyện kể lại hôm nay thì đó là thanh Chocolate nhưng không phải.

Spencer rất yêu thiên nhiên, do những ngày thơ ấu khó khăn nhọc nhằn ở làng quê Howland, bạn bè thân thiết của Spencer chủ yếu là chuột và sóc, nên ông rất nhớ và nuôi một chú chuột để làm bạn cho vơi đi nỗi nhớ. Buổi trưa ngắn ngủi sau mỗi giờ làm việc, khẩu phần ăn mà Spencer chia cho chú chuột, đó là những hạt đậu phộng đút trong túi quần.

Quá tò mò về hiện tượng xảy ra, Spencer đã thực hiện tiếp thí nghiệm, ông lấy một quả trứng gà áp nó vào ống phát sóng cao tần. Một lát sau, quả trứng nổ tung, mặt Spencer bị bôi đầy trứng đã chín như vừa mới hấp.

Ngày hôm sau, Spencer mang theo một vốc ngô, rồi lại đút nó vào ống phát sóng. Không ngờ những hạt ngô nhanh chóng biến thành hạt bỏng, Spencer mang chia nó cho mọi người có mặt ở văn phòng. Lò vi sóng chính thức được sinh ra.

Ngay lập tức Spencer đăng kí bản quyền phát minh.

Năm 1947, lò vi sóng thương mại đầu tiên được bán ra thị trường, với tên gọi Radaranger, nặng 750 pound đúng bằng cái tủ lạnh, với giá 2000 đô la Mỹ.

Phải đến tận năm 1955, lò vi sóng gia đình mới xuất hiện, nhưng giá thành quá đắt vì công nghệ sản xuất lúc đó vẫn đang còn là bí ẩn. Đến năm 1967, sau đúng hai thập kỉ phát minh, công ti Amana đã chế tạo thành công lò vi sóng gọn nhẹ với giá thành rẻ. Năm 1975 thì lò vi sóng phổ biến với công suất bán 1 triệu lò mỗi năm.

Nguyên lí hoạt động của lò vi sóng

Bên trong lò vi sóng có một bộ phận gọi là Magnetron, chính là cấu trúc ống, có chức năng biến dòng điện thành sóng vi ba, một loại sóng điện từ bức xạ có bước sóng ngắn.

Bức xạ điện từ có phổ bước sóng trải rộng, từ sóng vô tuyến rất dài cho đến tia Gamma rất ngắn, mắt người chỉ có khả năng phát hiện phần nhỏ của phổ này gọi là ánh sáng khả kiến. Sóng vi ba có bước sóng ngắn hơn sóng vô tuyến nhưng dài hơn tia hồng ngoại, ước chừng khoảng 12cm, ánh sáng xanh lè trong lò đang quay thức ăn chính là một phần của sóng vi ba cho phép nhìn thấy.

Với bước sóng ngắn như vậy, thì những chất càng nhiều nước càng dễ hấp thụ sóng, chất ít nước rất khó hấp thụ. Điều đó lí giải tại sao các vật dụng như nhựa, hộp giấy, gốm sứ khi cho vào lò vi sóng không bị nóng lên và không phá hủy.

Bản chất của các phân tử, đặc biệt là nước, có tính lưỡng cực. Ví dụ phân tử nước, có nguyên tử O tích điện -2, cùng với hai nguyên tử H tích điện -1. Khi gặp sóng điện từ, các nguyên tử này sẽ chuyển động theo chiều của chính sóng điện từ đó, cụ thể trong trường hợp lò vi sóng là chuyển động dưới tác dụng của sóng vi ba.

Lò vi sóng phát ra sóng vi ba với tần số khoảng 2.45GHz. Như vậy, mỗi nguyên tử dưới tác động của sóng vi ba, sẽ bị rung lên khoảng 2,5 tỉ lần trong một giây. Càng rung nhiều, càng tạo nên ma sát, từ đó sinh ra nhiệt. Vì thế mà những đồ ăn càng nhiều nước càng bị nóng và chín nhanh.

Sự thực nước sôi tưới cây bị chết

Sự ra đời của công nghệ mới, khi được áp dụng rộng rãi, thường đi kèm với tâm lí lo sợ tác động tiêu cực của chính thiết bị đó, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Lò vi sóng cũng không ngoại lệ, nó gắn với nhiều tin đồn gây nên nỗi sợ hãi, ví dụ như tin đồn về thí nghiệm nước đun sôi trong lò vi sóng, tưới cho thực vật sẽ làm chết cây.

Tin đồn này xuất phát từ một email được spam từ năm 2006.

Trong email mô tả một thí nghiệm, có bé gái lấy nước lọc chia làm 2 phần, một phần mang đun sôi trong lò vi sóng, rồi mang 2 phần đó tưới cho 2 chậu hoa và quan sát sự khác biệt.

- Ngày 1 lá hơi đổi màu.
- Ngày 3 lá thực sự héo úa.
- Ngày 5 lụi hẳn.
- Ngày 7 rụng sạch lá.
- Ngày 9 cây hoa chết.

Cuối cùng bức thư kết luận lò vi sóng làm chết cây nên rất nguy hiểm. Còn đưa ra thêm khuyến cáo của bác sĩ, rằng thức ăn nấu chín trong lò vi sóng là nguồn gốc gây biến đổi AND, gây ung thư, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Nếu để ý một chút, sẽ không khó để phát hiện ra sự vô lí trong những bức ảnh mà email đăng tải minh họa cho “thí nghiệm”. Cụ thể, hai bức ảnh “Ngày 1” và “Ngày 5” giống hệt nhau về góc máy chụp, ánh sáng, vị trí, các chi tiết nền của ảnh; chỉ khác là chậu hoa đã bị lụi.

Bằng mắt thường cũng có thể phát hiện ảnh sửa.

Thực chất, nước đun sôi trong lò vi sóng, hay nước đun bằng bếp điện, đun bếp ga, đun bằng than củi; thì vẫn cứ là nước, chứ không thể nào biến tính phân tử nước thành một thứ chất khác để gây nguy hiểm.

Nấu bằng lò vi sóng có ung thư không?

Từ ánh sáng nhìn thất, qua sóng vi ba, đến sóng vô tuyến; đều là các dạng bức xạ không ion hóa. Bức xạ không ion hóa được hiểu là bức xạ không có đủ năng lượng để đánh bật các ion ra khỏi nguyên tử của nó. Tức là sóng vi ba phát ra từ lò vi sóng không thể bằng cách nào để biến đổi cấu trúc nguyên tử, vậy càng không thể biến đổi phân tử, nên sóng vi ba sẽ không làm biến tính thức ăn để gây ung thư.

Tia X chính là một dạng bức xạ ion hóa. Tia tử ngoại hay tia cực tím cũng là một dạng bức xạ ion hóa. Khi tiếp xúc với bức xạ ion hóa, các ion dễ dàng bị đánh bật ra khỏi nguyên tử, làm cho nguyên tử thay đổi, cấu trúc phân tử cũng bị thay đổi, gây tổn hại đến tế bào, nên có thể gây ra ung thư.

Không những nấu ăn bằng lò vi sóng không gây ung thư như đồn thổi, mà còn có nhiều tác dụng hơn so với nấu bếp điện, bếp ga, than củi; cụ thể như tiết kiệm năng lượng, giảm thời gian nấu thức ăn, đặc biệt là giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn trong thức ăn.

Nhiều người rất lo ngại nấu bằng lò vi sóng sẽ mất chất dinh dưỡng.

Về logic như đã nói ở trên, thực phẩm giàu nước hấp thụ nhiều sóng vi ba hơn nên dễ chín, đồng thời sóng vi ba không đủ năng lượng để biến tính thức ăn, vì thế mà nấu ăn bằng lò vi sóng sẽ giúp cho thực phẩm tươi nguyên hơn, giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Khác với các phương pháp nấu khác là thức ăn nóng từ ngoài vào nên cần thời gian lâu hơn, thì lò vi sóng làm cho thức ăn nóng từ trong ra, nên thời gian làm chín thức ăn rất nhanh, đảm bảo các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt như Vitamin ít bị phá hủy.

Các nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) cho thấy, nấu chín thức ăn bằng bằng bếp củi mất 77% Vitamin so với nấu bằng lò vi sóng, hàm lượng chất Nitrosamine gây ung thư cũng cao hơn đáng kể so với nấu bằng lò vi sóng.

Một nghiên cứu năm 2003, công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp của Mỹ cũng cho thấy, bông cải xanh nấu bằng lò vi sóng giảm 74% - 97% chất ôxy hóa, tức là giảm nguy cơ gây ung thư. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, hấp bông cải bằng lò vi sóng giữ được hầu hết các Vitamin, trong khi luộc trong nước sôi thì lượng Vitamin giảm đi khá nhiều.

Sử dụng lò vi sóng an toàn

Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành quy định sản xuất lò vi sóng an toàn kể từ năm 1971. Dù chưa có những bằng chứng về sự nguy hiểm của lò vi sóng với sức khỏe, nhưng bản chất vi ba là sóng điện từ nên cần thiết phải ngăn ngừa để cơ thể bị hập thụ từ lò vi sóng. Vì thế mà FDA cũng khuyến cáo người dân cách sử dụng lò vi sóng an toàn như sau:

- Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

- Sử dụng các vật dụng an toàn khi cho vào lò vi sóng.

- Không sử dụng lò vi sóng khi cửa không đóng chặt, cong, vênh.

- Không sử dụng lò vi sóng vẫn chạy khi mở cửa.

- Không đứng sát ngay lò vi sóng đang sử dụng.

- Không để trẻ em sử dụng lò vi sóng.

- Không đun nấu chất lỏng quá lâu trong lò vi sóng.

- Không vận hành lò vi sóng khi không có thức ăn.

- Thường xuyên vệ sinh lò vi sóng.

- Không dùng vật liệu gây mòn để cọ rửa lò vi sóng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những dụng cụ nấu nướng tiềm ẩn mối nguy hiểm

Bs. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Saint - Paul -
Bình luận
Tin mới
  • 29/03/2024

    Cảnh báo nguy hiểm khi thiếu vitamin B12: Đau đầu, thiếu máu ác tính

    Vitamin B12 là dưỡng chất rất cần thiết cho các tế bào thần kinh và tế bào máu đỏ và cũng cần thiết cho sự hình thành ADN.

  • 29/03/2024

    Tác dụng phụ có thể xảy ra sau mổ đẻ

    Mổ đẻ là phẫu thuật lấy thai ra ngoài qua đường cắt ở vùng bụng và tử cung, được thực hiện khi sinh thường qua âm đạo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ hoặc thai nhi. Mặc dù sinh mổ ngày nay đã an toàn hơn nhờ sự tiến bộ của y học, phương pháp này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro và tác dụng phụ đối với cả người mẹ và trẻ sơ sinh.

  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

Xem thêm