Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làn da và ánh nắng

Trời cho chúng ta làn da tấm che sinh học thật quý báu. Làn da tạo ra vitamin D kỳ diệu với sự trợ giúp của các tia cực tím trong ánh nắng. Làn da sản xuất sắc tố mêlanin che chắn tác hại của mặt trời.

Ánh nắng cho chúng ta màu da

Mặt trời cho chúng ta màu da. Vì sao con người ở các vùng khác nhau trên trái đất có màu da khác nhau? Vì sao con người ở các vùng nhiệt đới có da màu sẫm hơn những người ở các vùng khí hậu lạnh hơn? Nay đã hiểu rồi, màu da của loài người thay đổi để thích ứng với địa lý và bức xạ cực tím của mặt trời.

Năm 1978, Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) đã vẽ bản đồ ôzôn quanh trái đất. Hai nhà nhân chủng học Jablonski và Chaplin đo bức xạ cực tím (UV) và đối chiếu với màu da của dân bản địa của hơn 50 nước. Trùng hợp kỳ lạ: UV càng yếu, màu da càng sáng.

Sự phân bố màu da trên hành tinh. Trước khi có cuộc di dân quần thể toàn cầu, vùng Đông Phi châu là cái nôi, con người đều có da đen sẫm sống trong vùng vĩ độ 20 trên và dưới xích đạo. Rồi màu da thay đổi, từ màu da đen sẫm của người châu Phi xích đạo cho đến màu da gần trắng hồng của các người Bắc Âu.

Màu da sẫm tụ tập phần lớn ở gần xích đạo. Những người có da sáng hơn cư trú ở Bắc bán cầu trên vĩ độ 20 độ Bắc. Hậu duệ của bất kỳ người tiền sử nào đã di cư từ xích đạo lên phía Bắc đều bị đột biến để có màu da sáng lên. Đó là sự chọn lọc da sáng để sản xuất đủ vitamin D với ánh sáng xuyên thấu da.

Sắc tố mêlanin sơn phết màu da. Làn da là cơ quan rộng nhất, bảo vệ cơ thể con người với nhiều chức năng. Da trên cùng là biểu bì có các tế bào đáy sản sinh các tế bào kêratinô. Loại thật đặc biệt là các tế bào mêlanô chiếm 5% các tế bào biểu bì, ít mà vô cùng quan trọng. Tế bào mêlanô sản xuất sắc tố mêlanin, có ở nhiều nơi trong cơ thể (da, lông, râu, tóc và đôi mắt).
Tiếng Anh melanin, gốc Hy Lạp melanos là tối đen. Sắc tố mêlanin gồm hai loại chính. Êumêlanin là loại thông thường nhất, nhuộm lông tóc và da thành màu đen. Phêômêlanin nhuộm màu hồng, có ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông, cho màu da hồng hơn. Tuyến yên tiết ra hoóc-môn MSH kích thích các tế bào mêlanô tiết ra mêlanin.
Làn da là tấm che sinh học

Giằng co sinh học. Bức xạ UV gây hư hại, tạo ra sự đột biến ở các tế bào da dẫn đến ung thư da và cũng phá hủy một vitamin B quan trọng là folat hay là axít folic, làm rối sự tổng hợp DNA. Càng nhiều mêlanin, da càng sậm đen, sự bảo vệ da chống bức xạ UV càng tốt. Thật trái khoáy: các tia UV có vai trò tuyệt vời là kích thích da tạo ra vitamin D3. Nhiều mêlanin lại cản trở các tia UV cản trở sản xuất D3 gây phiền toái cho con người ở phần thế giới ít nắng.

Vitamin D: phép màu từ ánh nắng.Con người nhờ phơi nắng để có đủ lượng vitamin D. Các tia UVB được chất 7-dehydro cholesterol trong lớp da hấp thụ chuyển thành chất tiền vitamin D3 rồi nhanh chóng đổi thành vitamin D3. D3 được chuyển hóa trong gan thành 25- hydroxy D3 và đến thận thành 1,25 dihydro vitamin D3dạng hoạt động.
Thiếu vitamin D gây bệnh còi xương ở trẻ em, tăng chứng loãng xương dẫn đến bệnh đau mềm xương ở người lớn. Thiếu vitamin D có liên hệ đến sự gia tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch, viêm khớp và đái tháo đường loại 1. Phơi nắng quá lố kéo dài có làm gia tăng nguy cơ ung thư da, thì tránh nắng bằng mọi cách làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D.

Các tia cực tím (UV) hại làn da. Có ba loại UVA, UVB, UVC. Mắt thường không thấy nhưng các tia cực tím (UV) trong ánh nắng ảnh hưởng lên da mạnh nhất. UVA (bức xạ gây lão hóa), vào sâu trong da gây hại cho collagen và DNA. UVB (bức xạ làm cháy da), gây hại lớp biểu bì, gây cháy da và rám da, làm tăng nguy cơ ung thư.

Không chỉ là chuyện phỏng rát da. Phơi nắng làm tăng nhanh các phản ứng lão hóa. Theo thời gian các tia UV làm hư hại các sợi trong da gọi là elastin - khiến da nhăn nheo dần... Ánh nắng cũng là thủ phạm gây cườm mắt ở người già.

Da có thay đổi để ứng phó với tác động của các tia UV. Lớp biểu bì dày lên, ngăn chặn UV. Các tế bào mêlanô gia tăng lượng mêlanin, khiến da sậm màu, ngăn trở ánh nắng vào sâu thêm làm hại tế bào da.

Các ung thư da. Các bức xạ UV từ mặt trời có thể gây tổn hại cho phân tử DNA, nguyên nhân số một gây ung thư da. Có ba loại ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và mêlanôm. Hai loại tế bào đáy và tế bào vảy chiếm 95% các ung thư da, dễ trị khỏi nếu phát hiện sớm. Mêlanôm phát xuất từ các tế bào mêlanô hiếm gặp nhưng rất ác.

Chăm lo cho làn da

Càng phơi nắng nhiều, nguy cơ ung thư da càng tăng. Các ung thư đặc biệt xảy đến do phơi nắng nhiều vào tuổi trẻ em, ở những người phơi nắng vì nghề nghiệp (lực sĩ, nhà nông, thủy thủ). Ở Hoa Kỳ mỗi năm khoảng 54.000 người mắc mêlanôm và có 8.000 người tử vong. Người Mỹ gốc Âu màu da sáng có nguy cơ cao gấp mười lần người Mỹ gốc Phi. Người Úc và Niu Di-lân có tỉ lệ mêlanôm cao nhất thế giới. Dễ hiểu thôi: họ mang màu da sáng từ châu Âu di cư đến vùng châu Đại Dương nhiệt đới rực nắng.

Phơi nắng rất cần giữ cân bằng tránh nguy cơ ung thư da, mà không gây sự thiếu hụt vitamin D. Ở các nước công nghiệp phát triển, sữa uống được bổ sung vitamin A và D. Nhưng khuynh hướng dùng nước ngọt, các loại thay thế sữa và bớt thời gian sinh hoạt ngoài trời lại làm tăng bệnh còi xương. Vào năm 2007, có ghi nhận là chỉ 23% tuổi teen và người lớn đủ vitamin D, bằng phân nửa tỉ lệ của 10 năm trước. Ở người Mỹ đen thì còn tệ hơn, từ 12% giảm xuống 3% đủ chuẩn. Thiếu vitamin D, trẻ con còi xương, người lớn loãng xương - các thiếu nữ bị biến dạng xương chậu, khó sinh con.

Dặn dò: khi còn trẻ ánh nắng làm hư da người ta không thấy, rồi sẽ lộ ra theo tuổi lớn. Không có gì giúp tránh hoàn toàn ánh nắng làm “táp” da. Phải bắt đầu ngay nâng niu làn da, không trễ đâu.
Khi phơi nắng nhất là tắm biển nên thoa kem chống nắng. Chú ý lựa cho phù hợp

Mặc áo quần tránh nắng, đội nón rộng vành, mang kiếng mát là thói quen tốt bảo vệ da, mắt.

Tránh phơi ra nắng lúc cao điểm của UV: 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều

Các bậc cha mẹ lưu ý các con nhỏ tránh nắng: đa số hư hại da do phơi nắng ở tuổi trước 18.

GS.BS. NGUYỄN CHẤN HÙNG - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2024

    Những tác hại khi nằm ngủ gối cao

    Lựa chọn một chiếc gối với độ cao phù hợp sẽ mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon, cải thiện tư thế và giảm đau lưng, mỏi cổ. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe khi nằm gối quá cao hoặc kê nhiều gối trong thời gian dài.

  • 20/04/2024

    Cách giúp đỡ người tự gây thương tích

    Khi người bạn yêu thương đang tự gây thương tích, những dấu hiệu tưởng chừng dễ dàng nhận biết thường bị bỏ qua. Đó thường là một hành vi bí mật, được giấu bởi lớp quần áo hoặc dưới lí do như những vết thương từ thể thao và các hoạt động khác. Hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và thấu hiểu, lắng nghe một cách không phê phán, bạn có thể học cách giúp đỡ người đang tự gây thương tích.

  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Xem thêm