Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Khói hương cũng gây ngộ độc

Thắp hương đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong văn hóa, nếp sống của người Việt, nhất là trong những dịp lễ Tết.

Thắp hương đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong văn hóa, nếp sống của người Việt, nhất là trong những dịp lễ Tết. Chính vì thế, cuối năm Tết đến thì nhà nào cũng mua nhiều hương hơn và ai cũng chọn cho mình loại hương thật thơm và cuốn tàn thật đẹp. Tuy nhiên, nhiều loại khói hương có chứa các hoạt chất độc hại, nhất là khi được thắp trong phòng kín. Khi hít khói hương lâu cơ thể sẽ bị mỏi mệt, căng thẳng và là nguyên nhân trực tiếp gây kích ứng đường hô hấp, lâu dài thậm chí có thể dẫn đến ung thư hoặc tử vong.

Đau đầu, khó thở vì khói hương

Chị Nguyễn Thị Huyền tại Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, là tiểu thương nên ngày nào chị cũng thắp hương cầu thần tài và thường xuyên đi Lễ chùa nhưng mỗi lần tiếp xúc phải khói hương đều cảm thấy đau đầu và khá choáng váng. Theo các bác sĩ Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, trên thực tế lâm sàng, trung tâm đã thường xuyên điều trị cho các bệnh nhân có những biểu hiện của hen dị ứng với biểu hiện khó thở, chóng mặt, buồn nôn do tiếp xúc quá lâu với khói hương. Do vậy, trẻ em và người có bệnh về hô hấp, có cơ địa dị ứng nên tránh tiếp xúc với khói nhang.

Khói hương dễ gây dị ứng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trước đây đã từng điều trị cho bệnh nhân ở Cẩm Khê (Phú Thọ) được người nhà đưa vào Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng trong tình trạng sốt cao, tức ngực, khó thở, lồng ngực co kéo, đường thở có dấu hiệu bị co thắt, huyết áp cao (180/100mHg), ho nhiều, dùng thuốc cắt cơn hen phế quản nhưng không đỡ. Đây là một trong nhiều lần bà N. được  đưa đến Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng để điều trị cùng một biểu hiện bệnh nhưng lần này bệnh tình lại nặng và nguy hiểm hơn các lần trước. Theo lời kể của bà N., ngày nào bà cũng thắp hương cúng, lễ điện thờ tại nhà, nhưng sau đó, bà xuất hiện các cơn khó thở, càng ngày bệnh càng nặng. Sau nhiều lần khám và điều trị, các bác sĩ xác định được thủ phạm gây ra căn bệnh của bà N. là do dị ứng khói hương.

Lý giải về nguyên nhân gây nên hiện tượng dị ứng với khói hương, PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, trước đây các nguyên liệu làm hương đa số có nguồn gốc từ cây trầm. Nhưng hiện nay, do thị hiếu rất ưa chuộng loại hương cuốn tàn (loại hương thắp lên thân cuốn cong) vì quan niệm của nhiều người cho rằng, như vậy mới có lộc. Để có được loại hương cuốn tàn này, một số nhà sản xuất đã tẩm hóa chất axít photphoric (H3PO4) để ngâm tăm hương. Khi bị đốt cháy hóa chất có trong tăm hương sẽ theo khói hương bay lên, nếu hít phải có thể gây khởi phát cơn hen.

Nguy hại từ hương tẩm hóa chất

Theo các chuyên gia, việc dùng các loại hương bày bán trôi nổi, đặc biệt là các loại hương được quảng cáo là lưu giữ mùi thơm càng lâu thì càng độc. Các chuyên gia hóa học giải thích rằng, mùi thơm từ hương được tạo thành bởi những vòng benzen, vòng thơm này khi phát tán có khả năng bẻ gãy cấu trúc tế bào (nguyên nhân gây ung thư). Khi đốt cháy, chất độc còn tác động lên bề mặt của đường hô hấp, dẫn đến viêm hô hấp mạn tính. Một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Science of The Total Environment, được thực hiện bởi Rebecca Cohen, nghiên cứu sinh thạc sĩ Khoa Môi trường và Kỹ thuật (ESE) cùng đồng tác giả Kenneth G. Sexton, giáo sư dịch tễ học Karin B. Yeatts cho thấy, khói hương có thể tạo ra chất ô nhiễm không khí, gây nên tình trạng viêm phổi ở con người. Trong nhiều công trình trước đây, Yeatts và đồng nghiệp đã có nghiên cứu liên quan đến khói hương và một số vấn đề sức khỏe bao gồm mắt, mũi, cổ họng, kích ứng da, triệu chứng hô hấp, trong đó có bệnh hen suyễn, đau đầu, bệnh tim mạch và những thay đổi trong cấu trúc tế bào phổi.

Để phân loại hương hóa chất khi thắp có tàn trắng như tuyết, thực ra được làm bằng bột đá vôi (CaCO3) trộn với mùn cưa. Trong đá vôi thường có chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmi... sẽ gây rối loạn hệ hô hấp, suy gan, thận... nên rất nguy hiểm tới sức khỏe. Chính vì hương tẩm hóa chất và sử dụng đá vôi có nhiễm chất độc nên nhiều người ngửi phải khói hương hay bị dị ứng, đặc biệt khi đi đền, chùa thường có biểu hiện chảy nước mắt, ho sặc sụa... Vì vậy, để an toàn cho sức khỏe, người dân nên chọn loại hương thảo mộc làm từ các loại gỗ, rễ, lá cây khi đốt ít khói, có mùi thơm tự nhiên thanh nhẹ.

Các chuyên gia khuyến cáo, cần chọn loại hương an toàn không tẩm hóa chất độc hại. Khi chọn hương người dùng nên chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên, bởi đây là màu của bột thảo mộc. Không chọn loại hương có màu vàng óng vì đó thường là hương nhuộm hóa chất tạo màu. Đặc biệt, không nghe lời quảng cáo mà chọn những loại hương đậu tàn hoặc những loại hương có màu bắt mắt, được giới thiệu là đợm hương lâu. Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng cần chú ý đó là khi thắp hương không cần phải thắp nhiều, mà chỉ cần thắp  một nén để tỏ lòng thành kính... Ở gia đình khi thắp hương cần phải mở cửa cho thông thoáng, đặc biệt là gia đình có người già, trẻ nhỏ hoặc người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp, những nhà nhỏ hẹp càng hết sức lưu ý.

Lời khuyên của thầy thuốc

Dị ứng là một thể bệnh đặc biệt xảy ra với từng cá thể bệnh nhân trong những điều kiện cụ thể. Đối với bệnh nhân có tiền sử dị ứng, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, bệnh tim mạch... nếu tiếp xúc với mùi hương sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Vì khi bị đốt cháy, hóa chất có trong tăm hương và bột làm than hương sẽ theo khói hương tỏa ra, nếu hít phải nhiều lần trong phòng kín có thể gây khởi phát cơn hen. Đáng lưu ý, khói hương cũng là nguyên nhân gây ra chứng khó thở, là dấu hiệu khởi phát của cơn hen phế quản ở những người có cơ địa dị ứng với khói hương hoặc ở người sẵn có bệnh hen phế quản. Nhiều trường hợp gây cơn hen kịch phát có thể dẫn đến suy hô hấp nguy hiểm đến sức khỏe. Do đó, người bệnh hen phải thực hiện kiểm soát hen tốt theo chỉ dẫn để tránh cơn hen ác tính có thể nguy hiểm tính mạng. Nếu nghi ngờ hoặc thấy xuất hiện khó thở, ho nhiều khi tiếp xúc với khói hương thì đến cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt.

ThS. Nguyễn Khánh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm