Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Khi nào viêm gan B thành ung thư gan?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người viêm gan B. Viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người tử vong do hai biến chứng này.

I. Tiến triển của viêm gan B nếu không điều trị

1. Tiến triển của viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh viêm gan B, thường phát sinh đột ngột, thời gian lâm bệnh ngắn. Hầu hết bệnh nhân mắc viêm gan B cấp tính sẽ hồi phục hoàn toàn chỉ sau 1 - 2 tháng.

Hiếm khi viêm gan cấp tính làm tổn thương gan nặng đến mức không thể hoạt động được nữa. Tuy nhiên, có 1% tỷ lệ viêm gan cấp tính tiến triển thành viêm gan tối cấp gây tổn thương tế bào gan nặng nề, dẫn tới suy gan cấp, thậm chí tử vong. Bệnh nhân bị viêm gan tối cấp nên được đánh giá để ghép gan.

Trong viêm gan B cấp tính, người lớn khỏe mạnh sẽ loại bỏ được siêu vi B và bình phục mà không gặp bất kỳ vấn đề gì; 10% sẽ bị viêm gan B mạn tính.

Số liệu thống kê tại các trung tâm y tế cho thấy, có tới 80 - 90% trẻ sinh ra bị nhiễm virus viêm gan B trong 1 năm đầu đời và 30 - 50% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B trước 6 tuổi có nguy cơ cao viêm gan B mạn tính sau này, 100% ung thư gan ở trẻ em là do viêm gan B.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao nhất thế giới

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao nhất thế giới 15% - 20%, tức khoảng 10 - 14 triệu người. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.

2. Tiến triển của viêm gan B mạn tính

Viêm gan B nếu kéo dài hơn 6 tháng bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Những triệu chứng bệnh của giai đoạn này diễn biến âm thầm, lặng lẽ, ít biểu hiện, và dễ gây nhầm lẫn. Đây là giai đoạn nguy hiểm, và thường xảy ra các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.

a. Xơ gan (sẹo gan)

Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính có HBeAg dương nguy cơ dẫn đến xơ gan là 5% mỗi năm; viêm gan B mạn tính có HBeAg âm nguy cơ dẫn đến xơ gan là 1 - 2% mỗi năm.

Xơ gan là giai đoạn sau của viêm gan B mạn tính dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được, làm gan chai cứng và không thực hiện được những chức năng bình thường của gan.

Xơ gan thường không có triệu chứng đặc hiệu và rõ rệt trong giai đoạn đầu. Nếu không khám sức khỏe định kỳ, bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

Xơ gan nếu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm tăng huyết áp tại tĩnh mạch cửa, bệnh não do gan, suy chức năng đa tạng và ung thư gan. Thậm chí bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm khuẩn, chảy máu tiêu hóa và hôn mê gan.

b. Ung thư gan

Bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư gan. Các triệu chứng của ung thư gan không đặc hiệu. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng, hoặc có thể bị phù và đau bụng, gan to, sụt cân và sốt. Phần lớn bệnh nhân ung thư gan được phát hiện thường ở giai đoạn muộn do bệnh diễn biến nhanh.

Các xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán hữu ích nhất cho bệnh ung thư gan là xét nghiệm máu để tìm một loại protein do ung thư tạo ra có tên là alpha-fetoprotein (AFP) và siêu âm. Hai xét nghiệm này được sử dụng để sàng lọc bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính, đặc biệt nếu người bệnh bị xơ gan hoặc tiền sử gia đình bị ung thư gan.

Viêm gan B mạn tính nếu không chữa trị sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan

Viêm gan B mạn tính nếu không chữa trị sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.

II. Điều gì xảy ra nếu điều trị viêm gan B mà ngưng nửa chừng?

Theo Phác đồ điều trị viêm gan B mới nhất do Bộ Y tế ban hành theo quyết định 5448/QĐ- BYT vào ngày 30/12/2014:

Điều trị viêm gan B cấp tính chủ yếu là hỗ trợ, bao gồm: nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng; hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu bia, tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan; xem xét nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nếu cần thiết và có thể sử dụng các thuốc bổ trợ gan.

Điều trị viêm gan B mạn tính thường bao gồm thuốc tiêm (Peg-interferon alfa 2a) và thuốc kháng virus (Entecavir, Tenofovir, Lamivudine, Adefovir, Telbivudine) nhằm ức chế sao chép virus viêm gan B, giúp giảm các triệu chứng cũng như ngăn ngừa tổn thương gan.

Thuốc điều trị kháng virus là loại thuốc có tác dụng làm giảm sự nhân lên của virus viêm gan B. Việc uống thuốc kháng virus sẽ kéo dài rất lâu, rất nhiều năm, thậm chí cả đời. Khi chưa có chi định của bác sĩ, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc. Việc tự ý ngưng thuốc kháng virus có thể gây viêm gan B bùng phát, gây suy gan cấp và dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, uống thuốc kháng virus viêm gan B không đều, không đúng giờ, thường xuyên quên thuốc sẽ khiến virus nhờn thuốc. Gan của người bệnh vẫn bị tổn thương và có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Bệnh nhân viêm gan B cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ

Bệnh nhân viêm gan B cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý kết hợp hay quên thuốc.

III. Cách phòng tránh diễn biến xấu của viêm gan B

- Chủng ngừa viêm gan siêu vi B đầy đủ theo đúng phác đồ. Vắc xin ngừa viêm gan B có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.

+ Đối với người lớn: Phác đồ chủng ngừa 3 mũi cơ bản 0-1-6.

+ Đối với trẻ sơ sinh: Tất cả trẻ sơ sinh được chủng ngừa 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B từ 12 - 24 giờ sau sinh. Chỉ sử dụng vắc xin ngừa viêm gan đơn giá để tiêm liều sơ sinh và có thể tiêm chủng cùng vắc xin phòng lao BCG nhưng tiêm ở 2 vị trí khác nhau.

Riêng trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan virus B, ngoài 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B thông thường, trẻ sẽ được tiêm thêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) trong 12 - 24 giờ sau sinh. Các mũi vắc xin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ tư như các trẻ khác.

Vắc xin phòng viêm gan B

Vắc xin phòng viêm gan B chỉ có tác dụng với những người chưa từng mắc bệnh viêm gan B.

- Dự phòng lây truyền sang người khác:

+ Thực hiện tình dục an toàn như hạn chế các bạn tình, sử dụng bao cao su...

+ Không dùng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu như dao cạo râu, bàn chải đánh răng...

+ Người bệnh viêm gan B không được hiến máu, tạng, mô hoặc tinh trùng.

+ Việc chích ngừa nên thực hiện cho tất cả những đối tượng có nguy cơ viêm gan B cao, nhất là những người làm trong ngành y tế, công an, gia đình có người dương tính HBsAg…

- Hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích gây hại cho gan.

- Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các thuốc đã và đang sử dụng vì một số thuốc có thể gây hại cho gan. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ, các loại thuốc không rõ nguồn gốc…

- Với bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính hoặc xơ gan, cần hạn chế sử dụng paracetamol, chỉ cần uống 2 gam/ngày đã có nguy cơ gây độc cho gan. Đối với bệnh nhân đang viêm gan B cấp tính, vàng da, tuyệt đối không được dùng paracetamol.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm để phòng và phát hiện sớm bệnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 7 cách để cải thiện sức khoẻ gan.

Theo alobacsi.com
Bình luận
Tin mới
Xem thêm