Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Khi nào cần điều trị tình trạng tê bì các ngón tay?

Tê bì ngón tay có thể chỉ gây khó chịu đôi chút hoặc thậm chí gây ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn.

Tê bì có thể gây ra cảm giác ngứa hoặc kiến bò nếu ai đó chạm nhẹ vào các ngón tay của bạn bằng một cây kim. Đôi khi, đó là cảm giác bỏng rát. Bên cạnh đó, tê bì có thể khiến bạn khó nhấc ngón tay lên. Bạn có thể cảm thấy vụng về, lóng ngóng giống như khi mất đi sức mạnh của bàn tay.

Nguyên nhân

Các dây thần kinh đóng vai trò dẫn truyền thông tin từ não và trở về não. Nếu chúng bị chèn ép, tổn thương hoặc bị kích thích thì tê bì có thể xảy ra. Ví dụ như một số có thể gây tê bì các ngón tay của bạn:

Hội chứng ống cổ tay

 

Đây là một rối loạn xảy ra khi xây thần kinh chi phối cảm giác cho bàn tay bị bó chặt hoặc bị cản trở. Nó thường gây ra tê bì ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái.

Bệnh lý rễ thần kinh vùng cổ

Bệnh xảy ra khi một rễ thần kinh của vùng cổ bị viêm hoặc chèn ép. Nó cũng gây ra các triệu chứng giống như hội chứng ống cổ tay.

Tiểu đường

Bệnh lý thần kinh do tiểu đường có thể dẫn đến tổn thương thần kinh ở bàn chân cũng như ở bàn tay. Bàn chân thường bị tê bì đầu tiên.

Bệnh Raynaud

 

Bệnh khiến cho các mạch máu nhỏ ở ngón tay bị co thắt hoặc mở ra và đóng lại rất nhanh, gây ra tê bì và ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.

Viêm khớp dạng thấp

Đây là một rối loạn tự miễn gây sưng, căng cứng và đau các khớp. Nó cũng có thể dẫn đến tê bì, kiến bò và cảm giác bỏng rát ở bàn tay.

Dây thần kinh trụ bị kẹt

Hội chứng ống cổ tay ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa ở cánh tay nhưng dây thần kinh trụ có thể bị kẹt gây tê bì ngón út và ngón nhẫn.

Những nguyên nhân ít gặp hơn gây tê bì ngón tay bao gồm:

  • Nghiện rượu
  • Bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis)
  • Nang hạch
  • Hội chứng Guillain-Barre
  • HIV
  • AIDS
  • Bệnh Lyme
  • Đa xơ cứng
  • Tác dụng phụ của thuốc, ví dụ như hóa trị
  • Hội chứng Sjogren
  • Đột quỵ
  • Giang mai
  • Viêm mạch
  • Thiếu vitamin B12
  • Bệnh Hansen hay còn gọi là hủi, phong
  • Gãy xương cổ tay hoặc bàn tay

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Đôi khi, cảm giác tê bì hoặc kiến bò có thể là những triệu chứng của một cấp cứu y khoa. Ví dụ như khi một người bị đột quỵ do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào dưới đây, cần gọi cấp cứu ngay lập tức:

  • Lơ mơ
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Tê bì bàn tay hoặc ngòn tay
  • Đau đầu dữ dội
  • Nói lắp
  • Đột nhiên yếu hoặc liệt

Nếu các triệu chứng của bạn bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến những hoạt động hàng ngày hoặc gây đau và khó chịu đáng kể, hãy đến gặp bác sĩ.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh cho bạn bằng hỏi tiền sử và thăm khám cánh tay, bàn tay, các ngón tay. Trong một số trường hợp, bác sẽ được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa, ví dụ như bác sĩ chỉnh hình hoặc chuyên khoa thần kinh để đánh giá chức năng thần kinh.

Một xét nghiệm khác thường được dùng đó là chụp cộng hưởng từ. Nó có thể giúp đánh giá xương ở các vị trí như cổ, vai, cánh tay, cổ tay và các ngón tay có bị lệch ra và gây chèn ép dây thần kinh của bạn hay không.

Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh gây ra tê bì ngón tay như viêm khớp dạng thấp hoặc thiếu vitamin B12.

Điều trị

Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc không kê đơn để giảm viêm, ví dụ như các thuốc kháng viêm phi steroid – ibuprofen và acetaminophen.

Một lựa chọn khác là đeo nẹp để giúp cho khuỷu tay và cổ tay của bạn ở vị trí thích hợp, ít gây chèn ép dây thần kinh.

Trong những trường hợp hiếm gặp khi thuốc không kê đơn không có hiệu quả, bác sĩ có thể cho bạn tiêm steroid để giảm viêm, phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép.

Để bàn tay và cổ tay của bạn được nghỉ ngơi là cách tốt nhất để giảm viêm khi bạn ở nhà. Bạn cũng có thể chườm lạnh lên vùng bị tổn thương. Tập luyện để kéo dãn bàn tay và cổ tay có thể giảm bớt khó chịu:

  • Kéo căng các ngón tay của bạn hết mức có thể và giữ ở tư thế đó trong vòng 10 giây
  • Xoay bàn tay theo chiều kim đồng hồ khoảng 10 lần và đổi hướng ngược lại để giảm căng cơ
  • Xoay vai ra sau 5 lần và sau đó xoay ra trước 5 lần để thả lỏng hết mức có thể
  • Lặp lại bài tập trên hàng ngày để giảm căng cơ.

Phòng bệnh

Một vài nguyên nhân liên quan đến tê bì ngón tay là do chấn thương quá nhiều. Đó là khi bạn sử dụng các cử động và hoạt động lặp lại, có thể gây kích thích hoặc tổn thương các dây thần kinh và dẫn đến tê bì.

Những cách để phòng tránh chấn thương lặp lại bao gồm:

  • Giữ tư tế đúng khi sử dụng công cụ, bàn phím và các thiết bị khác có thể dẫn đến chấn thương lặp lại
  • Giải lao giữ các hoạt động mỗi 30 phút đến 1 giờ
  • Kéo dãn những cơ bạn đang sử dụng để giảm căng cơ
  • Mua các thiết bị hỗ trợ, ví dụ như nẹp cổ tay

Tiên lượng

Tê bì ngón tay thường có thể điều trị được nếu không đi kèm với các triệu chứng cấp cứu. Nghỉ ngơi có thể giúp giảm các chấn thương quá nhiều. Bác sĩ cũng có thể khuyến cáo sử dụng những phương pháp điều trị đặc biệt hơn tùy thuộc vào bệnh lí nguyên nhân của bạn. Nhìn chung, điều trị càng sớm thì tê bì càng ít có khả trở thành vĩnh viễn. Đó là lí do tại sao bạn không nên lờ đi các triệu chứng của mình.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm