Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hen phế quản ở phụ nữ có thai - mấy vấn đề cần lưu ý

Tỷ lệ hen phế quản (HPQ) ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tính chung trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc bệnh ở những phụ nữ có thai là khoảng 7%, tức là cao hơn so với cộng đồng.

Thời gian gần đây, Hen phế quản (HPQ) ở phụ nữ có thai đang trở thành một vấn đề thời sự trong y học, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các thày thuốc, người bệnh cũng như gia đình của họ. Bài viết này xin giới thiệu một số nét cơ bản về sự tác động qua lại giữa HPQ và thai nghén cũng như chiến lược điều trị HPQ ở những phụ nữ đang mang thai.

Ảnh hưởng của thai nghén với HPQ: rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của thai nghén đối với tình trạng của bệnh đã được tiến hành, nhưng các nhà khoa học đã không tìm được ra câu trả lời thống nhất cho vấn đề này.

Theo kết quả của những nghiên cứu trên, khoảng 35 - 42% các trường hợp HPQ sẽ nặng lên trong thời kỳ mang thai, 33 - 40% không thay đổi và 18 – 28% bệnh sẽ nhẹ đi. Việc dự đoán diễn biến của bệnh trong thai kỳ ở một cá thể riêng lẻ là hết sức khó khăn do sự tác động cùng lúc của rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng trái ngược nhau.

Nói chung, ở những người HPQ mức độ nhẹ, bệnh thường ít có những diễn biến đáng lo ngại trong thời kỳ mang thai. Ngược lại, những trường hợp HPQ nặng, bệnh thường diễn biến xấu đi trong thời kỳ này. Một trong những lý do quan trọng làm cho tình trạng bệnh nặng lên trong thai kỳ là do người bệnh tự ý ngừng hoặc giảm liều điều trị do lo ngại về tính an toàn của thuốc.

Ảnh hưởng của HPQ đối với thai: Hầu hết các bệnh nhân HPQ có thể mang thai và sinh nở một cách bình thường như những người khoẻ mạnh khác. Tuy nhiên, những trường hợp hen nặng, không được kiểm soát tốt có thể gây ra những tác động tiêu cực trên thai do tình trạng thiếu ôxy máu kéo dài. Nhiều nghiên cứu trong khoảng 20 năm trở lại đây cho thấy, những bà mẹ bị HPQ có nguy cơ đẻ non, thai nhẹ cân hoặc mắc một số bệnh lý (nhịp tim nhanh, co giật, hạ đường huyết…) cao hơn so với những bà mẹ không mắc bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ này là rất nhỏ nếu HPQ được điều trị ổn định và nó còn có thể được giảm thiểu bằng cách duy trì sự kiểm soát bệnh tối ưu trong suốt thời kỳ mang thai.

Điều trị HPQ ở phụ nữ có thai

Điều trị kiểm soát bệnh:Với những phụ nữ đang mang thai, mục tiêu, nguyên tắc và cường độ điều trị HPQ tương tự như ở những người không mang thai. Do thường xuyên đi khám tại các cơ sở y tế, những sản phụ bị HPQ có điều kiện rất thuận lợi để có thể kiểm soát được bệnh một cách tối ưu.

Các thuốc dùng trong điều trị HPQ ở những người mang thai cũng không có sự khác biệt đáng kể so với những người không mang thai. Tất cả các thuốc thường dùng trong điều trị HPQ như cường bêta 2, Theophyllin, corticosteroid dạng hít đều có thể được sử dụng một cách an toàn trong thai kỳ. Đối với corticosteroid đường toàn thân (uống hoặc tiêm truyền), do nghi ngại về tác dụng phụ của nó nên hầu hết các thày thuốc và bệnh nhân rất do dự khi phải sử dụng các thuốc này.

Tuy nhiên, các loại corticosteroid thường dùng như prednisolon, methyl prednisolon, prednison đều bị chuyển hoá ở rau thai và chỉ còn một phần rất nhỏ (10%) thuốc có hoạt tính đến được thai nhi. Các nghiên cứu từ năm 1993 trở lại đây cho thấy, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh hoặc các bất thường khác của thai nhi ở những phụ nữ mang thai có sử dụng corticosteroid toàn thân không tăng lên khi sử dụng liều điều trị thông thường. Do đó, corticosteroid đường toàn thân hoàn toàn có thể sử dụng được ở những phụ nữ có thai nếu được chỉ định đúng.

Điều trị cơn hen cấp: Cũng giống như với điều trị kiểm soát bệnh, việc điều trị cơn HPQ cấp ở những phụ nữ mang thai không có nhiều khác biệt so với những người không mang thai. Những loại thuốc thường dùng trong xử trí cơn hen cấp như cường bêta 2 đường khí dung hoặc tiêm truyền, Diaphyllin, corticosteroid tiêm truyền và thở ôxy đều có thể được chỉ định một cách an toàn ở những phụ nữ có thai. Việc chụp X quang lồng ngực nên được hạn chế tối đa ở những người này để tránh cho thai nhi phải tiếp xúc với các bức xạ ion hoá.

Điều trị HPQ ở phụ nữ cho con bú: Những phụ nữ bị HPQ được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Nguy cơ mắc các bệnh dị ứng cơ địa ở những đứa con của các bà mẹ bị hen là khoảng 10%, và nguy cơ này có thể giảm xuống nhờ được nuôi bằng sữa mẹ. Tất cả các thuốc được dùng trong điều trị hen như corticosteroid, cường bêta 2 đường uống hoặc khí dung, Theophyllin đều có thể được sử dụng một cách an toàn ở phụ nữ đang cho con bú.

Tóm lại, việc xử trí HPQ ở những phụ nữ có thai không có sự khác biệt đáng kể so với những người không mang thai. Ưu tiên hàng đầu của việc điều trị này là giảm đến mức tối đa các triệu chứng của bệnh. Tất cả các thuốc điều trị hen đều an toàn với thai. Cuối cùng, một điều quan trọng cần được nhấn mạnh là, nguy cơ đối với thai nhi nếu bệnh không được kiểm soát tốt lớn hơn rất nhiều so với độc tính của thuốc. Do đó, những bệnh nhân HPQ khi có thai không nên tự ý ngừng hoặc giảm liều điều trị mà không có ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Ths. Bs. Nguyễn Hữu Trường - Theo Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng BV Bạch mai
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

  • 18/04/2024

    Dị ứng có nên giữ con bạn ở nhà?

    Bệnh dị ứng của con bạn có khiến trẻ phải nghỉ học hoặc cản trở chuyến đi chơi của gia đình không? Mỗi ngày, 10.000 trẻ em ở Hoa Kỳ phải nghỉ học vì các triệu chứng dị ứng.

Xem thêm