Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giảm tiểu cầu: những điều cần biết

Có 3 loại tế bào máu là: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Những tế bào này sẽ di chuyển ở trong một môi trường lỏng gọi là huyết tương. Mỗi loại tế bào máu đều đảm nhiệm những vai trò quan trọng để duy trì hoạt động sống bình thường của cơ thể.

Giảm tiểu cầu: những điều cần biết

Khi bạn bị tổn thương, tế bào tiểu cầu sẽ kết dính lại tạo thành nút tiểu cầu và từ đó hình thành các cục máu đông, giúp bạn cầm máu. Khi bạn không có đủ tiểu cầu trong máu, thì các cục máu đông sẽ không thể hình thành được.

Giảm tiểu cầu có mức độ từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào nguyên nhân. Với một số người, các triệu chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị. Với một số người khác thì bệnh có thể sẽ không biểu hiện triệu chứng gì.

Thông thường, giảm tiểu cầu là hậu quả của một tình trạng bệnh lý, ví dụ như bệnh bạch cầu hoặc do tác dụng của một số loại thuốc. Việc điều trị thường sẽ giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng giảm tiểu cầu.

Thành mạch bị tổn thương & quá trình đông máu
Triệu chứng giảm tiểu cầu

Việc bạn có xuất hiện triệu chứng của tình trạng giảm tiểu cầu hay không phụ thuộc vào mức độ giảm tiểu cầu của bạn.

Các trường hợp nhẹ, như giảm tiểu cầu khi mang thai, thường sẽ không gây ra triệu chứng gì. Các trường hợp nặng hơn có thể gây ra tình trạng chảy máu không kiểm soát được và cần được chăm sóc y tế ngay. Nếu bạn bị giảm tiểu cầu, bạn có thể gặp phải các triệu chứng:

  • Các vết bầm tím màu đỏ, tím hoặc nâu
  • Chảy máu mũi (chảy máu cam)
  • Chảy máu lợi
  • Chảy máu từ các vết thương lâu ngày hoặc chảy máu không cầm được
  • Chu kỳ kinh nguyệt tăng số ngày và mức độ mất máu
  • Chảy máu từ trực tràng
  • Có máu trong phân
  • Có máu trong nước tiểu.

Trong những trường hợp nặng hơn, bạn có thể sẽ bị chảy máu trong. Triệu chứng của chảy máu trong bao gồm:

  • Có máu trong nước tiểu
  • Có máu trong phân
  • Chất nôn có máu hoặc có màu nâu sẫm

Tới ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ chảy máu trong.

Rất hiếm khi, tình trạng giảm tiểu cầu dẫn đến chảy máu trong não. Nếu bạn bị giảm tiểu cầu và bị đau đầu hoặc gặp phải bất kỳ vấn đề gì về thần kinh hãy tới gặp bác sỹ.

Nguyên nhân của giảm tiểu cầu

Các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu:

Các vấn đề với tủy xương

Tủy xương là lớp mô xốp ở bên trong xương. Tủy xương là nơi sản xuất ra các tế bào máu bao gồm cả tiểu cầu. Nếu tủy xương không sản xuất đủ tiểu cầu, bạn sẽ mắc phải tình trạng giảm tiểu cầu. Các nguyên nhân dẫn đến giảm sản xuất tiểu cầu bao gồm:

  • Thiếu vitamin B12
  • Thiết axit folic (folate)
  • Thiếu sắt
  • Nhiễm virus, bao gồm HIV, virus Epstein – Barr, và thủy đậu
  • Phơi nhiễm với xạ trị, hóa trị hoặc các chất hóa học độc hại
  • Tiêu thụ quá nhiều rượu
  • Xơ gan
  • Bệnh bạch cầu
  • Hội chứng loại sản tủy (myelodysplasia)

Tiểu cầu bị tiêu hủy

Mỗi tiểu cầu có đời sống khoảng 10 ngày trong cơ thể khỏe mạnh. Giảm tiểu cầu có thể là tình trạng cơ thể tiêu hủy quá nhiều tiểu cầu. Nguyên nhân có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm thuốc lợi tiểu và thuốc chống động kinh. Tiểu cầu bị tiêu hủy quá mức cũng có thể là triệu chứng của:

  • Phì đại lá lách
  • Rối loạn tự miễn
  • Mang thai
  • Nhiễm khuẩn
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP)
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối
  • Hội chứng ure huyết tán
  • Hội chứng đông máu rải rác nội mạch

Chẩn đoán giảm tiểu cầu

Nếu bác sỹ nghi ngờ bạn bị giảm tiểu cầu, bác sỹ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Trong quá trình khám, bác sỹ sẽ kiểm tra xem trên cơ thể bạn có bất cứ vết bầm tím bất thường hoặc có dấu hiệu xuất huyết hay không. Bác sỹ cũng có thể sẽ khám bụng để kiểm tra xem lách của bạn có bị phì đại hay không. Bác sỹ cũng có thể hỏi về tiền sử gia đình của bạn liệu có ai bị các rối loạn về máu không vì những loại rối loạn này có thể sẽ di truyền.

Xét nghiệm máu

Để chẩn đoán, bác sỹ sẽ tiến hành xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu. Loại xét nghiệm này sẽ cho bác sỹ biết liệu mức tiểu cầu của bạn có thấp hơn ngưỡng bình thường hay không.

Bác sỹ cũng có thể xét nghiệm máu của bạn để tìm kháng thể kháng tiểu cầu. Đây là loại protein mà cơ thể sản xuất ra để phá hủy tiểu cầu. Kháng thể kháng tiểu cầu có thể được sản xuất ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc, ví dụ như clopidogrel (Plavix) hoặc do một nguyên nhân khác.

Bác sỹ cũng có thể sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm đông máu, loại xét nghiệm này thường sẽ phải tiến hành lấy mẫu máu của bạn.

Nếu bác sỹ nghi ngờ lách của bạn bị phì đại, bạn có thể được siêu âm.

Sinh thiết tủy xương

Nếu bác sỹ nghi ngờ nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu là do vấn đề ở tủy xương, bác sỹ có thể chỉ định chọc hút và sinh thiết tủy xương.

Điều trị giảm tiểu cầu

Điều trị giảm tiểu cầu phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nếu bệnh của bạn nhẹ, bác sỹ có thể sẽ tạm dừng việc điều trị và chỉ đơn giản là theo dõi bạn. Bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn nên thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn tình trạng này không diễn biến xấu đi. Bao gồm:

  • Tránh các hoạt động, môn thể thao có nguy cơ cao gây chảy máu hoặc bầm tím
  • Hạn chế tiêu thụ rượu bia
  • Ngừng hoặc đổi các loại thuốc gây ảnh hưởng đến tiểu cầu, bao gồm aspirin và ibuprofen.
Nếu tình trạng giảm tiểu cầu của bạn nghiêm trọng, bạn sẽ cần được can thiệp y tế. Các biện pháp bao gồm:
  • Truyền máu hoặc truyền tiểu cầu
  • Thay đổi các loại thuốc gây giảm tiểu cầu
  • Dùng steroid
  • Dùng globuline miễn dịch
  • Dùng các loại thuốc làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch
  • Phẫu thuật cắt bỏ lá lách

Triển vọng điều trị

Không phải tất cả mọi người bị giảm tiểu cầu đều cần phải điều trị. Một số tình trạng gây giảm tiểu cầu thậm chí sẽ tự biến mất. Trong các trường hợp này, tiểu cầu sẽ tự quay về mức bình thường.

Tuy nhiên, những người bị giảm tiểu cầu nặng có thể sẽ cần được điều trị. Đôi khi, giảm tiểu cầu có thể được giải quyết bằng việc điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn. Bác sỹ sẽ tìm ra kế hoạch điều trị tốt nhất, giúp bạn kiểm soát được các triệu chứng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tổng quan về rối loạn tiểu cầu

Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm