Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đừng sở hữu con như một thứ tài sản

Nhiều bậc phụ huynh hay áp đặt con cái phải làm theo suy nghĩ của riêng mình và coi con chẳng khác gì tài sản của bố mẹ. Đây là quan niệm hết sức sai lầm.

Dân gian ta có câu: Con cái là của để dành. Đây là suy nghĩ của nhiều người Việt Nam. Trong chữ "của để dành", người ta như thấy rằng người lớn đã vô tình coi trẻ em là tài sản của cha mẹ mà thôi. Và trong cách giáo dục, chăm sóc trẻ, một số cha mẹ cũng vô tình không để ý đến tâm lý, cảm xúc của trẻ mà chỉ coi con mình như tài sản "vô tri vô giác".

Không chỉ có cha mẹ, ngay chính ông bà cũng nghĩ con là tài sản của gia đình. Vì thế, sinh con ra, con phải có giới tính như ông bà, cha mẹ mong muốn. Nếu nhà độc đinh mà sinh con gái thì đó không chỉ là lỗi của con mà còn là lỗi của người mẹ nữa. Đó là chưa kể những gia đình sinh con chẳng may mắc tật nào đó thì em có thể bị coi như hàng phế phẩm. Một số người sẽ nghĩ rằng phải sinh thêm con để bù lại chứ không nghĩ là cần phải chăm sóc con nhiều hơn vì con đã quá bất hạnh rồi.

Khi con còn nhỏ, ở nhà, một số người có quan niệm chăm con theo kiểu nuôi ăn chóng lớn, với suy nghĩ rằng cho con ăn nhiều thì con sẽ bụ bẫm. Quan niệm  này hoàn toàn sai lầm. 

Vì cơ địa của mỗi người khác nhau, nhồi nhét thức ăn sẽ làm bộ máy tiêu hóa của bé bị quá tải. Khi bé không muốn ăn, dịch vị không tiết ra, tiêu hóa không thể diễn ra bình thường và có thể gây hại cho bé như có thể gây ra bệnh đau dạ dày. Là một người mẹ tâm lý, chúng ta không nên đè ngửa bé ra để ép bé ăn. Quá trình tiêu hóa rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có trường hợp, bé ăn nhiều nhưng không béo hoặc có béo nhưng hay ốm đau cũng vì lý do này.

Khi bé nô đùa, cha mẹ bắt bé phải yên lặng, ngồi yên một chỗ. Trẻ con hiếu động, và đang ở tuổi khám phá thế giới. Cha mẹ am hiểu và tâm lý không những nên để bé nô đùa mà còn nên tạo nhiều cơ hội cho bé hoạt động để phát triển.

Một số cha mẹ cũng luôn bắt con phải sạch sẽ. Chơi cát là một phương pháp phát triển khả năng sáng tạo rất tốt dành cho trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học. Nếu con không sống hòa nhập với môi trường, chắc chắn con sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nhưng khi bé tìm hiểu môi trường bằng cách nghịch cát thì lập tức bị cha mẹ quát mắng và bắt đi rửa tay ngay.

Khi con đi học, cha mẹ đưa con đến lớp với kỳ vọng cao vào tay giáo viên. Mỗi tối về nhà, cha mẹ lại kiểm tra xem con có tì vết gì không. Họ yêu cầu giáo viên phải trông nom bé theo cách họ muốn. Phải uống sữa, ăn thật nhiều, và luôn tinh tươm. Cha mẹ không cho bé làm công việc nhà vì không tin tưởng, cho rằng con không biết làm, con còn bé.

Ai rồi cũng sẽ trở thành người trưởng thành và phải học cách chăm sóc cho chính mình và cho người khác sau này. Nhưng do không tin tưởng con nên không ít bậc phụ huynh đã không cho bé làm những việc đơn giản để có thể trở nên tự lập khi trưởng thành.

Một số cha mẹ cho con mình thí nghiệm với các khóa học mà không để ý rằng, ai cũng sẽ có các mốc phát triển lần lượt theo thứ tự. Vội vàng ép con phải học, phải theo các lớp luyện rèn khác nhau có thể sẽ gây ra những bất ổn về tâm lý và nhận thức của con trẻ. Chính vì điều này, các bậc phụ huynh đã vô tình làm khổ con mình.

Con cái nên được yêu thương và tôn trọng, cha mẹ không nên áp đặt con cái theo suy nghĩ riêng của mình

Khi con bắt đầu đi học tiểu học, một số phụ huynh lại coi con như một máy ghi âm, phát tiếng. Có trường hợp phụ huynh còn thu âm bài học vần hoặc toán thật sớm của bé để khoe với mọi người. Tuy nhiên, con không phải là catssette nên đôi khi không theo ý cha mẹ mong muốn. Vì lý do này, có bé đã bị ăn đòn chỉ vì sự hà khắc của cha mẹ. Vì bé đã không đạt được như kỳ vọng của cha mẹ.

Khi con bị cô giáo mắng, cha mẹ vội vàng tìm cách đổ tội cho cô giáo mà không tìm hiểu ngọn ngành ra sao. Từ lý do này, vô khối trẻ trẻ khi bị cô giáo phạt đã nghĩ mình đúng, cô sai. Sau này, nếu có ra sao, cha mẹ lại đổ lỗi cho nhà trường.

Ngoài ra, con còn có trách nhiệm phải hoàn thành ước mơ của cha mẹ. Có trường hợp cha mẹ ngày nhỏ theo đuổi mơ ước mà không hoàn thành được thì ép con phải hoàn thành tâm nguyện của mình. Đây chính là lí do một số học sinh cấp 3 không theo đuổi được mơ ước của mình.

Các em được dắt tay nộp hồ sơ xét tuyển Đại học theo ý nguyện của cha mẹ. 18 tuổi, là người đã trưởng thành nhưng một số phụ huynh vẫn còn có suy nghĩ 18 tuổi thì chưa thể hiểu biết để chọn ngành nghề. Khi làm thế, cha mẹ không biết rằng mình đã vô tình dập tắt khả năng sáng tạo, lập kế hoạch, mơ ước và theo đuổi ước mơ của các em. Khi không thực hiện được ý nguyện và ước mơ của riêng mình, cuộc đời các em còn ý nghĩa gì nữa?

Vì vậy, cha mẹ hãy nâng niu và coi trọng ước muốn của con em mình. Hãy tâm lý với các em và để cho các em được phát triển một cách tự nhiên nhất, để các em luôn hạnh phúc, tự tin vào bản thân mình trên đường đời rộng lớn sau này.

TS. Vũ Thu Hương - Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
Xem thêm