Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đừng để “chết đói” trước khi chết vì ung thư

Quan niệm ung thư là chết, ung thư là không được ăn để tế bào ung thư chết đi là quan niệm hết sức sai lầm. Bởi lẽ, trước khi tế bào ung thư chết thì con người đã trở nên suy kiệt, thậm chí chết đói...

Tuy ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, 50% số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Nhiều tiến bộ điều trị ung thư trúng đích

Trò chuyện với gần 200 bệnh nhân ung thư trong cuộc tọa đàm “Ung thư không phải là dấu chấm hết” trong Ngày hội sức khỏe người Việt do Hội Nội khoa Việt Nam tổ chức, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, ông đã từng chứng kiến rất nhiều người khi biết tin mình mắc bệnh ung thư thì suy sụp tinh thần, tâm lý vô cùng chán nản, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị. Trên thực tế, theo GS. Đức 50% số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

“Ai cũng lo lắng khi biết mình mắc bệnh nhưng cần vượt qua tâm lý ban đầu để tập trung điều trị bệnh. Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có nhiều phương pháp chữa bệnh ung thư có hiệu quả, cập nhật nhiều kỹ thuật tiên tiến đem lại cơ hội chữa lành cho nhiều bệnh nhân. Phẫu thuật là một biện pháp quan trọng để cắt bỏ tế bào ung thư. Trước đây phẫu thuật chỉ mổ mở nay có thể mổ nội soi vẫn giúp lấy hết được tế bào ung thư, vét sạch hạch vùng lân cận mà không gây tổn thương nhiều cho người bệnh. Tiến bộ hơn, giờ y học đã có thể ghép tạng cứu bệnh nhân ung thư.

GS. TS Nguyễn Bá Đức.

Hay trong xạ trị, hiện cũng có rất nhiều tiến bộ. Trước kia xạ trị ảnh hưởng đến cả vùng tế bào lành, thì nay với máy gia tốc hiện đại, điều biến liều xạ trị chính xác vào khối u, không gây ảnh hưởng đến vùng tế bào lành. Hoặc y học hạt nhân đã đưa cả hạt vi cầu phóng xạ vào tận khối u diệt tế bào ung thư là một kỹ thuật vô cùng mới, hiện đại. Trong hoá chất thì có tiến bộ lựa chọn, diệt tế bào ung thư trúng đích, hạn chế tổn thương tế bào lành khác của cơ thể.

Trước đây truyền hóa chất là gây ảnh hưởng toàn thân, nhưng nay hóa chất mới đặc hiệu với tế bào ung thư, chỉ khi gặp tế bào ung thư mới tiêu diệt và hạn chế ảnh hưởng tế bào lành. Chưa kể rất nhiều phương pháp sinh học khác như tăng sinh mạch máu, thuốc điều trị gen, phối hợp kháng thể để đưa thêm thuốc hóa chất, cộng thêm phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư…”- GS Đức thông tin.

GS. Đức nhấn mạnh, những phương pháp này mở ra cơ hội chữa bệnh mà trước đây chúng ta không thể làm được. Đó là nhờ tiến bộ cả gây mê hồi sức, dinh dưỡng, khoa học chuyên ngành, chẩn đoán hình ảnh, chụp mạch, cả chăm sóc giảm đau cho người bệnh có nhiều tiến bộ. Ngoài ra cũng phải kể đến những loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ giúp người bệnh giảm tác dụng phụ khi điều trị, giảm khó chịu do bệnh gây ra, tăng cường sức khỏe cho người bệnh….

Tuy nhiên, để điều trị bệnh nói chung cũng như ung thư có hiệu quả, quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, kịp thời đến bệnh viện khi có những yếu tố bất thường.

Đừng để “chết đói” trước khi chết vì ung thư

GS. Đức cũng chỉ ra rất nhiều quan niệm sai lầm về ung thư được đồn thổi gần đây như quan niệm “ung thư động dao kéo vào là chết”, ung thư không được ăn nhiều đạm vì “nuôi” tế bào ung thư phát triển, ung thư không được đi đám ma, ung thư không được quan hệ tình dục…

“Tâm lý cũng là điều rất quan trọng khi điều trị ung thư, người bệnh không nên có tâm lý mặc cảm, tự ti. Hãy nghĩ đơn giản ung thư là căn bệnh của xã hội, căn bệnh của thời kỳ công nghiệp phát triển, tuổi thọ càng cao thì tỉ lệ bệnh càng cao.

Một nghiên cứu trên thế giới cho thấy có đến 2/3 số bệnh nhân ung thư phát hiện đã ở giai đoạn suy kiệt, lo lắng, đau đớn, chán ăn, khủng hoảng tinh thần… Ở Việt Nam, tôi nghĩ tỉ lệ này còn cao hơn vì xuất hiện quan niệm ung thư là chết, ung thư là không được ăn để tế bào ung thư chết đi. Đây là quan niệm hết sức sai lầm, trước khi tế bào ung thư chết thì con người đã trở nên suy kiệt, thậm chí chết đói”- GS. Đức nhấn mạnh.

Phòng bệnh ung thư cách nào?

Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 trường hợp mắc ung thư. Con số này khiến nhiều người ám ảnh, lo sợ. Về nguyên nhân gây bệnh, GS.TS Nguyễn Bá Đức cho biết, khi tế bào bị đột biến, sinh ra những dòng tế bào có khả năng tăng trưởng vô hạn độ, không tuân theo quy luật, sự kiểm soát bình thường thì sẽ tạo ra những khối u.

Tất cả những gì tác động vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư và trên 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỉ lệ tự đột biến rất thấp, chỉ khoảng 10%. Trong các tác nhân bên ngoài, thức ăn đóng một vai trò quan trọng, được xếp hàng đầu trong các tác nhân môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (40%), đứng thứ 2 là thuốc lá (30%).

Như vậy cứ 10 người ung thư thì có 4 người bị do ăn phải thực phẩm không an toàn và 3 ca là do tác nhân thuốc lá gây nên. Tuy nhiên, khói thuốc độc hại như thế nào có thể được vạch mặt chỉ tên rất rõ.

Còn trong ăn uống, có quá nhiều nguy cơ, thiên hình vạn trạng không kể hết được. Từ rau quả, thực phẩm nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản đến cách chế biến thực phẩm cũng có thể là tác nhân gây ung thư.

Ví như thói quen ăn nhiều đồ nướng, thức ăn rán cháy, dầu mỡ dùng rán đi rán lại nhiều lần; hay như một số thực phẩm người dân ăn do tập quán, do không nghĩ đến tác hại của nó như ăn nấm mốc, gạo mốc, các loại hạt bị mốc, lên mầm... có thể sinh ra các chất gây ung thư. Thói quen ăn nhiều các loại rau, dưa muối mặn… cũng dễ gây ung thư các cơ quan tiêu hóa như ung thư ruột, ung thư gan. Ăn nhiều thức ăn động vật, mỡ, dễ dẫn đến thừa đạm, dễ gây ung thư đại tràng, trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt…

Vì vậy để phòng bệnh, hãy từ bỏ thuốc lá và lựa chọn thực phẩm an toàn và ăn nhiều rau xanh, sạch… . Khi có dấu hiệu bất thường thì cần đi khám và điều trị sớm, không nên âm thầm chịu đựng dấu giếm, mà nên chia sẻ với người tin cậy để giúp vượt qua khó khăn...

Dương Hải - Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

Xem thêm