Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đừng chủ quan với chảy máu tiêu hóa

Chảy máu tiêu hóa là hiện tượng máu chảy ra khỏi mạch máu, mà mạch máu ấy lại nằm trong ống tiêu hóa. Đây là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa.

Chảy máu tiêu hóa là hiện tượng máu chảy ra khỏi mạch máu, mà mạch máu ấy lại nằm trong ống tiêu hóa. Đây là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Nếu như chảy máu đường tiêu hóa trên với biểu hiện chủ yếu là nôn ra máu làm cho mọi người lưu tâm và chữa trị kịp thời thì với chảy máu đường tiêu hóa dưới đôi khi rất âm thầm khiến người bệnh dễ chủ quan. Chảy máu tiêu hóa dưới được định nghĩa là chảy máu đường tiêu hóa có nguồn gốc từ góc Treitz xuống tận hậu môn.

Chảy máu từ ruột non

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu ở ruột non, thông thường chảy máu ở ruột non là một trong các bệnh lý khó phát hiện nhất.

Viêm ruột xuất huyết: Thường xuất hiện khi bị nhiễm khuẩn các vi khuẩn gây bệnh bằng nội độc tố như E.Coli có nhóm huyết thanh 0 157-H7. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tình trạng nhiễm khuẩn nặng, đau bụng, tiêu chảy, phân có máu tươi hoặc màu đỏ sẫm. Bệnh nhân có thể có tình trạng mất nước, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và chảy máu. Điều trị chủ yếu là kháng sinh mạnh, bù nước và điện giải, nếu cần có thể phải truyền máu.

Bệnh Scholein Henoch: Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, hiện đang nghĩ nhiều đến nguyên nhân miễn dịch dị ứng. Bệnh thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Bệnh có nhiều thể, với thể tổn thương tiêu hóa, biểu hiện chủ yếu là tình trạng nhiễm khuẩn với sốt, đau khớp, đau bụng, đại tiện phân máu thường là tươi hoặc đỏ bầm. Điều trị cần phối hợp corticoid.

Thương hàn: Ngoài những triệu chứng của bệnh cảnh thương hàn, biến chứng chảy máu thường xảy ra sau 1-2 tuần do biến chứng loét ruột, có thể kèm theo biến chứng thủng ruột. Bệnh nhân đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc đỏ sẫm. Ngoài điều trị chảy máu cần chú ý điều trị thương hàn.

Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Đây là một cấp cứu nội - ngoại khoa. Bệnh cảnh thường là nặng nếu xảy ra ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao 40 - 41oC. Đau và trướng bụng, đại tiện phân đen mùi thối khắm. Điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch, cân nhắc điều trị ngoại khoa khi có biến chứng.

Bệnh Crohn: Thường gặp là tổn thương vùng hồi manh tràng với đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng. Biến chứng chảy máu thường gặp vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh với tổn thương loét hoặc rò thủng vách ruột. Điều trị bằng kháng sinh, corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

Loét túi thừa Meckel: Đây là bệnh cảnh hiếm gặp, chẩn đoán lâm sàng rất khó. Bệnh có thể chảy máu từng đợt tự ngừng, có thể kèm theo sốt hoặc không, khám vùng hố chậu phải có thể đau.

Lồng ruột: Thường là lồng hồi - hồi tràng hoặc hồi - manh tràng, bệnh thường xảy ra ở những trẻ em bụ bẫm 8-9 tháng tuổi có yếu tố thúc đẩy như sau tiêu chảy. Khởi bệnh với đau bụng từng cơn sau đó có dấu hiệu tắc ruột và đại tiện phân nhầy máu. Điều trị chủ yếu bằng ngoại khoa để cắt bỏ khối lồng ruột và cầm máu.

Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu ruột non từ các nguyên nhân hiếm gặp khác như: lao ruột, ung thư ruột non, hoặc chảy máu từ ruột non trong bệnh lý chảy máu toàn thể như trong sốt xuất huyết, bệnh bạch cầu cấp...

Chảy máu từ đại tràng

Loét túi thừa Meckel.

Là loại chảy máu thường gặp trong chảy máu tiêu hóa thấp. Do đặc điểm vị trí chảy máu thấp, nếu có tổn thương vùng trực tràng hậu môn sẽ kích thích đại tiện làm tăng số lần đi đại tiện, do đó lâm sàng thường có hội chứng lỵ hoặc giả lỵ và phân có màu đỏ tươi.

Lỵ trực trùng: Thường xảy ra ở trẻ em có yếu tố dịch tễ kèm theo. Lâm sàng có hội chứng nhiễm khuẩn có thể nhiễm độc với sốt cao, đau quặn bụng dữ dội, đại tiện nhiều lần (15-20 lần/ngày), kèm mót rặn và đau hậu môn. Phân lỏng, rất ít hoặc chỉ toàn máu, màu đỏ như máu cá hoặc nước rửa thịt. Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, bù nước và điện giải, vitamin và các thuốc băng se niêm mạc.

Lỵ amíp: Bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ với sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị; đại tiện phân nhầy máu, thường máu chỉ dính quanh phân có màu đỏ tươi, kèm mót rặn và đau hậu môn sau đại tiện. Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, thường là nhóm metronidazol hoặc nhóm quinolon.

Ung thư đại tràng: Là bệnh lý thường gây chảy máu tiêu hóa thấp ở người già. Tùy theo vị trí ung thư đại tràng phải hay trái mà có những biểu hiện khác nhau. Ung thư đại tràng phải thường kèm theo đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng trái thường có dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi. Còn ung thư trực tràng hậu môn thường kèm theo dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần hoặc nhiều khi chảy máu hậu môn một cách tự nhiên. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào chụp nhuộm đại tràng baryt hoặc nội soi sinh thiết đại tràng. Điều trị chủ yếu bằng phát hiện sớm để cắt bỏ khối u, cầm máu.

Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, với biểu hiện từng đợt bao gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu, thường là máu tươi. Điều trị đáp ứng với corticoid và các thuốc ức chế miễn dịch khác.

Bệnh Crohn đại - trực tràng: Có thể kèm theo tổn thương Crohn ở các phần khác của ống tiêu hóa nhất là vùng hồi manh tràng. Bệnh có tính chất xảy ra từng đợt với sốt, máu lắng tăng, thương tổn đại tràng dài hoặc nhiều đoạn. Điều trị kết hợp nhóm kháng sinh, corticoid và ức chế miễn dịch.

Trĩ nội: Là do vỡ hoặc viêm nhiễm khuẩn búi trĩ, chủ yếu là máu tươi, có thể chảy thành tia hoặc giọt. Điều trị bằng các thuốc đặc hiệu trĩ hoặc chích xơ thắt hoặc phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.

Polyp đại tràng: Thường chảy máu từng đợt, do viêm loét nhiễm khuẩn các polyp. Chẩn đoán bằng chụp baryt đại tràng hoặc nội soi. Điều trị bằng đốt điện hoặc cắt bỏ qua nội soi.

Tóm lại, biểu hiện chảy máu đường tiêu hóa dưới rất đa dạng, có nhiều nguyên nhân, dễ làm người bệnh chủ quan. Vì vậy mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ mình, nếu có biểu hiện bất thường nên tới khám sớm ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

ThS.BS. Nguyễn Bạch Đằng - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

Xem thêm