Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Để có giấc ngủ ngon khi kỳ thi gần kề

Giấc ngủ là khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết của bạn sau khi cơ thể đã phải làm việc vất vả. Nghỉ ngơi đầy đủ cũng giúp bạn học tập tốt hơn, giảm bớt căng thẳng và tràn đầy năng lượng.

Để có giấc ngủ ngon khi kỳ thi gần kề

Ngủ không đủ sẽ gây cho bạn những ảnh hưởng tiêu cực:

  • Cảm thấy cáu giận và khó chịu
  • Học khó tập trung, gặp khó khăn trong khả năng ghi nhớ hay suy nghĩ rõ ràng.
  • Có thể gây tai nạn nếu bạn đang di chuyển trên đường hay khi đang sử dụng máy móc.
  • Hay bị ốm hơn
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Có thể làm bạn tăng cân
  • Ít tự tin hơn về bản thân
Những mẹo để có giấc ngủ tốt

Tạo nên một thói quen đi ngủ và thức dậy vào đúng giờ hàng ngày, kể cả ngày cuối tuần.

Tập thể dục thường xuyên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc tập thể dục hàng ngày và tập nhẹ nhàng trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon và sâu hơn.

Không ăn nhiều ngay trước khi đi ngủ, thức ăn có thể khiến cho bạn cảm thấy quá no và không thoải mái khi ngủ. Nếu ban có thói quen ăn trước khi ngủ, hãy chọn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu và ăn một lượng ít. 

Tránh các nguồn đèn sáng trước khi ngủ, bao gồm cả nguồn đèn từ TV hay máy tính, điện thoại di động. Bạn nên ngủ trong phòng tối. Vì phòng tối là một tín hiệu báo cho cơ thể rằng đây là thời gian để nghỉ ngơi. Đồng thời hãy bỏ thói quen sử dụng điện thoại, máy tính bảng trước khi đi ngủ vì ánh sánh từ màn hình có thể làm ảnh hưởng đến não bộ dẫn đến khó ngủ, ngủ không say.

Ngủ trong một căn phòng có nhiệt độ thích hợp. Nếu bạn không thể thay đổi nhiệt độ phòng thì hãy mặc ít đi hoặc nhiều áo hơn, sử dụng hoặc không sử dụng chăn để giúp cơ thể thoải mái nhất.

Làm đúng các công việc trước khi đi ngủ hàng ngày. Nếu bạn làm những công việc này mỗi tối trước khi đi ngủ, cơ thể bạn sẽ biết sắp đến giờ đi ngủ. Bạn có thể tắm bằng nước ấm hay uống một cốc sữa trước khi lên giường hàng ngày.

Thức dậy khi có ánh sáng. Ánh sáng sẽ nói cho bạn biết đã đến lúc cần thức dậy.

Lắng nghe cơ thể bạn. Nếu bạn cảm thấy mệt, hãy đi ngủ ngay để lấy lại sức khỏe. Nếu bạn không thể ngủ khi đã nằm trên giường tới 20 phút thì tốt nhất bạn nên thức dậy, làm một việc gì đó cho đến khi bạn buồn ngủ.

Không sử dụng chất kích thích. Điều này có nghĩa là bạn không nên uống cà phê, nước uống có gas, sô-cô-la và đồ uống bổ sung năng lượng, cố gắng không ăn hay uống chúng cả vào buổi chiều.

Đừng ngủ trưa nhiều hơn 1 giờ hay ngủ trưa gần với giờ ngủ tối.

Bạn không nên thức trắng đêm để học. Có kế hoạch học từng phần cho mỗi tối để không dồn vào một tối. Nếu bạn thức trắng đêm, bạn sẽ mệt đến nỗi không thể làm tốt bài thi của mình như mong muốn.

Dành khoảng 1 tiếng trước khi ngủ để thư giãn. Một gợi ý nhỏ cho bạn, đó là nếu công việc đang làm bạn lo lắng, hãy viết chúng ra như một cách đẩy chúng ra khỏi đầu và có một giấc ngủ ngon.

Tránh xa máy tính, điện thoại và một số thiết bị tương tự. Bạn có thể để điện thoại di động bên ngoài phòng để không có ý muốn sử dụng chúng, và để tin nhắn hay các cuộc gọi không đánh thức bạn.

Nếu tất cả các lời khuyên trên không thể giúp bạn ngủ được, hay nói với bố mẹ hay người thân Hoặc là, bạn cũng có thể đi khám bác sĩ, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên cụ thể.

Ngủ bao nhiêu là đủ?

Các chuyên gia khuyên rằng trẻ em, thiếu niên và thanh niên nên ngủ ít nhất là 8-9 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, chỉ một số ít trẻ ngủ đủ thời gian này. Sau đây là một số cách để biết xem bạn đã ngủ đủ chưa:

  • Bạn có cảm thấy thức dậy vào buổi sáng rất khó khăn không?
  • Trong cả ngày học tập và làm việc, bạn có thấy khó tập trung không?
  • Bạn có thỉnh thoảng ngủ gục trên lớp học?

Nếu câu trả lời là có, hãy xem lại và thử các lời khuyên phía trên ngay để có một giấc ngủ tốt hơn.

Luôn luôn nhớ rằng một giấc ngủ tốt không đồng nghĩa với việc ngủ nhiều tiếng trong ngày. Nếu bạn tỉnh giấc nhiều vào ban đêm, ngáy khi ngủ hay bị đau đầu sau khi ngủ thì rất có thể bạn đang chưa có những điều kiện tốt nhất cho một giấc ngủ yên lành và tốt cho sức khỏe. Điều đó có nghĩa là bạn nên thay đổi ngay vì sức khỏe của chính bản thân.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bạn “đốt” được bao nhiêu calorie trong khi ngủ?

CTV. Thùy Dung - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Girlshealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm