Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chuẩn bị tâm lý làm cha mẹ

Mang thai ở mỗi người mỗi khác, do vậy mẹ bầu không thể biết mình sẽ trải qua những gì trong suốt thai kỳ, và đó là điều bình thường. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị để chào đón em bé ra đời, và chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng làm mẹ cũng vô cùng quan trọng.

Chuẩn bị tâm lý làm cha mẹ

Khi chuẩn bị làm cha mẹ, tức là bạn sẽ sẵn sàng đón nhận mọi điều có thể xảy ra. Bạn có thể hỏi mọi người về kinh nghiệm riêng, lắng nghe các lời khuyên, đọc sách, xem trên mạng các thông tin liên quan, nhưng bạn không thể biết được điều gì sẽ đến với mình cho đến khi bạn thực sự trải qua.

Hãy chấp nhận rằng mình không thể biết tất cả mọi thứ. Có như vậy bản thân mới thấy thư giãn và tận hưởng những điều tuyệt vời trong thời kỳ mang thai.

Thay đổi lối sống

Hãy nghĩ tới câu hỏi tại sao Bạn muốn làm mẹ? Em bé sắp chào đời có thể thay đổi cuộc sống của mình thế nào?

Mang thai là một điều kỳ lạ, có thể khiến bạn tự nguyện bắt đầu thói quen mới lành mạnh vì con. Nếu bạn thường xuyên uống rượu bia hoặc hút thuốc để giải tỏa căng thẳng, buồn phiền, thì giờ là lúc dừng lại. Hút thuốc, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích đều gây ảnh hưởng không tốt cho con.

Với nhiều bà mẹ, việc tập trung chăm sóc sức khỏe cho con đến rất tự nhiên trong giai đoạn mang thai và chăm sóc con nhỏ. Khi còn trẻ, hầu hết chúng ta đều chỉ quan tâm tới bản thân mình. Nhưng khi có con, chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn và chỉ tập trung vào con cái, thay vì quan tâm nhiều đến những sở thích của bản thân như trước đây.  

Khi có con, mẹ sẽ chỉ tập trung vào chăm lo cho con
thay vì quan tâm nhiều tới cái tôi cá nhân như trước. Ảnh: internet

Nhờ sự giúp đỡ từ người khác

Ngay cả khi đã sẵn sàng về mặt tinh thần, thai kỳ vẫn có thể khiến chị em bất ngờ. Cách đối phó với những bất ngờ đó là ở cạnh những người có thể giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn và đừng ngại nhờ đến sự trợ giúp của họ. Mẹ bầu hãy lên danh sách những người có thể hỗ trợ, sau đó nói chuyện với bạn bè và gia đình về những điều mình cần khi mang thai hoặc khi con chào đời.

Lý tưởng nhất là khi có người giúp đỡ để người mẹ được nghỉ ngơi, ngủ đủ, ăn tốt và có thời gian chăm sóc con mới sinh.

Thảo luận với chồng

Việc hỏi cảm xúc của chồng về việc có con rất quan trọng. Hãy hỏi chồng:

  • Anh có vui không hay anh có lo sợ khi làm bố?
  • Công việc của 2 vợ chồng có ổn định không?
  • Tài chính có đủ vững mạnh để nuôi con không?
  • Ai sẽ hỗ trợ thêm cho vợ chồng khi cần để sinh con, nuôi con?
  • Hai vợ chồng sẽ làm gì để chăm sóc con?
  • Phân chia công việc thế nào?

Làm cha mẹ rất khó. Vợ chồng sẽ chăm con tốt hơn nếu trao đổi rõ ràng với nhau. Hãy giải tỏa những thắc mắc, lo lắng của hai vợ chồng trước khi bắt đầu kế hoạch mang thai, sinh con. Nên thảo luận, trao đổi với nhau mỗi khi có vấn đề mới phát sinh để cùng nhau giải quyết tốt nhất.

Vợ chồng nên thẳng thắn trao đổi với nhau. Ảnh: internet

Sinh thêm con

Nếu đã có con, làm thế nào để biết khi nào nên sinh con thứ hai? Câu hỏi đặt ra cho ông bố bà mẹ ở thời điểm này sẽ khác một chút.

Hầu hết các cặp vợ chồng đều khá mệt sau khi sinh con đầu lòng, vì vậy họ cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi đón chào đứa con thứ hai. Nhưng một số cặp vợ chồng lại muốn có con khi con đầu lòng vẫn còn nhỏ, vì vậy hãy chuẩn bị trước câu trả lời cho những vấn đề sau đây:

  • Con đầu lòng có ngủ cả đêm không?
  • Mẹ và con đã sẵn sàng cai sữa chưa?
  • Cơ thể mẹ đã sẵn sàng mang thai tiếp chưa?
  • Chồng đã chuẩn bị tinh thần cho đứa con tiếp theo chưa?
  • Bản thân ba mẹ có đảm bảo tài chính để nuôi con không?

Mặc dù có nhiều điều bạn không lường trước được, nhưng hãy nhớ, càng chuẩn bị tâm lý kỹ càng bao nhiêu bạn càng dễ dàng vượt qua khó khăn bấy nhiêu. Và điều quan trọng nhất là việc chuẩn bị tâm lý phải cho cả hai, sự cố gắng cũng phải đến từ cả vợ và chồng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Lời khuyên từ chuyên gia giúp tăng khả năng có em bé - Phần 1Lời khuyên từ chuyên gia giúp tăng khả năng có em bé - Phần 2

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm