Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chửa trứng có nguy hiểm hay không?

Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng thì những hệ luỵ của nó là khó lường.

Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch. Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng thì những hệ luỵ của nó là khó lường vì có khoảng 10 - 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi.

Nguyên nhân gây chửa trứng

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học cho thấy có thể do sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Bên cạnh đó phải kể đến một số yếu tố thuận lợi: chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi, những người có thai nhiều lần, bất thường ở dạ con, những người có mức sống thấp, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic vitamin A...

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng (Ảnh minh họa: Internet)

Dấu hiệu nhận biết

Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai giống như những trường hợp mang thai bình thường khác, trước hết là tắt kinh, sau đó là nghén. Tuy nhiên, người chửa trứng thường nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, nôn ra mật xanh, mật vàng, người gầy sút.

Một số trường hợp còn bị phù và tăng huyết áp. Bên cạnh nghén nặng, thai phụ còn bị ra máu âm đạo (hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ), máu đen hoặc đỏ, dai dẳng, ít một, có thể tự cầm trong một thời gian ngắn. Do mất máu nên thai phụ mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt. Một triệu chứng điển hình nữa là tử cung của người chửa trứng to không tương xứng với tuổi thai, có trường hợp chửa trứng mới 2-3 tháng mà tử cung đã to như người có thai bình thường 5-6 tháng. Tuy vậy, khi sờ nắn bụng thai phụ thì thấy mềm và không thấy khối thai, nếu làm siêu âm thì không thấy âm vang thai mà chỉ thấy hình ảnh của các túi dịch.

Mặt khác, các biểu hiện của chửa trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung... Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh phải khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp Xquang bụng...

Hệ lụy do chửa trứng

Trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm như sẩy thai trứng gây băng huyết nặng hoặc thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung. Khoảng 10 - 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi. Ung thư nguyên bào nuôi thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử chảy máu và di căn xa đến các phủ tạng khác của cơ thể như gan, phổi, não, làm việc điều trị rất khó khăn.

Điều trị chửa trứng thế nào?

Cần phải nạo hút thai trứng sớm để phòng sẩy thai gây băng huyết. Sau 2 - 3 ngày lại phải nạo lại lần thứ hai và sau nạo phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn. Riêng đối với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc đã có đủ con không muốn có con nữa thì có thể áp dụng biện pháp cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo trứng trước. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành bệnh ung thư tế bào nuôi.

Một điểm cần lưu ý nữa là sau khi nạo thai trứng thì bệnh nhân phải được theo dõi ngoại trú và khám định kỳ trong thời gian ít nhất là hai năm theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể: phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu 2 tuần/lần cho đến khi lượng HCG trở về bình thường. Khi HCG đã về mức cho phép, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thử nước tiểu 4 tuần/lần trong thời gian 6 tháng, cùng với việc làm các xét nghiệm khác và siêu âm nếu cần. Mục đích là để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của chửa trứng. Trong thời gian theo dõi, bệnh nhân không được có thai, chỉ sau hai năm theo dõi mà không thấy có biến chứng gì thì mới nên có thai lại. Và lần có thai sau thời hạn hai năm này cũng phải được khám và theo dõi chặt chẽ.

Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ. Nếu phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, quá trình thụ tinh dễ gặp bất thường. Bình thường, chửa trứng không nguy hiểm, vì khoảng 80% chửa trứng là lành tính, bệnh khỏi sau khi nạo lấy hết nhau thai hoặc cắt dạ con ở người không có nhu cầu sinh đẻ nữa. Khoảng 10-15% chửa trứng trở thành loại xâm nhập, bệnh ăn sâu vào thành dạ con gây chảy máu và các tác hại nguy hiểm khác. Khoảng 2-3% chửa trứng trở thành ung thư nhau thai. Khi đã thành ung thư nhau thai, bệnh phát triển nhanh, lan rộng, di chuyển tới các nơi khác như phổi, não, gan... gây hậu quả khó lường.

BS. Phạm Minh Nguyệt - Theo Sức khỏe và Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

Xem thêm