Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chống suy dinh dưỡng bằng... sữa mẹ

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ nhỏ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ...

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ nhỏ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng...

Vì sao sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ?

Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Trong sữa mẹ có kháng thể là yếu tố bảo vệ cơ thể trẻ mà không một thức ăn nào có được. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, eczema như ăn sữa bò.

Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần phải chế biến, không cần dụng cụ pha chế, mà lại rất tiện lợi. Trẻ bú sữa mẹ sẽ thuận lợi, kinh tế hơn nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn bó tình mẫu tử, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hòa của đứa trẻ. Ngoài ra, cho con bú còn góp phần kế hoạch hóa sinh đẻ và giảm tỷ lệ ung thư vú.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn bó tình mẫu tử và đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bé.

Cách cho con bú

Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi căng sữa, người ta thường gọi là xuống sữa, như vậy là không đúng, vì nó càng làm sữa xuống chậm hơn. Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng một giờ đầu, người mẹ nên cho trẻ bú. Bú càng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Trẻ được bú sữa non sẽ có kháng thể phòng bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau sinh.

Số lần cho trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ. Cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đòi ăn. Nếu các bà mẹ nghĩ mình ít sữa thì lại cần cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.

Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. Thời gian cho bú tùy theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú hết một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia.

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cần cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn nào khác, kể cả nước. Khi trẻ bị bệnh, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non yếu không bú mẹ được, hoặc trường hợp mẹ bị ốm, mẹ bị mắc một số bệnh mà không cho trẻ bú được, cần vắt sữa mẹ ra cốc và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc trực tiếp uống bằng cốc. Nên cho trẻ bú đến 18-24 tháng tuổi, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi.

Bảo vệ nguồn sữa mẹ

Muốn có sữa cho con bú thì người mẹ ngay trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tăng cân tốt (tăng từ 10-12kg), đó là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh.

Khi cho con bú, điều trước tiên cần quan tâm là người mẹ phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đẫy giấc. Khẩu phần ăn của mẹ cao hơn mức bình thường. Hàng ngày ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, trứng hoặc một ít rau đậu. Nên ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ hoặc vừng rang muối giã nhỏ ăn với xôi có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi vì nó qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.

Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước, nhất là nước cháo, nước hoa quả, sữa... (mỗi ngày khoảng 1,5-2 lít).

Vì sữa mẹ được tiết theo cơ chế phản xạ, cho nên tinh thần của người mẹ phải thoải mái, tự tin tránh những căng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động nghỉ ngơi sau khi sinh đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.

Bs. Nguyễn Văn Tiến - Theo Sức khỏe & Đời sống/Viện Dinh dưỡng QG
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

Xem thêm