Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cảnh giác với bệnh động mạch chi dưới mạn tính

Bệnh động mạch chi dưới mạn tính chỉ tình trạng một phần hay toàn bộ chi dưới không được cung cấp đầy đủ máu đáp ứng cho các hoạt động sinh lý, gây ra bởi các bệnh lý động mạch mạn tính. Tại Việt Nam, các bệnh lý tim mạch nói chung xuất hiện ngày càng nhiều, liên quan chặt chẽ tới các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì... Bệnh động mạch chi dưới mạn tính và các biến chứng của nó cũng ngày càng phổ biến hơn.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh lý này, trong đó vữa xơ động mạch chiếm hàng đầu. Hậu quả của bệnh động mạch chi dưới mạn tính ít gây tử vong (khoảng 1%) nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, sinh hoạt, làm việc và lao động của người bệnh, thậm chí trở thành tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều trị còn nhiều khó khăn cả về phương diện nội, ngoại khoa cũng như phục hồi chức năng.

Phát hiện bệnh như thế nào?

Hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh sẽ thấy dấu hiệu đau cách hồi: đau khi đi lại, dừng lại nghỉ sẽ đỡ đau và lại đau khi tiếp tục đi. Khoảng cách quãng đường khi xuất hiện đau càng ngắn thì mức độ bệnh càng nặng.

Ban đầu, bệnh nhân có thể xuất hiện đau khi đi khoảng 1.000 mét, nhưng càng về sau, có thể chỉ đi 200 mét đã đau hoặc ngắn hơn, thậm chí đau cả khi không đi lại, đau khi nghỉ ngơi. Hiện nay, đa số người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, khi người bệnh ngồi tại chỗ cũng đau.

Bệnh động mạch ngoại biên của chi dưới.

Nếu không được điều trị, chi dưới không được cung cấp máu đầy đủ, khi đó không những xuất hiện đau mà sẽ xuất hiện viêm loét hoặc hoại tử đầu chi do thiếu máu. Đây là biến chứng nặng nề, sẽ dẫn đến cắt cụt chi gây tàn phế cho người bệnh. Tùy vào vị trí bị hoại tử mà cắt cụt cao hay thấp.

Khám tại chỗ sẽ thấy khó bắt mạch hoặc không bắt được mạch ở ngoại vi. Bác sĩ sẽ đo huyết áp ở cổ chân và tính ra một thông số gọi là chỉ số ABI, tính bằng huyết áp tâm thu ở cổ chân chia cho huyết áp tâm thu ở tay. Bình thường chỉ số này từ 0,9 đến 1,3.

Khi ABI bình thường (0,9-1,3): hệ thống động mạch bình thường hoặc tổn thương động mạch không gây hậu quả về huyết động.

Khi ABI từ 0,75-0,9: có bệnh tắc nghẽn động mạch chi dưới, tuy nhiên còn được bù trừ tốt.

Khi ABI từ 0,4-0,75: tình trạng bù trừ ở mức trung bình, chỉ đủ cấp máu cho nhu cầu chuyển hóa lúc nghỉ.

Khi ABI dưới 0,4: giai đoạn bệnh nặng, ảnh hưởng đến chức năng của chi và hậu quả về huyết động nghiêm trọng.

Các xét nghiệm để đánh giá chính xác mức độ tổn thương thường được áp dụng hiện nay gồm siêu âm mạch máu, chụp cắt lớp đa dãy (MSCT) mạch máu và chụp mạch sẽ xác định được mức độ hẹp mạch máu, vị trí chính xác của mạch máu bị hẹp. Đây là những xét nghiệm mà nhiều trung tâm, bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương đã thực hiện được một cách thường quy. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ có phương án điều trị phù hợp.

Điều trị như thế nào?

Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến đầu chi không được cung cấp máu đầy đủ, có thể phải cắt cụt chi do hoại tử. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng chuyên khoa là điều quan trọng nhất. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

Điều trị bằng thuốc: Tất cả bệnh nhân đều phải được điều trị bằng thuốc một cách hệ thống. Các thuốc được dùng gồm thuốc chống huyết khối (thuốc chống ngưng tập tiểu cầu), các thuốc vận mạch, giúp điều hòa lưu huyết, tăng khả năng biến dạng của hồng cầu, giảm tình trạng kết tập tiểu cầu, tăng cường máu đến nuôi dưỡng chi.

Điều trị bằng can thiệp mạch: Đây là phương pháp tiên tiến và đã được áp dụng tại nhiều trung tâm tim mạch. Phương pháp này không phải mổ, chỉ dùng một dụng cụ luồn vào động mạch bị hẹp, nong đoạn hẹp và đặt giá đỡ (stent) tại vị trí hẹp. Kết quả của điều trị bằng can thiệp mạch đã đạt được kết quả rất tích cực.

Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị cơ bản, bác sĩ sẽ làm một cầu nối mới đi vòng qua chỗ động mạch bị tổn thương. Có thể dùng cầu nối bằng tĩnh mạch hoặc bằng mạch nhân tạo. Dù điều trị bằng ngoại khoa hay bằng can thiệp mạch, sau đó người bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi và duy trì điều trị thuốc.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh có liên quan nhiều đến các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến mạch máu bao gồm: thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường. Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối bỏ thuốc lá và điều trị, kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như kiểm soát tốt huyết áp, điều trị bệnh đái tháo đường và tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid.

Một vấn đề quan trọng nhất là cần khám và phát hiện bệnh sớm, ở giai đoạn chưa đau khi nghỉ ngơi hay chưa có viêm loét, hoại tử chi do thiếu máu. Phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh tránh được tàn phế do các biến chứng của bệnh.

Khi đã xuất hiện bệnh, có đau cách hồi, người bệnh cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch và dùng thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn. Theo dõi định kỳ để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh biến chứng.

BS. Ngô Tuấn Anh - Theo Sức khỏe & Đời sống/Bệnh viện TWQĐ 108
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

Xem thêm