Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách nào khắc phục suy giảm trí nhớ?

Theo thời gian, cơ thể bị lão hóa, các bộ phận bị suy giảm chức năng thì hệ thần kinh bị suy giảm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi hệ thần kinh bị suy giảm chức năng thì trí nhớ cũng bị suy giảm theo.

Tại sao trí nhớ lại suy giảm?

Vào thời điểm 20 tuổi, não bộ (cơ quan chứa trí nhớ) trưởng thành tối đa về thể tích thì vào những năm tiếp theo sau đó, não bộ bắt đầu không còn lớn hơn được nữa. Những khoảng thời gian sau này, não bộ bắt đầu suy giảm. Đến thời điểm 40 tuổi, vỏ não bắt đầu mỏng đi và kéo theo đó là triệu chứng nhớ rồi quên, nhớ mang máng bắt đầu xảy ra rõ nét.

Sự suy giảm trí nhớ có nhiều biểu hiện khác nhau:

 

Suy giảm trí nhớ về thời gian: Không thể nhớ rõ sự kiện ấy diễn ra vào thời gian nào, gặp người ấy vào thời điểm nào, lúc nào thì mình nhận được thành tích ấy.

Suy giảm trí nhớ về không gian: Không thể xác định rõ mình đã để chìa khóa ở đâu, để kính mắt chỗ nào, thậm chí không thể định hình rõ mình đã mua chiếc ô tô thân thương ở đâu.

Quên về thao tác: Có người đã từng làm một công việc rất thuần thục, nhưng sau đó, họ lại bị quên thao tác, quên thứ tự các động tác và thực hiện việc đó khó khăn.

Suy giảm trí nhớ về ngữ âm: Không thể nhớ ra tên một người đã từng gặp, hoặc xác định được người trước mặt tên là gì, gặp ở đâu, quen trong sự kiện nào.

Nguyên nhân của sự suy giảm trí nhớ trên là do sự lão hoá. Nó diễn ra theo mấy khía cạnh sau:

Một, các tế bào thần kinh bị giảm số lượng. Mỗi tế bào thần kinh chỉ có một thời gian sống nhất định và khi nó chết đi, nó không được thay thế mới bởi tế bào thần kinh khác.Vỏ não mỏng đi, trung tâm nhớ bị suy giảm. Khi chụp não bộ, người ta thấy vùng hồi hải mã, vùng có liên quan nhiều đến trí nhớ, bị suy giảm thể tích. Chúng co lại, nhỏ đi, mỏng bớt và vì thế trí nhớ bị hao hụt.

Phần tử bệnh lý gây thoái hóa tế bào thần kinh.

Hai, các hormon và các protein do các tế bào thần kinh tiết ra có liên quan đến trí nhớ bị giảm. Một mặt, tế bào thần kinh chết đi nên số lượng tế bào thần kinh sản xuất ra hormon nhớ bị hao hụt. Mặt khác, bản thân các tế bào thần kinh còn sống sót cũng không còn toàn vẹn chức năng, chúng không còn đủ khả năng sản xuất ra hormon nhớ nên trí nhớ trở thành mang máng. Một số hormon có thể kể ra đây như dopamin, serotonin, achetylcholin...

Ba, lượng máu đi tới não bộ bị suy giảm. Máu là nguồn cung cấp oxy và dưỡng chất cho não hoạt động. Vì nhiều lý do khác nhau, máu tới não không còn đủ theo nhu cầu nên trí nhớ trở nên kém cỏi.

Bốn, não bộ hình thành những phần tử bệnh lý. Những phần tử này gây ra thoái hóa tế bào thần kinh, chúng lấn chiềm phần thần kinh nhớ và làm cho một số người bị sa sút trí tuệ, Alzheimer. Một số phần tử bệnh lý hình thành như các mảng beta amyloid trong não bộ làm não bộ một số người mắc phải bệnh mất trí nhớ.

Cách nào khắc phục?

Việc lão hóa là việc của tự nhiên, chúng ta không thể đảo ngược. Nhưng chúng ta có thể làm cho trí nhớ, nhớ được lâu hơn, dài hơn, bị suy giảm ít hơn nhờ vào chế độ sống hoàn hảo cho thần kinh, làm trì hoãn tốc độ lão hóa thần kinh. Đó là:

Ngủ đủ: Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng với thần kinh và trí nhớ. Với hệ thần kinh, giấc ngủ giúp hệ thần kinh phục hồi phần năng lượng tiêu hao, thải loại bớt ra ngoài chất độc tích tụ. Với trí nhớ, giấc ngủ giúp cho củng cố trí nhớ, tạo điều kiện cho quá trình ức chế phân biệt diễn ra, thông tin nào đáng được lưu giữ và thông tin nào không đáng được lưu giữ.

Trong các thời lượng ngủ, ngủ đêm có giá trị nhất. Bạn cần phải làm thế nào ngủ đêm thật dài và thật ngon. Càng ngủ đêm dài và sâu bao nhiêu, hệ thần kinh của bạn càng được lợi bấy nhiêu. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên làm việc quá khuya là những người có tốc độ suy giảm trí nhớ nhanh nhất.

Để chăm sóc cho giấc ngủ của người cao tuổi, có nhiều việc chúng ta có thể làm được. Mấy gợi ý sau có thể hữu ích:

Phòng ngủ phải êm ái: Tránh dùng phản hay mặt cứng làm giường ngủ. Thay vào đó hãy sử dụng một tấm nệm nhỏ đủ để cơ thể không bị đè ép và ngủ ngon.

Nhiệt độ phòng ngủ phải hài hòa: Nên duy trì ở mức nhiệt độ 28-29 độ. Nhiệt độ này giúp cho giấc ngủ ngon.

Thoáng khí nhưng không được lộng gió: Thoáng khí giúp đủ oxy, nhưng không lộng gió sẽ tránh lạnh ban đêm.

Cần tĩnh tại: Phòng ngủ không nên quá gần đường, nơi xe cộ đi lại. Nếu không bạn sẽ bị choàng tỉnh giữa chừng và rất khó ngủ lại.

Ngoài ra, cần giữ cơ thể sạch sẽ trước khi đi ngủ; không sử dụng rượu bia hay chất kích thích trước khi ngủ.

Đọc sách, báo, chơi ô chữ: Một trong phương cách để đảm bảo chức năng cho cơ thể đó là yếu cái gì thì tập cái đó. Tương tự như người bị yếu sức vận động, cách thức đơn giản nhất để phục hồi đó là tập vận động. Cách thức hữu hiệu nhất cho người bị suy giảm trí nhớ đó là tập cho trí nhớ. Và cách tập này chính bằng việc bắt não bộ tư duy. Việc ép não bộ tư duy vào thời gian thức tỉnh sẽ kích hoạt các tế bào thần kinh còn sót lại huy động khả năng tiết hormon thần kinh mà các hormon này sẽ tham gia vào chu trình nhớ sau đó. Chúng ta thực hiện bằng cách đọc sách, báo hay chơi ô chữ.

Tuy nhiên, không nên làm nhiều việc cùng một lúc sẽ làm cho tế bào thần kinh rơi vào kiệt quệ. Có thể sắp xếp đọc sách, báo 1 giờ đồng hồ vào buổi sáng (đọc tin tức sau bữa ăn sáng, ngồi thong dong uống trà). Nếu sáng đã đọc sách thì chiều hãy chơi ô chữ. Nếu hôm nay đọc báo thì ngày mai đọc sách. Thời gian tiến hành nên sau 8h sáng, khi thần kinh đã thức tỉnh, trước 10h sáng vì thần kinh bắt đầu mệt mỏi. Buổi chiều cũng bắt đầu từ sau 14h cho đến trước 16h. Thực hiện như vậy, bạn sẽ tập cho não bộ được thể dục theo đúng nghĩa đen của nó.

Vận động đủ lượng: Vận động là phương cách làm cơ thể mệt mỏi, làm cơ thể bị tiêu hao năng lượng nên vận động là “mồi” cho ngủ ngon. Vận động làm tăng lưu thông máu lên não bộ nên tăng khả năng nuôi dưỡng cho não bộ. Vận động làm tăng số vòng tuần hoàn qua não nên vận động sẽ giúp tăng thải độc cho thần kinh. Nhưng vận động thế nào cho có lợi? Câu trả lời là vận động đủ lượng. Người cao tuổi chỉ cần vận động nhẹ nhàng: Chơi bóng chuyền hơi, cầu lông, đạp xe đạp thong dong, đi bộ nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, tập thái cực quyền... Những môn thể thao này chủ yếu làm lưu thông tuần hoàn, bôi trơn cho khớp mà ít làm ảnh hưởng tới cơ thể người cao tuổi. Nên vận động 1h đồng hồ cho mỗi ngày. Bạn có thể vận động từ 6h-7h sáng hoặc chọn thời điểm từ 17h-18h. Đó là mức vận động đủ lượng để cơ thể cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái.

Sống kết nối: Một trong các đặc trưng của não bộ người cao tuổi đó là mất thăng bằng khiến họ dễ rơi vào trầm cảm. Trầm cảm bất lợi với trí nhớ. Sống kết nối là phương thức giúp người cao tuổi giải phóng hormon có hại cho trí nhớ, tăng tiết các hormon yêu đời.

Thay vì chỉ ngồi một góc nhà, bạn hãy gọi điện trò chuyện cùng con cháu. Thi thoảng gọi các cháu nhỏ đến chơi, gọi cho con cái về ăn cơm cùng với gia đình. Tích cực tham gia vào hội người cao tuổi, tham gia vào các phong trào cộng đồng phù hợp như phong trào sống khỏe, sống có ích, vệ sinh công cộng, thể dục thể thao quần chúng. Tích cực tham gia vào các lễ hội dân gian sẽ làm thay đổi sự hoạt động của não bộ.

Ngay cả khi bạn ngại ra ngoài, việc nuôi một con thú cưng trong nhà sẽ giúp bạn bớt cô đơn và cảm thấy cuộc đời tươi trẻ. Một con thú cưng, mặc dù nó không hiểu điều bạn nói, nhưng nó lại có giá trị giải tỏa thần kinh. Bạn chăm sóc nó đồng nghĩa với việc não bộ phải hoạt động và hormon yêu thương được tăng cường. Hormon này sẽ giúp tăng khả năng kết nối lưu giữ lại trí nhớ.

BS. Phong Nam - Theo Sức khỏe và đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm