Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách đúng sử dụng thuốc viên ngậm

Thuốc viên ngậm (TVN) được sử dụng bằng cách ngậm vào trong miệng, thuốc sẽ được hòa tan từ từ, phóng thích các hoạt chất vào niêm mạc miệng, họng.

Đây là những viên thuốc thường có hình dáng giống như viên kẹo cứng nên còn được gọi là “kẹo ngậm” và được trình bày ở nhiều dạng khác nhau (hình tròn, vuông, chữ nhật…).

Thuốc viên ngậm

TVN có mùi thơm, vị ngọt nên rất dễ sử dụng, thích hợp trong các trường hợp người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên thường bị nôn ói, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng…

Thành phần:

Trong thành phần của TVN gồm có hoạt chất và tá dược. Các tá được sử dụng trong TVN là những chất dễ hòa tan, có mùi thơm, vị ngọt như: saccarose, axít citric, magnesi stearat, pectin, gelatin… Khi ngậm vào miệng, các tá dược sẽ hòa tan từ từ và phóng thích hoạt chất vào trong cơ thể.

Phân loại:

Có nhiều dạng thuốc viêm ngậm khác nhau:

Tùy theo thành phần của thuốc: dựa theo công thức bào chế, TVN được chia làm 2 loại: loại chứa đường và loại không chứa đường.

TVN không chứa đường thích hợp cho người kiêng đường hay người mắc bệnh đái tháo đường.

Tùy theo sự phân tán của hoạt chất: TVN có tác dụng tại chỗ (hoạt chất phân tán tại chỗ) và TVN có tác dụng toàn thân (hoạt chất sẽ phân tán theo các mạch máu). Thuốc có tác dụng tại chỗ thường sử dụng trong điều trị viêm họng, viêm răng, miệng… Thuốc có tác dụng toàn thân thường được sử dụng trong điều trị cảm, ho, cai nghiện thuốc lá…

Tùy theo nguồn gốc của các thành phần: TVN thảo dược và TVN thông thường.

Tùy theo tác dụng điều trị:

Trị đau họng: đây là dạng thông dụng của TVN, có tác dụng trị nhiễm khuẩn miệng, họng, trong thành phần thường có chứa kháng sinh, kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ.

Trị ho: đây cũng là dạng TVN thông dụng, có tác dụng ức chế cơn ho, trong thành phần thường có chứa tinh dầu bạc hà (menthol) và tinh dầu tràm (eucalyptus), dextromethorphan…

Bổ sung vitamin: dạng TVN rất thích hợp cho trẻ em, có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, trong thành phần có chứa vitamin như: vitamin C.

Chống nấm: trong thành phần có chứa chất kháng nấm nystatin hay clotrimazol, được sử dụng trong điều trị bệnh tưa miệng (hay còn gọi là đẹn) do nấm candida albicans gây ra (với những mảng trắng nhỏ ở lưỡi hay bên trong má, gây đau rát khi ăn uống).

Ngoài ra còn có TVN chống nôn ói ở thai phụ, TVN cai thuốc lá…

Những lưu ý khi sử dụng TVN

Hiện nay TVN được sử dụng rất thông dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng cần lưu ý những điều sau:

- Nên được bảo quản nơi thoáng mát, nhiệt độ <300C.

- Trước và sau khi đưa thuốc vào miệng, cần phải được rửa tay sạch sẽ.

- Viên thuốc sau khi lấy ra, được đặt nhẹ nhàng lên lưỡi và ngậm miệng lại, để thuốc tan từ từ trong miệng, tránh nhai viên thuốc.

- Khi sử dụng TVN cũng giống như các loại thuốc viên khác, người bệnh phải được sự tư vấn và chỉ định của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng, để tránh các tác hại do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Viên thuốc sau khi lấy ra, được đặt nhẹ nhàng lên lưỡi và ngậm miệng lại, để thuốc tan từ từ trong miệng, tránh nhai viên thuốc.

DS. MAI XUÂN DŨNG - Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
Xem thêm